MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Chỉ biết đổ lỗi cho người khác là người kém trách nhiệm, thiếu kỹ năng và không đáng tin cậy

19-02-2020 - 08:48 AM | Sống

Không chủ động trong công việc chắc chắn sẽ khiến bạn phải hối hận.

Nói về tính chủ động trong công việc, chắc hẳn không ít người sẽ "giật mình thon thót" bởi đây chính là yếu điểm của nhiều nhân viên công sở hiện nay. Không chủ động trong công việc sẽ khiến cho bạn mất khá nhiều cơ hội việc làm, đơn cử như việc đánh giá từ cấp trên hay quan trọng hơn là ảnh hưởng đến thăng tiến, thu nhập...

Mới đây, chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ về vấn đề này. Bà hiện là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia…

Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: "Quảy gánh băng đồng ra thế giới", "Nhượng quyền khởi nghiệp", và "Con đường ngắn để bước ra thế giới".

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Chỉ biết đổ lỗi cho người khác là người kém trách nhiệm, thiếu kỹ năng và không đáng tin cậy - Ảnh 1.

"Mỗi khi bắt được giao và bắt đầu một công việc mới, tôi kiên quyết thực hiện ba điều sau:

1. Thái độ khi được giao việc: Tôi là chủ sở hữu công việc này. Mọi trách nhiệm thành bại của công việc này tôi là người chịu trách nhiệm. Nếu việc không xong là trách nhiệm của tôi và tôi sẽ hoàn toàn không đổ lỗi cho ai khác. Nếu giao một khâu trong dự án cho ai đó mà người đó không hoàn thành đúng tiến độ thì phải có giải pháp để dự án tiếp tục, không đổ lỗi cho người đó làm hỏng dự án của mình.

Họ làm không xong là chuyện của họ. Tôi không hoàn thành dự án là trách nhiệm của tôi do thiếu kỹ năng quản trị dự án. Người chỉ biết đổ lỗi cho người khác là người kém trách nhiệm, thiếu kỹ năng, khả năng, và không đáng tin cậy. Nếu kết quả không tốt tôi dũng cảm nhận là do bản thân chưa quản trị tốt, chưa tận tâm tận lực, chưa biết sắp xếp và phân việc, chưa có kỹ năng cộng tác tốt...

Tôi là chủ sở hữu công việc này.

2. Trước khi thực hiện công việc: nghiêm túc ngồi xuống suy nghĩ "why - how - what". Tại sao cần làm việc này? Mục tiêu cần đạt được là gì? Trông hình hài nó ra làm sao? Để đạt được mục tiêu đó có những cách nào? Cách nào là tối ưu nhất? Cách nào là phù hợp với nguồn lực hiện tại nhất? Có rủi ro hay khó khăn gì khi thực hiện theo cách này không? Nếu có, đó có thể là gì và cách giải quyết ra sao? Vậy thì cuối cùng là "what", tôi cần thực hiện từng bước gì để hoàn thành công việc được giao nhằm hoàn thành mục tiêu đã xác định?

Hỏi và trả lời những câu hỏi trên là cách để bạn lên kế hoạch thực hiện cho đúng. Đừng cắm đầu làm như thiên lôi mà chẳng hiểu mô tê.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Chỉ biết đổ lỗi cho người khác là người kém trách nhiệm, thiếu kỹ năng và không đáng tin cậy - Ảnh 2.

3. Trong suốt thời gian lên kế hoạch và thực hiện: liên tục chủ động báo cáo xin ý kiến, hướng dẫn, đồng ý giải pháp cho các vấn đề gặp phải. Chia sẻ thông tin và tương tác với sếp là cách để giúp họ hiểu rõ và an tâm là công việc đang đúng tiến độ, và hỗ trợ cho ý kiến đóng góp tốt hơn cho công việc bạn đang thực hiện. Đồng thời, liên tục chia sẻ thông tin, cập nhật, trao đổi với những thành viên liên quan đến công việc, nhắc nhở deadline nếu cần, có phương án giải quyết khi bị ùn tắc hay có sự cố.

Thói quen của người Việt là im, hỏi tới mới nói, nói ra là đổ thừa tại bị lung tung. 

Xin lỗi nha, mọi trách nhiệm quy về bạn hết. Người đến một nhiệm vụ giao làm không xong, đổ thừa tá lả là người kém cỏi. Làm ơn mở miệng mở lòng ra giao tiếp. Nếu không ai biết chỗ nào ngứa mà gãi là do bản thân hết thôi nha. Giao tiếp tốt không những giúp cho dự án thành công mà còn xây dựng được sự trân trọng, hỗ trợ của sếp và đồng nghiệp dành cho mình.

Rồi cứ niệm đúng 3 khẩu quyết này mỗi ngày mỗi khi nhận công việc mới sẽ giúp bạn xây dựng sự chủ động cần có trong công việc. Nếu muốn hội nhập tương lai, không bị quăng vào bảo tàng thì bắt đầu ngay hôm nay đi nhé."

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên