Chuyên gia: Nên cởi mở đón nhận cho vay ngang hàng
Từ thực tiễn các nước trên thế giới có thể thấy cho vay ngang hàng về bản chất và thực tế không có gì là xấu, cần được đón nhận và tạo điều kiện phát triển ở Việt Nam. Điều cần làm ngay và trên hết là đề ra được khuôn khổ pháp luật, cấp phép và thanh tra, giám sát hoạt động của các nền tảng cho vay ngang hàng.
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Cho vay ngang hàng (P2P) đã ra đời và phát triển từ hơn chục năm nay trên thế giới và cũng đã xuất hiện ở Việt Nam với hàng chục doanh nghiệp hoạt động khá rầm rộ tuy chưa một doanh nghiệp nào được cấp phép chính thức cho hoạt động này vì cơ quan chức năng chưa đưa ra được khuôn khổ pháp lý thích hợp.
Tuy nhiên, tin tức về hàng loạt vụ phá sản, đóng cửa, bỏ trốn của các (chủ) doanh nghiệp cho vay ngang hàng ở Trung Quốc đã làm cho dư luận tại Việt Nam hiện có hướng thiên về kiến nghị Nhà nước cấm đoán hoạt động này ở Việt Nam. Chẳng hạn, theo một cuộc khảo sát nhỏ trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới đây, kết quả cho thấy có đến 81% số người tham gia khảo sát trả lời là không nên phát triển mô hình cho vay ngang hàng ở Việt Nam. Còn trong dư luận, không ít ý kiến cho rằng cho vay ngang hàng là một dạng kinh tế tài chính "ảo", dịch vụ "ảo" nên trước sau gì cũng mang đến những kết quả "ảo", kết cục xấu (cho người cho vay tiền).
Thực tế, cái nhìn tiêu cực như trên đối với cho vay ngang hàng có lẽ phần nhiều xuất phát từ tâm lý "con chim bị tên thấy cành cong cũng sợ". Nếu được hiểu một cách thấu đáo hơn thì cho vay ngang hàng không chỉ không đáng sợ như vậy mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nếu biết cách quản lý và phát huy.
Lợi và hại
Lợi ích lớn nhất là tất cả các bên trong các giao dịch cho vay ngang hàng đều được hưởng lợi. Người đi vay thì được vay với một lãi suất tuy cao hơn ngân hàng nhưng thậm chí còn thấp hơn cả vay từ các công ty tài chính/vay tiêu dùng. Người cho vay thì được hưởng một lãi suất cao hơn nhiều so với nếu họ gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Sàn/nền tảng cho vay ngang hàng thì được hưởng phí từ cả 2 bên đi vay và cho vay, tuy với một mức khá khiêm tốn (ví dụ, sàn Funding Circle của Anh chỉ tính phí giao dịch 1% với người cho vay và 0,25% với người đi vay). Yếu tố chính đằng sau những lợi ích này là chi phí hoạt động thấp của sàn, do các giao dịch đều thực hiện online (trực tuyến) một cách nhanh chóng, với bộ máy quản lý gọn nhẹ, ít tốn kém.
Ngoài cái lợi về lãi suất, cái lợi to lớn khác khó mà đong đếm được là sự tiếp cận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nguồn vốn phi ngân hàng sẵn có trên thị trường mà chẳng cần có bảo lãnh hay tài sản thế chấp. Không ít trong số những doanh nghiệp loại này đã từng và sẽ tiếp tục bị ngân hàng từ chối cho vay, làm mất đi nhiều cơ hội kinh doanh có khả năng sinh lời tốt. Điều này càng có ý nghĩa khi nền kinh tế trì trệ, tín dụng ngân hàng thì bị siết chặt do mức độ rủi ro cho vay đã tăng lên. Trong bối cảnh này, các Chính phủ càng có lý do để khuyến khích sự phát triển của cho vay ngang hàng như là một biện pháp kích thích tăng trưởng hữu hiệu nhưng không tốn kém (cho ngân sách).
Về cái hại, rủi ro lớn nhất là cho vay ngang hàng không thuộc phạm vi bảo lãnh của Quỹ bảo hiểm tiền gửi của Nhà nước nên người cho vay có thể mất trắng toàn bộ số tiền cho vay nếu người vay không/mất khả năng chi trả. Tuy nhiên, bản chất của cho vay ngang hàng – tiền của người cho vay được phân tán cho nhiều người vay – lại chính là một yếu tố giảm nhẹ rủi ro này. Thậm chí một số sàn còn tự nguyện lập ra các nguồn quỹ để "bảo hiểm" và/hoặc đền bù cho người cho vay trong trường hợp người vay không trả nợ (tất nhiên là chi phí này sẽ được cộng vào phí giao dịch mà người đi vay và cho vay phải trả cho sàn). Một số sàn khác thì giữ tài sản thế chấp là bất động sản để đảm bảo khoản vay.
Được khuyến khích phát triển
Như phân tích thêm ở dưới đây, không chỉ Trung Quốc chấp nhận cho ngành cho vay ngang hàng tồn tại và phát triển mà điều này còn đúng với nhiều nước trên thế giới bởi sự nhận thức rõ được những lợi ích mà nó mang lại cho nền kinh tế (trong khi những rủi ro, nguy hại của cho vay ngang hàng thì hoàn toàn có thể điều tiết, quản lý được).
Chẳng hạn ở Anh, hồi tháng 4/2016, Chính phủ Anh cho phép thành lập Tài khoản Tiết kiệm Tài chính Sáng tạo (IFSA) của cá nhân, qua đó cho phép công dân Anh đầu tư tới 20.000 USD vào các nền tảng tài chính khác nhau và được hoàn thuế. Những lựa chọn mà người Anh có thể đầu tư gồm có cả các nền tảng cho vay ngang hàng.
Theo dữ liệu của Chính phủ, IFSA đã thúc đẩy mạng sự tăng trưởng về giá trị giao dịch và số lượng nhà đầu tư đăng ký mới vào các nền tảng cho vay ngang hàng được cấp phép. Chẳng hạn, nền tảng Crowd2Fund chuyên cho vay các doanh nghiệp nhỏ đã đạt được tăng trưởng về vốn cho vay qua nền tảng này tới 667% và 373% tăng trưởng về số lượng nhà đầu tư đăng ký mới.
Ngăn chặn lừa đảo chứ không phải là ngăn chặn hoạt động và phát triển
Trở lại với các vụ việc lùm xùm ở Trung Quốc, điều cần lưu ý là mặc dù Chính phủ Trung Quốc trong hai năm qua đã ban hành và siết chặt các luật lệ và chính sách để hạn chế cho vay ngang hàng, nhưng sự hạn chế này là để giảm rủi ro cho người cho vay và người đi vay, nhằm mục đích thiết lập một ngành có các quy chuẩn hoạt động, chứ không phải là cấm cho vay ngang hàng.
Cụ thể hơn, Trung Quốc cấm các nền tảng/sàn cho vay ngang hàng được huy động vốn, cho vay, và "gọi vốn bất hợp pháp" để ngăn chặn việc hình thành quỹ huy động vốn theo kiểu kinh doanh đa cấp, lấy vốn của người sau trả cho người trước. Các hoạt động marketing offline cũng bị cấm, ngoại trừ hoạt động thu thập thông tin tín dụng, theo dõi vốn vay, quản lý tài sản thế chấp. Chính phủ Trung Quốc cũng cảnh báo các sàn cho vay ngang hàng – những sàn có vốn góp cổ đông và huy động vốn từ đám đông người tham gia – không được ngụy tạo mục tiêu và tự tài trợ. Các sàn cũng không được tài trợ cho các lĩnh vực như quản lý tài sản, chuyển giao cổ phần hoặc quyền của chủ nợ, hoặc cấp vốn cho thị trường các loại chứng khoán rủi ro cao, trừ khi được phê duyệt bởi cơ quan chức năng.
Kết quả của chiến dịch siết chặt luật lệ và mạnh tay điều tra, trấn áp các sàn cho vay ngang hàng "có vấn đề" đã dẫn tới sự đóng cửa tới hơn 5.000 sàn cho vay ngang hàng ở Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Hồi tháng 7, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch thanh lọc này thêm 2 năm nữa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo và vi phạm quy chế, loại bỏ các doanh nghiệp cho vay ngang hàng xấu, đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường cho vay ngang hàng vốn sẽ mang lại lợi ích cho xã hội trong dài hạn.
Ít nhiều tương tự như vậy, Chính phủ Anh quản lý cho vay ngang hàng bằng cách yêu cầu các sàn phải tách bạch tiền của khách và tiền của mình (gửi tiền của khách vào tài khoản của bên thứ ba). Các sàn cũng được quy định phải có một lượng tiền dự trữ đề phòng mọi cú sốc tài chính (không kể các quỹ dự phòng, bảo hiểm nói ở đoạn trên). Ngoài ra, các sàn phải có kế hoạch xử lý các khoản nợ vay nếu công ty đi vay bị phá sản.
Như vậy, từ thực tiễn các nước trên thế giới có thể thấy cho vay ngang hàng về bản chất và thực tế không có gì là xấu, cần được đón nhận và tạo điều kiện phát triển ở Việt Nam. Điều cần làm ngay và trên hết là cơ quan chức năng phải đề ra được khuôn khổ pháp luật, cấp phép và thanh tra, giám sát hoạt động của các nền tảng cho vay ngang hàng hiện có và sẽ thành lập trong tương lai để đảm bảo rằng chúng hoạt động tuân thủ theo luật định, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư (người cho vay).