Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra những động lực tăng trưởng GDP năm 2024
Bức tranh GDP năm 2023 có thể khó đạt được như kỳ vọng nhưng GDP năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt hơn và động lực tăng trưởng chính sẽ ở lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt thị trường bất động sản cũng được hồi phục.
Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng với MarketTimes về tăng trưởng GDP năm 2023 và dự báo GDP năm 2024.
MarketTimes: Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023 và Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá XV, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nhìn lại số liệu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của 9 tháng năm 2023 đạt gần 500 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt gần 260 tỷ USD (giảm 2% so với năm trước); nhập khẩu đạt gần 238 tỷ USD (giảm 13,8%).
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường 11 tháng qua, bình quân mỗi tháng hơn 14.400 doanh nghiệp cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn. Về vấn đề tiền tệ, NHNN vẫn tìm cách giảm lãi suất, FED tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao. Trong khi Mỹ giữ lãi suất cao khiến chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND có khoảng cách lớn. Tất cả những điều này khiến kinh tế của Việt Nam từ nay đến cuối năm khó có thể bứt phá, đạt mức tăng trưởng mạnh.
MarketTimes: Xuất khẩu có vai trò rất quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm sút. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng xuất khẩu của các doanh nghiệp từ này tới cuối năm?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Như số liệu TCTK công bố cho thấy, tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm chỉ còn 1 tháng nữa nhưng tôi chưa thấy khả quan, bởi 3 quý trước xuất khẩu giảm.
Mặc dù vừa qua tại báo cáo của TCTK có đánh giá là xuất siêu, nhưng thực chất là xuất siêu ảo. Nếu xuất siêu đúng phải là tăng trưởng về xuất khẩu. Và khi xuất khẩu cao hơn nhập khẩu thì sẽ có xuất siêu. Còn trong trường hợp này xuất khẩu giảm nhưng lại là xuất siêu.
Nhìn lại số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 11 tháng đạt 619,17 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9%; nhập khẩu 296,67 tỷ USD, giảm 10,7%; xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 10,3 tỷ USD).
Điều này có nghĩa là xuất khẩu giảm nhẹ hơn nhập khẩu, nhập khẩu giảm mạnh hơn, nên hai con số trừ nhau nó chênh nhau vẫn có xuất siêu. Xuất siêu trong tăng trưởng âm nên chúng ta gọi là xuất siêu ảo.
Thực tế, xuất khẩu giảm tình hình khó xoay chuyển mạnh mẽ, trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn giữ lãi suất cao, mức tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu từ nay đến cuối năm cao hơn nhưng vẫn không lấy lại được sự trì trệ cả năm.
Việc xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ sụt giảm do nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ vẫn chưa trở lại như trước dịch, nên về xuất khẩu chúng ta không thể chờ sự bứt phá trong năm 2023. Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2024 hy vọng khả quan hơn nên xuất khẩu của chúng ta cũng có khả năng khả quan hơn.
MarketTimes: Cho đến cuối tháng 11 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới ở mức 8,3%, trong khi ngân hàng dư tiền, doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất. Đâu là gốc của vấn đề?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, hoạt động tín dụng tuỳ thuộc vào nhu cầu của người đi vay, tức là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Phải nói là khả năng vay mượn của nền kinh tế thấp nhiều, 14.400 doanh nghiệp giải thể trong 1 tháng.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn, cần vốn nhưng họ lại không vay được, vì họ không có tài sản bảo đảm. Và nếu có tài sản bảo đảm thì giá trị tài sản đó đang xuống thấp. Giá trị bất động sản, tài sản bảo đảm, hàng tồn kho đang sụt giảm. Họ chỉ vay được 70% giá trị tài sản bảo đảm.
Thứ hai, bản thân các ngân hàng cũng đắn đo cho vay. Bởi khi khi nền kinh tế tăng trưởng, buôn bán suôn sẻ, ngân hàng nhìn thấy cơ hội doanh nghiệp trả nợ được, ngân hàng sẽ cho vay. Khi thị trường trì trệ, cho vay sẽ có nguy cơ trở thành nợ xấu. Tất cả các yếu tố như không có khả năng vay, không đi vay được… đó là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém. Ngân hàng rất cẩn trọng cho vay, hội tụ cộng hưởng với nhau tạo nên ngân hàng không dám cho vay, trong khi đó vốn lưu động tăng lên.
MarketTimes: Ông nhìn nhận bức tranh tín dụng năm 2024 như thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Từ các chính sách tài khoá, chính sách tín dụng của NHNN liên quan đến hạ lãi suất; nhất là FED có thể giữ nguyên lãi suất trước bầu cử Tổng thống Mỹ, tôi nghĩ rằng bức tranh tín dụng có thể sẽ tốt đẹp hơn.
Với những chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng hơn vào cuối 2023 nền kinh tế sẽ tích cực hơn. Do đó, để có độ trễ thì 6 tháng 2024 tình trạng kinh tế vẫn trì trệ, có thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” 2024.
Tuy nhiên, Việt Nam nên cẩn trọng với chính sách tiền tệ, vì chúng ta đang nới lỏng chính sách tiền tệ đi ngược với thế giới. Việc giảm lãi suất không có tác dụng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng (tăng trưởng tín dụng chỉ bằng ½ mục tiêu) mà đang có tác động mạnh đến thị trường chứng khoán giảm điểm, tỷ giá tăng, giá trị tiền đồng giảm.
MarketTimes: Nhận định của ông về tăng trưởng GDP năm 2024, đâu là động lực tăng trưởng chính, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Với những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản, từ xuất nhập khẩu và bức tranh tín dụng năm 2024, tôi dự đoán GDP có thể tăng 5,5-6%.
Nói về động lực tăng trưởng, điều chính yếu vẫn nằm ở lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu vì xuất khẩu là điểm mạnh và trụ cột. Bên cạnh đó là lĩnh vực nông nghiệp, vì nông nghiệp cũng là một trong những trụ cột của nền kinh tế, trong đó đóng góp vào xuất khẩu rất lớn.
Một động lực nữa không thể không nhắc tới là bất động sản, khả năng thị trường này sẽ vực dậy và phục hồi vào quý cuối năm 2024. Khi bất động sản vực dậy, thì những ngành nghề liên quan đến bất động cũng vực dậy và du lịch cũng phát triển hơn năm 2024.
MarketTimes: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhịp sống thị trường