MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nói về 2 cơ hội lớn cho Việt Nam năm 2024

Vào sáng ngày 11/1, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios) lần thứ 16 với chủ đề: “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, thời điểm này năm ngoái, triển vọng kinh tế thế giới được đánh giá sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái. 

"Thực tế diễn ra năm 2023 cho thấy dự báo này là chính xác, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn", Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, năm 2024 là năm "tăng tốc" để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Việt Nam được đánh giá tăng trưởng tốt hơn, lạc quan hơn, lạm phát được kiểm soát.

Việt Nam đã vượt qua một năm khó khăn với mức tăng trưởng 5,05%. Triển vọng đầy hứa hẹn trong năm 2024. Khu vực hóa/phi toàn cầu hóa chuỗi cung ứng – các hoạt động "friend-shoring" sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư (FDI) vào Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động", ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB tại Việt Nam đánh giá. 

Theo đó, ông Suan Teck Kin dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm 2024. Trong đó, một số động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, thu hút FDI được dự báo có triển vọng tươi sáng trong năm 2024.

"Đến cuối năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang ở mức dưới 50 và con số này đã duy trì trong nhiều tháng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là khó khăn chung của nhiều quốc ga trên thế giới. Phần lớn các quốc gia vẫn đang trong chu kỳ suy giảm sản xuất.

Đa số các quốc gia ở châu Á và Đông Nam Á phụ thuộc vào các hoạt động thương mại toàn cầu. Đơn cử như Singapore có kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 bằng 337% GDP; Việt Nam bằng 186,5% GDP nên rất dễ bị tổn thương bởi cung – cầu thế giới. Đây cũng là 2 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bị tác động mạnh nhất bởi suy giảm tổng cầu trên thế giới", ông Suan Teck Kin nói.

Thương mại giảm thì sản xuất cũng giảm. Tuy nhiên, chuyên gia UOB cho rằng năm 2024 Việt Nam sẽ nhìn thấy sự cải thiện, đặc biệt trong ngành dệt may.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia UOB, Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đơn cử như năm 2016, 21,6% hàng hoá nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc nhưng đến cuối năm 2023, con số này đã giảm xuống 14,1%. Trong khi đó, Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 1,9% năm 2016 lên 3,3% năm 2023.

Ông Suan Teck Kin đánh giá Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khu vực Đông Nam Á thì Singapore luôn dẫn đầu về thu hút FDI, sau đó đến Indonesia và thứ ba là Việt Nam.

"Hiện nay, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh. Tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phỉ đối mặt với già hoá dân số. Cụ thể, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp", chuyên gia UOB khuyến nghị.

GDP năm 2023 tăng trưởng khá, chuyên gia chỉ ra những cơ hội lớn sẽ giúp Việt Nam phát triển trong năm 2024 - Ảnh 1.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: VnEconomy

Còn theo bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, năm 2024 nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội hơn khó khăn. Cụ thể, theo bà Minh, trong năm 2024, Việt Nam có thể sẽ có được 2 cơ hội lớn. 

Thứ nhất, với ngành sản xuất, theo đại diện của Dragon Capital, chỉ số hàng tồn kho nhà sản xuất châu Âu và châu Mỹ; chỉ số hàng tồn kho nhà bán lẻ trên toàn cầu đã trở về mức bền vững.

"Chúng ta có thể kỳ vọng đáy nền sản xuất Việt Nam đã qua và năm 2024 là năm phục hồi kinh tế", bà Đặng Nguyệt Minh nhấn mạnh.

Thứ hai, là sự đồng pha giảm lãi suất. Vào tháng 11 vừa rồi lần đầu tiên số lượng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới giảm lãi suất nhiều hơn các ngân hàng tăng lãi suất. Đây là điều kiện cần thiết. Trong kinh tế, mặt bằng lãi suất là nền tảng cho đầu tư tăng trưởng, Việt Nam đi trước cắt giảm lãi suất nhưng có sự đồng pha của toàn cầu thì quan trọng hơn.

Với xu hướng đầu tư, xu thế dòng tiền cả FDI cũng như đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn.

Với khu vực xuất khẩu, vùng đáy xuất khẩu đã qua, chúng ta bắt đầu chu kỳ hồi phục mới. Đầu tư công cũng đã bắt đầu và đây là nền tảng cần thiết. Trong kinh tế có hai yếu tố thứ nhất là niềm tin và lòng tham, đầu tư công tạo nền tảng niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư trở lại. Chính phủ đã rất quyết đoán đẩy mạnh đầu tư công. Còn tiêu dùng, đâu đó ta phải đợi độ trễ của mặt bằng lãi suất, nửa sau của năm 2024 thì sẽ có phục hồi tích cực hơn.

Nói thêm về năng lượng, theo bà Đặng Nguyệt Minh, chúng ta nói đến nhiều năng lượng sạch nhưng chưa có nhiều bàn luận về cơ chế chính sách. Việt Nam còn nhiều cơ hội mới để làm động lực tăng trưởng những năm tiếp theo.

"Về các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làn sóng chuyển dịch về sản xuất TQ+1 thực sự bắt đầu từ năm 2014 và mạnh mẽ từ 2018, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp khủng long như Apple, Samsung... nhưng để Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất chúng ta cần có hệ sinh thái đầy đủ của hệ thống doanh nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hỗ trợ về dòng vốn cũng như là chất lượng nhân công Việt Nam", Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital nhấn mạnh.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên