MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Nhật: "Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nhưng tôi hạnh phúc khi con mình hạnh phúc”

30-06-2019 - 21:34 PM | Sống

Đó chính là những chia sẻ của Agnes Chan – một tiến sĩ, chuyên gia nuôi dạy con nổi tiếng của Nhật Bản về cách nuôi dạy và giáo dục các con của mình thành công.

Tôi không nghĩ cha mẹ và xã hội đang mong đợi những điều đúng đắn từ trẻ em

Agnes Chan, tác giả cuốn sách nuôi dạy con cái bán chạy nhất cho biết, hệ thống trường học đang giết chết sự sáng tạo. Cùng với việc cha mẹ bảo vệ và áp đặt con quá mức, đặt kỳ vọng cao một cách vô lý sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu.

Chuyên gia Nhật: Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nhưng tôi hạnh phúc khi con mình hạnh phúc” - Ảnh 1.

"Tôi không nghĩ cha mẹ và xã hội đang mong đợi những điều đúng đắn từ trẻ em. Họ hy vọng con của mình sẽ trở thành một học sinh giỏi, sẽ đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, tuân thủ các quy tắc… Điều đó không còn quan trọng nữa vì máy tính làm tốt hơn", cô nhấn mạnh.

Khi phát hành cuốn sách mới nhất gần đây (tạm dịch là Nuôi dạy con trong thời đại không xác định), Agnes Chan nhận được sự chào đón của các bà mẹ với rất nhiều những băn khoăn về việc nuôi dạy con cái.

"Tôi có thể hiểu được sự lo lắng của họ. Thế giới của chúng ta đang thay đổi rất nhanh. Không như khi tôi còn trẻ. Nó là sự bùng nổ theo cấp số nhân. Chúng ta đang chuẩn bị cho con cái mình những công việc mà chúng ta thậm chí không biết nó còn tồn tại trong 20 năm tới hay không", cô nói.

Từng được gọi là "bà tiên đến từ Hồng Kông", Agnes Chan cho biết mặc dù hai đứa con trai lớn của mình được nuôi dưỡng trong thời đại kỹ thuật số nhưng cô vẫn giữ phương thức giáo dục của các trường học truyền thống: Không quản lý mọi việc, giữ thời gian biểu linh hoạt, hạn chế xem tivi, khám phá ngoài trời, gắn kết với các trò chơi trên bàn học, dạy mà chơi và tham gia với trẻ em trong các bữa ăn tự làm và bánh sinh nhật.

Chuyên gia Nhật: Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nhưng tôi hạnh phúc khi con mình hạnh phúc” - Ảnh 2.

Agnes Chan và những cuốn sách nuôi dạy trẻ.

Trong khi đó, nhiều cha mẹ Nhật Bản hiện đại lại có xu hướng nhồi nhét con mình học thật nhiều thứ: ngoài bài vở còn học âm nhạc, thư pháp, thể thao. Họ đang đầu tư nhiều hơn vào con cái để mong rằng chúng sẽ có một chỗ đứng vững chắc trong tương lai. Chan phê phán cách mà cha mẹ dùng tiền để thưởng cho con khi được điểm tốt. Chan khen ngợi con theo cách riêng của mình: "Tôi đã cố gắng xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin, sự tò mò, sáng tạo, trách nhiệm và cả khả năng phục hồi của con".

"Cha mẹ muốn con mình thành công và họ cảm thấy rằng chỉ có một cách duy nhất: thúc đẩy chúng trở thành những người ưu tú. Đó phải là những người đạt cấp độ A, có sự am hiểu nghệ thuật, âm nhạc, thể thao… Định kiến này phải biến mất", Chan nói.

Bọn trẻ nên học cách xem thất bại là chuyện bình thường của việc học. Khi đó, chúng sẽ thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.

Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào

Chan đã từng khiến mẹ của mình thất vọng khi cô không làm theo những gì bà mong muốn. "Mẹ muốn tôi trở thành một luật sư nhưng tôi đã làm bà thất vọng. Tôi là người duy nhất làm mẹ thất vọng. Đó là cách thể hiện tình yêu trong thế hệ của bà ấy - đảm bảo con mình có vị trí, được chấp nhận trong xã hội".

"Nhưng tôi, tôi đã không tin điều đó. Tôi muốn các con tôi được hạnh phúc và đó là ưu tiên của tôi. Cách duy nhất để làm điều đó là để chúng tin vào chính mình và tự quyết định chúng là ai và muốn gì. Không quan trọng nếu bạn trở nên nổi tiếng hay trở nên giàu có. Nếu bạn là người có ước mơ, bạn luôn hạnh phúc".

Chuyên gia Nhật: Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nhưng tôi hạnh phúc khi con mình hạnh phúc” - Ảnh 3.

Gia đình của Agnes Chan.

Nhưng lớp học không phải là nơi duy nhất học tập. Hãy để trẻ học cách đối mặt với rủi ro cũng như cách đối phó với hậu quả. Hãy để chúng tìm cách riêng của mình để thoát ra khỏi khó khăn. Hãy để con thất bại.

"Buông tay là điều khó khăn với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Sau khi lên cấp hai, tôi đã khiến các con tôi tin rằng chúng có khả năng tự đưa ra quyết định. Tôi rất sợ, nhưng tôi tôn trọng lựa chọn của chúng. Khi con trai lớn của tôi chọn trường số 7 thay vì trường nội trú hàng đầu của Mỹ, tôi hy vọng con sẽ nhận ra đó là một sai lầm. Nhưng hóa ra không phải vậy", Chan cho biết.

Người con trai đó, Kazuhei, hiện là CEO của một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Con trai thứ hai của cô, Shohei là một kỹ sư ở Thung lũng Silicon, và con trai út của cô, Kyohei, 22 tuổi, sẽ ghi danh vào một chương trình cấp bằng tốt nghiệp tại Stanford năm nay.

"Thật tuyệt vời khi các con tôi vào Stanford, nhưng đó không phải là mục tiêu. Có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Stanford không hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì các con hạnh phúc", Chan nói.

"Trong tiếng Trung, chúng tôi nói "cheng long, cheng feng" và điều đó có nghĩa là bạn muốn con trai mình trở thành rồng và con gái trở thành phượng hoàng. Nhưng mỗi đứa trẻ có thể đi một con đường khác nhau. Mỗi đứa trẻ có thể là con rồng hay phượng hoàng của riêng nó".

Theo Hải Yến

Helino

Trở lên trên