MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia kinh tế chỉ ra 2 lộ trình hướng đến phát triển bền vững của Việt Nam

Chuyên gia kinh tế chỉ ra 2 lộ trình hướng đến phát triển bền vững của Việt Nam

Tại diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020 diễn ra ngày 10/12, ông Peter Bakker, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) cho rằng trong trạng thái bình thường mới, các quốc gia cần theo đuổi những hướng đi mới, đặc biệt thúc đẩy phát triển bền vững cho tương lai đất nước.

Theo ông Peter Bakker, doanh nghiệp có 3 ưu tiên để khắc phục những ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. Ưu tiên số một là đảm bảo an toàn và sức khỏe của nhân viên, khách hàng. Ưu tiên thứ hai là tập trung vào việc xây dựng lộ trình trở về trạng thái bình thường mới. Ưu tiên thứ ba là tập trung thúc đẩy phát triển bền vững.

Đồng thời, nếu không tận dụng khoảng thời gian tái xây dựng hướng đến trạng thái bình thường mới hiện nay để tập trung vào 3 ưu tiên nói trên, các quốc gia sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển rất lớn.

Trên cơ sở đó, ông Peter Bakker đã đưa ra 2 hướng đi cho Việt Nam.

Thứ nhất là khai thác cơ hội gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững. Báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững chỉ ra rằng, việc theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững có thể tạo ra 230 triệu việc làm ở châu Á vào năm 2030 thông qua những mô hình phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, mở ra cơ hội thị trường mới trị giá 5 nghìn tỷ USD. Trong đó, cơ hội thị trường cho riêng Trung Quốc chiếm khoảng 2,3 nghìn tỷ USD, Ấn Độ khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Những nước đang phát triển, mới nổi như Việt Nam có khoảng 1,1 nghìn tỷ USD.

Thứ hai, mô hình kinh tế sinh học tuần hoàn. Tại Việt Nam, nông nghiệp là thành phần kinh tế vô cùng quan trọng, đóng góp 15% vào GDP cả nước. Tận dụng cơ hội trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể xây dựng mô hình kinh tế sinh học tuần hoàn để mở ra cơ hội thị trường trị giá 7,7 nghìn tỷ USD. Đặc biệt, kinh tế sinh học tuần hoàn cũng đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và khan hiếm tài nguyên.

Ông Peter Bakker nhấn mạnh, phát triển bền vững phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm hướng đến thực hiện cam kết giảm 8% khí nhà kính vào năm 2030. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt. Đại diện Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp cùng các bên liên quan hợp tác tiên phong giải quyết cuộc khủng hoảng, xây dựng Việt Nam bền vững, tự cường hơn trong tương lai.

Hoài Thương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên