Chuyên gia nhận định phí tái bảo hiểm phi nhân thọ có xu hướng tăng
Năm 2021, bên cạnh những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành bảo hiểm cũng hứng chịu nhiều tổn thất thảm họa, điều này tạo một áp lực lớn đối với việc khai thác bảo hiểm trong năm 2022 sắp tới.
Bà Hồ Phương Anh, Trưởng ban Tái bảo hiểm Cố định - Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe) đã có những chia sẻ về tình hình tái tục các hợp đồng Tái bảo hiểm phi nhân thọ sắp tới ở thị trường Việt Nam.
Bà có thể giải thích tầm quan trọng của Hợp đồng Tái bảo hiểm cố định đối với hoạt động kinh doanh của các Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ?
Một Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ luôn có khả năng tài chính nhất định, nên chỉ có thể cung cấp bảo hiểm cho một số lượng dịch vụ với một giá trị bảo hiểm nhất định. Để có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tất cả các yêu cầu của khách hàng thì Công ty Bảo hiểm cần có các Hợp đồng Tái bảo hiểm, đặc biệt là Hợp đồng Tái bảo hiểm cố định. Theo đó, các Công ty Bảo hiểm và các Công ty Tái bảo hiểm thỏa thuận phân chia tự động phí bảo hiểm và rủi ro, tổn thất của các dịch vụ do Công ty Bảo hiểm cấp hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, tạo ra năng lực tài chính lớn hơn rất nhiều năng lực tài chính của mình Công ty Bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của Công ty Bảo hiểm và Người được bảo hiểm, tạo quyền chủ động cho Công ty Bảo hiểm khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm
Vậy nhận định của bà về xu hướng tái tục các Hợp đồng Tái bảo hiểm cố định năm 2022 như thế nào?
Các Hợp đồng Tái bảo hiểm cố định luôn theo xu hướng bảo hiểm, tái bảo hiểm toàn cầu.
Thị trường Bảo hiểm/Tái bảo hiểm quốc tế gần đây gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do dịch bệnh và thiên tai. Năm 2020, dịch Covid 19 gây thiệt hại cho các Công ty Tái bảo hiểm khoảng 37,4 tỷ đô la Mỹ. Các Công ty Tái hàng đầu như Munich Re, Swiss Re, Hannover Re... đều lỗ nghiệp vụ hàng trăm triệu đô la Mỹ. Năm 2021, các Công ty Tái bảo hiểm tiếp tục đối mặt với nhiều vụ bồi thường lớn do thiên tai như các cơn bão mùa đông ở Hoa Kỳ (Uri, Ida) gây thiệt hại bảo hiểm khoảng 45 tỷ đô la Mỹ, lũ lụt và lũ quét tàn phá ở Châu Âu gây thiệt hại bảo hiểm trên 11 tỷ đô la Mỹ. Ngành Bảo hiểm/Tái bảo hiểm thế giới ước phải chi trả bồi thường năm 2021 có thể vượt quá 100 tỷ đô la Mỹ cho các tổn thất thiên tai, mức thiệt hại trung bình thực tế lớn nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Các Công ty Tái bảo hiểm đã bị lỗ lớn về kinh doanh Tái bảo hiểm trong hai năm vừa qua, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản. Ngoài ra, thế giới vẫn trong môi trường lãi suất thấp, giảm mạnh lợi nhuận đầu tư tài chính của các Công ty Tái bảo hiểm, vì vậy thị trường Tái bảo hiểm có xu hướng tăng phí, thậm chí mức tăng này áp dụng cho cả các hợp đồng có lãi để bù đắp cho lỗ nghiệp vụ bảo hiểm.
Mặc dù tăng phí nhưng khả năng nhiều Công ty Tái bảo hiểm vẫn sẽ từ bỏ các hợp đồng lỗ hoặc có nguy cơ lỗ.
Bên cạnh rủi ro thiên tai, dịch bệnh, các cuộc tấn công mạng cũng ngày càng lan rộng do việc áp dụng nhanh và mạnh mẽ công nghệ số trong hoạt động kinh doanh.
Tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, tình hình tổn thất gia tăng, các Hợp đồng Tái bảo hiểm cố định đều có kết quả không thuận lợi, mở ra thách thức lớn về một mùa tái tục khó khăn cho các Công ty Bảo hiểm gốc.
Diễn biến xấu diễn ra cụ thể ở những nghiệp vụ nào ở thị trường Việt Nam, thưa bà?
Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, các tổn thất do nhân tai và thiên tai đều có diễn biến phức tạp. Theo thống kê của PVIRe, 10 tháng năm 2021 ghi nhận hàng loạt vụ cháy lớn liên quan đến các nhà máy thiết bị điện tử thuộc nhóm FDI hoặc cơ sở sản xuất thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gây thiệt hại hơn 500 tỷ Việt Nam đồng cho các Công ty Bảo hiểm, trong đó chưa bao gồm thiệt hại từ các vụ tổn thất của các nhà máy điện có công suất lớn, đặc biệt là điện than của thị trường. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả và việc thu xếp Tái bảo hiểm các Hợp đồng cố định nghiệp vụ Tài sản của rất nhiều công ty.
Như vậy, có thể dự báo xu hướng tái tục Hợp đồng cố định cho nghiệp vụ Tài sản năm 2022 sẽ rất khó khăn, năng lực hợp đồng và hoa hồng tái bảo hiểm giảm mạnh, đồng thời thắt chặt hơn điều kiện kiều khoản của hợp đồng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án điện, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng vẫn được thúc đẩy triển khai nhờ vào các chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng các dự án đầu tư công, tuy nhiên mặt bằng phí và điều kiện điều khoản rất cạnh tranh nên kết quả các Hợp đồng cố định nghiệp vụ Kỹ thuật cũng không thực sự khả quan.
Doanh thu phí của nghiệp vụ bảo hiểm Hàng hóa và Thân tàu có khả năng tăng do giá dầu và nguyên vật liệu tăng, phục hồi xuất nhập khẩu, gia tăng số lượng đội tàu SB và tàu cá, nhưng tỷ lệ bồi thường vẫn cao vì nhiều mặt hàng rủi ro cao vẫn được chấp nhận bảo hiểm, quản trị rủi ro đội tàu SB và tàu cá còn nhiều bất cập, mức khấu trừ không được cải thiện. Vì vậy, phí tái bảo hiểm cho nghiệp vụ này chắc chắn cũng sẽ được các Công ty Tái bảo hiểm hàng đầu yêu cầu định giá tăng.
Trước khó khăn trên, các Công ty Bảo hiểm cần quan tâm và khắc phục những điều gì cho mùa tái tục 2022, thưa bà?
Trong năm 2021, thị trường chịu nhiều vụ cháy lớn và nhiều vụ tổn thất thân tàu lớn. Việc phí bảo hiểm không đạt kế hoạch và tổn thất nhiều khiến cho mùa tái tục 2022 sẽ phải đối mặt với xu hướng tăng phí, giảm hoa hồng, siết chặt loại trừ các rủi ro đặc biệt như dịch bệnh và tấn công mạng, thậm chí cả việc áp dụng các điều khoản chia sẻ bồi thường.
Các Công ty Bảo hiểm cần sớm đàm phán với các nhà Tái bảo hiểm đứng đầu danh tiếng, uy tín và an toàn về điều kiện điều khoản Hợp đồng Tái bảo hiểm cố định, để đảm bảo giải pháp tái bảo hiểm tốt nhất.
Trên hết, các Công ty Bảo hiểm cần tiếp tục điều chỉnh lại chính sách khai thác để nâng cao chất lượng danh mục rủi ro.
Xin cám ơn bà.