Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Nói thật từ trong lòng, tôi vẫn thấy lo hơn về số doanh nghiệp ra khỏi thị trường"
Tính chung cả năm 2017, cả nước có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 15,2% so với năm 2016. Tuy nhiên, bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là trên 60.000 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm 2016.
"Nói thật từ trong lòng, tôi vẫn thấy lo hơn về số doanh nghiệp ra khỏi thị trường", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam Quý IV/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức.
Không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động
Tính chung cả năm 2017, cả nước có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 15,2% so với năm 2016. Số vốn đăng ký đạt gần 1.300 tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là trên 60.000 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm 2016.
Sau 10 năm tham gia WTO và 2 năm thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, 2017 là năm dồn nén nhiều sức mạnh cũng như sức ép đối với doanh nghiệp Việt. Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp ra khỏi thị trường vẫn rất cao, mặc dù vẫn có nhiều doanh nghiệp đăng ký mới.
"Môi trường kinh doanh vô vàn khó khăn, đặc biệt với thuế, phí. Chi phí không chính thức vẫn tăng cao, vẫn làm doanh nghiệp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp tiếp tục rút khỏi thị trường", bà Chi Lan cho biết.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cũng chia sẻ cùng quan điểm: "Doanh nghiệp mới vào thị trường chưa tạo ra được nhiều lợi nhuận trong khi những doanh nghiệp làm lâu thì rút ra". Ông Tuyển cũng bày tỏ băn khoăn về độ xác thực của con số vốn đăng ký, "đăng ký vốn như vậy có ai kiểm soát không hay chỉ ghi thế thôi".
Doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp thực tế được bao nhiêu?
Thực tế, câu chuyện về cơ cấu kinh tế và đóng góp của các thành phần kinh tế vào tăng trường không phải là mới. Cơ cấu thành phần kinh tế trong 30 năm qua gần như không đổi. Khu vực Nhà nước chiếm đến 1/3 GDP, khu vực tư nhân chính thức chỉ đóng góp 7-8%, tư nhân phi chính thức đóng góp 30%, còn lại là đầu tư nước ngoài.
TS. Lê Đăng Doanh cho biết kinh tế hộ gia đình vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó, kinh tế hộ gia đình có mức độ đóng góp về thuế, khả năng tạo việc làm hạn chế cũng như mức độ cạnh tranh quốc tế thấp. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh chưa tạo ra những điều kiện thuận lợi cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. Theo ông Lê Đăng Doanh, khu vực tư nhân chính thức theo Luật doanh nghiệp chỉ đóng góp 9% GDP năm 2017.
Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thậm chí gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Ông Doanh nhận xét: "Phần lớn các 'quả đấm thép' của chúng ta bây giờ là nợ nần, nợ rất to và rất nhiều. Tập đoàn thì đầu tư thua lỗ và hết sức khó khăn".
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm qua vẫn chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI. Trong đó, riêng Samsung và Formosa đóng góp 4,02% điểm phần trăm vào mức tăng 9,4% điểm phần trăm của ngành công nghiệp trong năm 2017.
Mức độ lan tỏa của doanh nghiệp FDI cũng như tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Năm qua, Samsung công bố tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm điện thoại thông minh là 57%. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam cho biết doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp khoảng 16 - 17% trong khi phần đóng góp còn lại là từ các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. "Phần lớn sản phẩm của chúng ta là đóng gói chứ không phải sản xuất, nhưng chúng ta thì lại tự nhận là sản xuất tại Việt Nam mặc dù thương hiệu của nước khác", ông Doanh cho hay.
"Tôi nghĩ rằng rằng chúng ta rất hoan nghênh những nỗ lực, những tiến bộ của năm 2017. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng đóng góp của kinh tế nội địa, doanh nghiệp dân tộc của chúng ta rất thấp. Chúng ta dựa vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quá nhiều, mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu?", TS. Lê Đăng Doanh nhận định.