MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia lý giải vì sao trẻ 2 - 4 tuổi coi tất cả mọi thứ đều là “CỦA CON”

19-06-2021 - 22:10 PM | Sống

Chuyên gia lý giải vì sao trẻ 2 - 4 tuổi coi tất cả mọi thứ đều là “CỦA CON”

Con không ích kỷ, con chỉ chưa biết cách chia sẻ thôi nhé bố mẹ ơi! Cha mẹ đừng vội vàng trách con ích kỷ kẻo gây ảnh hưởng tâm lý tới các bé.

4 giai đoạn phát triển nhận thức theo Jean Piaget

Theo học thuyết về phát triển nhận thức của nhà tâm lý học Jean Piaget – con người sẽ trải qua 4 giai đoạn phát triển về nhận thức là:

SensoriMotor (tạm dịch: Phát triển giác quan – vận động): từ 0 – 2 tuổi

Pre-Operational (tạm dịch: Tiền thao tác): từ 2 – 7 tuổi

Concrete operational (Tạm dịch: thao tác cụ thể): từ 7 – 11 tuổi

 Formal operational (Tạm dịch: thao thác trừu tượng): từ 11 tuổi đến trưởng thành.

Chuyên gia lý giải vì sao trẻ 2 - 4 tuổi coi tất cả mọi thứ đều là “CỦA CON” - Ảnh 1.

Một vài đặc điểm ở giai đoạn bắt đầu Tiền thao tác thường gặp ở trẻ 2 – 4 tuổi

Khi bắt đầu vào giai đoạn Tiền thao tác (Pre-Operational), từ 2 tuổi, trẻ em tư duy ở mức độ tượng trưng và tượng hình, chứ chưa biết vận dụng các thao tác nhận thức, chưa biết sử dụng logic để kết hợp, phân biệt, hoặc chuyển hoá các suy nghĩ và ý tưởng.

Các đặc điểm nổi bật của giai đoạn ban đầu của Tiền thao tác là:

Centration – Khả năng chỉ tập trung vào 1 yếu tố, 1 khía cạnh duy nhất của 1 sự vật, sự việc. Ví dụ: nếu con đang tập trung vào số lượng các miếng bánh, con sẽ khó mà tập trung để phân biệt được miếng to, miếng nhỏ hay phân biệt theo màu sắc.

Egocentric – Xu hướng xem bản thân mình là trung tâm. Con chưa có khả năng nhìn nhận và đánh giá tình huống từ quan điểm và cảm xúc của người khác. Con thường mặc định rằng những gì con nhìn, cảm thấy, mong muốn, suy nghĩ... cũng là điều mọi người xung quanh cũng thấy, muốn, nghĩ như vậy. Ví dụ: nếu con muốn được ăn kem, con sẽ nghĩ là ai cũng muốn ăn kem giống con.

Chuyên gia lý giải vì sao trẻ 2 - 4 tuổi coi tất cả mọi thứ đều là “CỦA CON” - Ảnh 2.

 Parallel Play – Chơi song song, không phải chơi cùng nhau. Từ 1 – 3 tuổi, con có thể ở bên cạnh một bạn nhỏ khác trong cùng một phòng, thay vì chơi cùng và có tương tác qua lại. Bởi vì ở thời điểm này, con vẫn nhìn nhận tất cả mọi việc qua quan điểm và lăng kính của con. Ngôn ngữ nói ra của hai bạn nhỏ trong độ tuổi 2 – 3 phần lớn vẫn là "mạnh ai nấy nói".

Người lớn ơi, đừng nói rằng: "Con thật ích kỷ!"

Với tất cả các đặc điểm đã ở trên, việc con trẻ ở giai đoạn 2 – 4 tuổi chưa biết và chưa sẵn sàng chia sẻ và nhường nhịn đồ chơi của mình với bạn bè hay em nhỏ là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển nhận thức của con theo khoa học.

Vì vậy, thay vì mắng con là "ích kỷ" hay bắt con phải luôn biết nhường nhịn đồ chơi cho người khác, bố mẹ và ông bà hãy dạy tất cả các con về việc chia sẻ khi con muốn, dạy con biết trao đổi, biết xin phép, biết tôn trọng đồ đạc đang ở trong tay của một bạn nhỏ khác, và biết chấp nhận khi bạn hoặc em không muốn đưa đồ cho mình nhé!

Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh.

Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.

Theo Tú Anh Nguyễn

Nhịp sống Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên