MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia lên tiếng vụ mì Hảo Hảo, miến Good bị 'tuýt còi' tại Ireland

31-08-2021 - 07:25 AM | Thị trường

Chuyên gia lên tiếng vụ mì Hảo Hảo, miến Good bị 'tuýt còi' tại Ireland

Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng và doanh nghiệp (DN) phải giám sát và thực hiện thường xuyên việc kiểm tra an toàn thực phẩm, chứ không phải chạy theo vụ việc.

Vụ việc sản phẩm mì tôm, miến... chứa chất cấm vượt ngưỡng quy định của châu Âu vừa qua là bài học để các đơn vị siết chặt quá trình hậu kiểm và là cảnh báo tới các doanh nghiệp trong chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.

Vi phạm nhiều, công bố ít

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam- SPS (Văn phòng SPS Việt Nam) cho hay: Việc Liên minh châu Âu (EU) phát cảnh báo đối với các sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm của khu vực này là chuyện không hiếm gặp trong bối cảnh hội nhập. Mỗi năm, trung bình văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 40-50 cảnh báo về các sản phẩm của Việt Nam vi phạm. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, EU đã cảnh báo khoảng 2.918 sản phẩm của các nước xuất khẩu vào thị trường này, trong đó riêng của Việt Nam là 26 sản phẩm.

Theo ông Nam, thông thường sau khi nhận được thông báo, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tổng hợp, gửi các cơ quan quản lý có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các doanh nghiệp bị cảnh báo để có biện pháp xử lý theo quy định.

"Việc kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải giám sát và thực hiện thường xuyên, chứ không phải chạy theo vụ việc, có phản ánh rồi mới vội vã vào cuộc".

Chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, giảng viên về an toàn thực phẩm VASEP

Văn phòng SPS Việt Nam phải minh bạch những điều đó để cơ quan quản lý, doanh nghiệp biết và kiểm tra lại quy trình có giải pháp khắc phục ngay vi phạm (nếu có) để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nam cho biết, về nguyên tắc, các lô hàng xuất khẩu đều có hồ sơ gốc ghi đầy đủ thông tin về kiểm soát mối nguy trong cả quá trình sản xuất. Tuy nhiên, DN khi đã có lô hàng nằm trong diện cảnh báo, phía EU sẽ đưa vào tầm kiểm soát và nâng tần suất lấy mẫu. Ví dụ, từ một tỷ lệ thấp lên 50% hoặc 100% lô hàng.

“Thị trường EU được coi là khu vực đặt ra các tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa. Với những tiêu chuẩn này, chúng ta hay coi đó là hàng rào kỹ thuật, nhưng không riêng EU mà ngay cả Việt Nam cũng có những tiêu chuẩn đặt ra với hàng nhập khẩu”, ông Nam cho hay.

Trả lời câu hỏi “vì sao hằng năm, Việt Nam có khoảng 40-50 sản phẩm chứa dư lượng chất cấm vượt ngưỡng theo quy định của EU nhưng công bố thông tin dường như rất ít?”, ông Nam nói: Các cảnh báo của EU thường ở 2 mức độ: nghiêm trọng và không nghiêm trọng. Đối với các sản phẩm nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu DN điều tra, công bố kết quả công khai.

Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tình hình để quyết định hậu kiểm. Còn những cảnh báo không nghiêm trọng, DN chỉ cần khắc phục theo đúng yêu cầu của nước xuất khẩu. Nếu lô hàng sau đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thì DN có thể xuất khẩu bình thường. Ngoài ra, việc công bố thông tin còn phụ thuộc vào quy định của từng nước; việc đó có thể không được chấp nhận ở nước này, nhưng lại được chấp nhận ở nước khác.

Giám sát thường xuyên

Chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, giảng viên về an toàn thực phẩm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Vụ việc sản phẩm của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương chứa chất cấm vượt ngưỡng quy định của EU là chuyện không hiếm. Doanh nghiệp chế biến thực phẩm dù có công nghệ, máy móc hiện đại đến đâu cũng phải có lúc đối mặt rủi ro, không có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm nào là tuyệt đối. Tuy nhiên, việc kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải giám sát và thực hiện thường xuyên, chứ không phải chạy theo vụ việc, có phản ánh rồi mới vội vã vào cuộc.

“Vừa qua, Bộ Công Thương cho biết đã vào cuộc kiểm tra, yêu cầu rà soát, làm rõ quy trình sản xuất, xác định vi phạm... Nghe toàn chỉ đạo đao to búa lớn, nhưng thực tế vẫn phải chờ ý kiến từ phía DN. Thay vì làm như vậy, Bộ Công Thương nên phối hợp với nhà sản xuất để tìm rõ nguyên nhân. Sau khi có kết quả xử lý, bộ cần minh bạch thông tin để người tiêu dùng yên tâm”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng, điều quan trọng nhất là làm thế nào để khuyết điểm đó không xảy ra trong tương lai, doanh nghiệp khác sản xuất cùng chủng loại sản phẩm cũng có thể rút kinh nghiệm từ bài học này.

Mì Hàn Quốc, Thái Lan cũng chứa chất cấm

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, năm 2020 tại EU phát hiện hơn 500 loại thực phẩm có chứa Ethylen Oxide, gồm các loại dầu vừng, bánh đa, ngũ cốc, bánh quy, mì… Trong đó, EU phân tích 25 mẫu sản phẩm ăn liền xuất xứ châu Á, thì phát hiện 11 mẫu mì từ Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam chứa Ethylen Oxide vượt ngưỡng quy định hoặc chứa các chất tương tự.

Theo ông Thịnh, đến nay, tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng Ethylen Oxide. Trên thực tế, tại nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, Canada…, chất này vẫn được sử dụng để khử trùng, chống nấm mốc gia vị...

Theo Minh Thành

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên