Chuyên gia nói gì về trận động đất tại Lào khiến Hà Nội cũng bị rung chấn
Chuyên gia về động đất nhận định, sau trận động đất 6,1 độ richter tại Lào sáng nay (rung chấn lan tới Hà Nội), nguy cơ có thể xuất hiện trận động đất lớn hơn nữa hoặc nhiều trận động đất nhỏ hơn gọi là dư chấn.
- 21-11-2019Dân Hà Nội hoang mang vì nhà rung lắc mạnh lúc sáng sớm nghi động đất
- 18-11-2019Động đất 3,3 độ richter trong đêm gây rung lắc ở huyện miền núi Thừa Thiên - Huế
- 26-10-2019Đường tránh 250 tỷ đồng sụt lún, nứt toác như động đất ở Gia Lai
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trận động đất xảy ra lúc 6 giờ 50 phút 42 giây (giờ Hà Nội) sáng nay tại khu vực tỉnh Sayabouly, Lào là trận động đất tương đối lớn. Vì thế vùng rung chấn có thể sang tới Hà Nội là chuyện dễ hiểu.
Ông cũng giải thích thêm, Hà Nội là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Không chỉ thủ đô, các vùng khác cũng sẽ chịu rung chấn theo quy luật càng gần tâm chấn (nơi xảy ra trận động đất ở Lào) thì càng chịu rung chấn.
Trận động đất này xảy ra trên đứt gãy Lai Châu- Điện Biên, là hệ thống đới đứt gãy kéo dài từ vùng Tây bắc Việt Nam chạy qua Lào, sang Thái Lan. Đây là đới đứt gãy hoạt động mạnh với nhiều trận động đất tương đối lớn, trong đó có trận động đất 5,3 độ richter tại TP Điện Biên năm 2001. Trận động đất lớn nhất từng ghi nhận ở đới đứt gãy này là 6,3 độ richter
Theo PGS Cao Đình Triều, mỗi đợt động đất mạnh đều có tiền chấn, chủ chấn và dư chấn. Tiền chấn là các động đất nhỏ hơn xảy ra trước khi chủ chấn (trận động đất mạnh nhất) xảy ra, tiếp theo đó là các dư chấn. Ba giờ đồng hồ trước khi xảy ra trận động đất lúc 6h50 phút sáng nay, một tiền chấn mạnh 5,7 độ richter đã được Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận.
Theo PGS Cao Đình Triều, cần tiếp tục theo dõi tình hình tại đây. Có hai trường hợp có thể xảy ra. Một là xuất hiện một trận động đất mạnh hơn nữa ở khu vực này nếu như động đất 6,1 độ richter chưa phải là chủ chấn. Trường hợp thứ 2, trận động đất 6,1 độ richter là trận động đất lớn hơn thì tiếp theo đó sẽ còn nhiều dư chấn nhỏ hơn.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguy cơ xảy ra động đất tại Hà Nội là không cao. Theo Nghiên cứu dự báo động đất và dao động nền ở Việt Nam, thủ đô Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng- sông Chảy, nơi đã xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ Richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây đã hơn 700 năm (1285).
Hà Nội đang trong thời kỳ yên tĩnh nhưng trong tương lai hoạt động động đất có thể tăng lên và động đất mạnh có thể xảy ra. Ngoài ra, Hà Nội còn phải chịu tác động của động đất mạnh xảy ra ở những vùng đứt gãy lân cận như đứt gãy sông Lô, Đông Triều, Sơn La.
Tiền Phong