MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia kinh tế lo chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc

Những chuyển dịch đầu tư gắn với xuất nhập khẩu gần đây, đặc biệt trong tương tác với các đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc, đặt Việt Nam đối mặt với thách thức không nhỏ...

Đó là nhận định của ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại buổi toạ đàm lấy ý kiến chuyên gia về tình hình kinh tế - xã hội do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 4/10.

Nhấn mạnh 2020 là năm cuối cùng để về đích hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh gợi mở những vấn đề cần tập trung thảo luận. Như, bổ sung đánh giá về khó khăn, thuận lợi, khả năng hoàn thành các mục tiêu, làm rõ chất lượng tăng trưởng và xử lý nội tại các vấn đề của nền kinh tế mà nhiều năm nay chưa xử lý được, như cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA

Tại buổi toạ đàm, có khá nhiều kết quả đáng chú ý của tình hình kinh tế - xã hội được ông Dương và các vị khác nhắc tới, như tăng trưởng ấn tượng, vượt mọi dự báo (quý 3 tăng 7,31%). Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 6,98%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8%) và vượt mọi dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc có diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn có tăng trưởng, chuyên gia từ CIEM nhấn mạnh.

Điểm sáng đáng chú ý là khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn thể hiện sức sống và phát huy vai trò ngày một tích cực hơn đối với nền kinh tế. Đầu tư của khu vực này chiếm tới 45,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng đầu năm, tăng 16,3%.

Trong bối cảnh đầu tư công giải ngân chậm và khu vực FDI có phần suy giảm, gia tăng hoạt động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước mang lại đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế cũng như niềm tin đối với môi trường đầu tư – kinh doanh, ông Dương nhìn nhận.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tăng trưởng 2019 giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên ông Dương cho rằng diễn biến tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm cho thấy rủi ro về việc quay trở lại mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác và xuất khẩu khoáng sản và sự tăng trưởng chậm của khu vực nông-lâm-thủy sản.

Đáng lo nữa, theo chuyên gia CIEM là chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc (với vốn đăng ký mới đạt hơn 2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chỉ thấp hơn Hàn Quốc, đi kèm với gia tăng nhập khẩu từ nước này có thể kéo theo lo ngại Việt Nam thành "bãi đáp" cho các doanh nghiệp Trung Quốc lẩn tránh các biện pháp áp thuế quan và các biện pháp khác của Mỹ, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Bản thân xu hướng chuyển dịch đầu tư nói trên, theo đánh giá của ông Dương, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề cạnh tranh, chèn lấn của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước - vốn đã hiện hữu trong nhiều năm. Việt Nam không phân biệt đối tác đầu tư, nhưng thách thức chính là làm sao cân đối giữa yêu cầu sàng lọc dự án đầu tư với việc giảm các chi phí chính sách không cần thiết cho hoạt động đầu tư.

Cũng đề cập đến quan hệ giao thương với Trung Quốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông bình luận: "chúng ta quá bé với họ nhưng không có nghĩa là chúng ta thua nếu chúng ta biết chơi. Vấn đề là phải tạo được môi trường thương mại trong sạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh".

Nhìn từ những điểm chưa sáng của nền kinh tế ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng những giải pháp cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn mang tính đối phó, chưa xuất phát từ động lực tự thân cải cách.

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực gần 3 năm rồi, nhưng hầu như chưa có tác động thực tế gì, ông Tuấn dẫn chứng.

Năm 2020, theo ông Tuấn, môi trường kinh doanh còn ẩn chứa nhiều rủi ro và có thể khó khăn hơn so với năm 2019. Ông Tuấn cho biết có hàng trăm doanh nghiệp đã phản ánh đến VCCI về những vướng mắc do pháp luật cập kênh, thiếu đồng bộ, quy định lòng vòng.

Tp.HCM có 70 dự án nhà ở thương mại đang tắc vì những bất hợp lý trong Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư. Khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như Airbnb hay Nextflick (VOD) cũng chưa hoàn thiện…ông Tuấn nói.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên