Chuyên gia nổi tiếng: 7 sai lầm khi giao tiếp có thể phải trả giá đắt trong tương lai
Theo đó, chuyên gia nổi tiếng Julian Treasure đã chỉ ra 7 lỗi sai nghiêm trọng trong giao tiếp khiến chúng ta tự tay cản trở tiền đồ trong tương lai.
- 04-08-2022Công việc ít người biết có mức lương hấp dẫn
- 02-08-2022Cha mẹ muốn con sau này thành triệu phú thì thực hiện ngay một việc
- 31-07-2022Nếu đang trải nghiệm 5 "khó khăn" này thì chúc mừng, cuộc sống của bạn sắp "lên hương"
Có không ít người vẫn chưa biết sức nặng và tầm ảnh hưởng của lời nói tới “vận mệnh” của chúng ta là vô cùng to lớn. Mỗi lời nói mà chúng ta sử dụng trong giao tiếp thường nhật luôn ẩn chứa những sức mạnh khôn lường. Một lời nói có thể khiến ta vui vẻ hạnh phúc, nó cũng có thể khiến ta đau đớn tuyệt vọng, thậm chí nó còn có thể ảnh hưởng tới cả tương lai của chúng ta sau này.
Bởi vậy, nếu "khéo ăn khéo nói" thậm chí bạn sẽ có được cả thiên hạ, nhưng ngược lại nếu mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong giao tiếp sẽ ẩn chứa những hậu hoạ khôn lường.
Điều này cũng gần tương tự với bài diễn thuyết thu hút hơn 33 triệu lượt xem trên TED Talk của chuyên gia nổi tiếng Julian Treasure. Theo đó, trong buổi diễn thuyết của mình Julian Treasure đã chỉ ra 7 lỗi sai “chết người” trong giao tiếp khiến chúng ta phải trả giá đắt trong tương lai nếu không thay đổi, đồng thời chuyên gia cũng chỉ ra “quy tắc HAIL” - nguyên tắc vàng khiến lời nói của chúng ta có sức mạnh thay đổi thế giới.
Julian Treasure là chuyên gia về âm thanh và truyền thông nổi tiếng, nhiều tác phẩm, bình luận của ông đã được đăng tải trên nhiều tạp chí danh tiếng như BBC, Thời báo, Tạp chí TIME...
Lỗi sai thứ nhất: Nói xấu người vắng mặt
Cho dù bạn làm việc ở bất cứ vị trí nào và bất cứ đâu, việc “lấy câu chuyện làm quà” để nói xấu người khác là lỗi sai nghiêm trọng trong giao tiếp mà bất cứ ai cũng cần phải đặc biệt lưu ý tránh xa.
Việc nói xấu người khác là con dao hai lưỡi, sự biến thiên của lời nói, ngữ điệu có thể khiến câu chuyện đi quá xa. Khi trở thành 1 kẻ chuyên nói xấu, bạn khó có được những người bạn chân thành vì họ lo lắng một ngày nào đó sẽ trở thành người bị chính bạn nói xấu. Thậm chí, trong vài trường hợp, “nạn nhân” tiếp theo của cuộc nói xấu lại chính là bạn và điều này chẳng đem lại điều gì tốt lành cho bạn cả.
Lỗi sai thứ hai: Thường xuyên phán xét người khác
Trong bất cứ cuộc nói chuyện nào, nếu bạn liên tục đưa ra những lời phán xét người đối diện thì sẽ khiến cuộc nói chuyện dần rơi vào trạng thái căng thẳng và khó chịu. Vì chẳng ai muốn mọi hành động và lời nói của mình bị người khác chê trách và phán xét cả. Việc liên tục phán xét người khác khiến người đối diện cảm thấy không được tôn trọng, dần dần sẽ khiến 2 người trở thành người xa lạ.
Lỗi sai thứ ba: Sự tiêu cực
Cảm xúc tiêu cực là những thứ có thể lây lan, những người luôn mang trong mình những suy nghĩ tiêu cực sẽ có những lời nói và hành động khiến người xung quanh cũng cảm thấy bản thân bị ảnh hưởng theo.
Lỗi sai thứ tư: Liên tục than phiền
Cũng gần tương tự như tiêu cực, thường xuyên than phiền về các vấn đề trong cuộc sống khiến cuộc nói chuyện luôn trong tình trạng u tối, mệt mỏi và gây khó chịu cho người phải lắng nghe. Những lời than phiền liên tục khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và tất nhiên chẳng ai muốn liên tục tiếp nhận những lời than phiền như vậy cả.
Lỗi sai thứ năm: Luôn bao biện
Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh được những sai lầm không đáng có, tuy nhiên thái độ cùng tâm thế nhận lỗi của mỗi người lại quyết định vị thế cùng tương lai của bạn sẽ ở đâu. Người sẵn sàng đối mặt, nhận sai và sửa sai với tinh thần cầu tiến sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong tương lai. Ngược lại, những người chuyên bao biện cho lỗi sai của mình là những người không dám nhận lỗi, những người như vậy dễ khiến bản thân mất đi nhiều mối quan hệ quan trọng, tương lai khó có được thành công.
Ảnh minh hoạ.
Lỗi sai thứ sáu: Thường xuyên phóng đại hoặc khoa trương
Những người thường xuyên phóng đại và khoa trương lời nói của mình thường khiến người nghe ban đầu cảm thấy khá ấn tượng, nhưng lâu dần những câu chuyện khoa trương dần trở thành những lời phóng đại, bịa đặt thì chẳng ai muốn tin và lắng nghe bạn nói nữa.
Lỗi sai thứ bảy: "Kẻ giáo điều"
Những người luôn cho rằng bản thân có một quan điểm riêng biệt và vượt trội hơn người khác. Những người như vậy thường xuyên đưa ra những ý kiến cá nhân để công kích những người đi ngược lại với quan điểm của họ. Thật khó tìm được tiếng nói chung ở những người như vậy bất kể là trong công việc lẫn cuộc sống. Chính vì vậy, hãy tránh việc trở thành những kẻ giáo điều mù quáng và luôn cho rằng mình đúng.
Trên đây là 7 lỗi sai trong giao tiếp khiến chúng ta mất đi nhiều mối quan hệ mà nhiều người vẫn vô tình mắc phải. Qua những lỗi sai này, chuyên gia nổi tiếng Julian Treasure còn đưa ra nguyên tắc “HAIL” - đây được cho là bộ quy tắc giúp cho lời nói trở nên có giá trị, cùng sức nặng, khiến ai cũng muốn lắng nghe.
Ảnh minh hoạ.
Theo đó, HAIL là viết tắt của 4 đức tính quan trọng như sau:
H trong Honest: Sự trung thực, đây chính là yếu tố quan trọng giúp lời nói của chúng ta có giá trị và khiến người khác tôn trọng và muốn lắng nghe những gì bạn nói.
A trong Authentic: Xác thực, hãy nói sự thật và những gì bạn tin là thật.
I trong Integrity: Chính trực, hãy là những người chính trực sống có đạo đức và chuẩn mực của bản thân.
L trong Love: Tình yêu thương, trong bất cứ mối quan hệ nào hãy thực sự đặt tình cảm của mình và dành cho họ sự quan tâm, tình yêu thương. Như vậy bản thân mới đặt bản thân vào vị trí của người đối diện và thấu hiểu được họ. Những mối quan hệ xây dựng trên nền móng của sự tôn trọng, yêu thương cùng thấu hiểu là mối quan hệ bền vững.
Trên đây là những đức tính quan trọng để tạo nền móng xây dựng nên một người có được sự tín nhiệm của mọi người xung quanh. Khi có được sự tín nhiệm, những lời nói của bạn sẽ có trọng lượng và quý báu vô cùng, đây cũng là lúc mà mỗi lời bạn nói ra có giá trị và ai cũng muốn lắng nghe.
Trí thức trẻ