MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Mở rộng hạn điền sẽ là chìa khóa để nông nghiệp Việt thoát cảnh 'con trâu đi trước, cái cày đi sau', nhưng...

Chính sách hạn điền không nên chỉ dừng lại ở việc "anh trước có 3 ha đất, nay tôi cho anh thêm thành 10 ha đất rồi mặc kệ". Nhà nước, chính quyền cần làm nhiều hơn thế nữa.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Năm 2016, nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn: chịu hạn hán, sự lạc hậu, năng suất thấp...dẫn đến mức tăng trưởng âm suốt 6 tháng đầu và cả năm thì tăng trưởng đạt đáy kể từ năm 2011. Các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp đã đến ngưỡng báo động và cần có những cuộc cải cách mạnh mẽ.

Ngay trong buổi làm việc đầu xuân năm nay tại Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định Việt Nam phải chuyển từ nền nông nghiệp cởi trói sang nền nông nghiệp kiến tạo.

Cũng xung quanh câu chuyện này, bên lề buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I/2017 của VEPR mới đây, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan về những nhìn nhận của bà về chính sách mở rộng hạn điền này.

Là một chuyên gia kinh tế và cũng là một người từng sống vào thời kỳ đất đai còn chia manh mún theo kiểu ‘người cày có ruộng’ khiến nông nghiệp không thể bứt lên trước đây, bà Phạm Chi Lan hiểu rõ giá trị của chính sách mới này. Tuy nhiên, theo bà thử thách của chính sách mới là làm sao để không biến đất đai, và cả đất nước trở thành ‘sở hữu của những điền chủ giàu có’.

Chìa khóa để nông nghiệp Việt thoát cảnh "con trâu đi trước, cái cày đi sau"

Bà Phạm Chi Lan dẫn chứng lại nhận định của ADB để nói rằng chìa khóa phát triển của Việt Nam là phải dựa vào nông nghiệp, chứ không phải công nghiệp hay những cụm từ thời thượng như ‘cách mạng 4.0’:

“Không thể căn cứ vào tỷ lệ giá trị nhỏ của nông nghiệp trong GDP là 20% mà coi nó là không quan trọng. Phải nhìn vào cơ cấu dân số là 65% sống ở nông thôn, trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nông nghiệp hay 47% lực lượng lao động làm trong nông nghiệp”.


Hình ảnh quen thuộc ở nông thôn Việt Nam.

Hình ảnh quen thuộc ở nông thôn Việt Nam.

Từ đó, chính sách hạn điền mới sẽ đóng vai trò quan trọng với cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng với nông nghiệp. Thể hiện sự vui mừng với chủ trương mới, bà Phạm Chi Lan cho rằng sự mới mẻ này sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam.

- Thứ nhất, đó là việc người nông dân sẽ có nhiều ruộng đất để canh tác hơn do quan niệm chia đất cũ cứng nhắc theo kiểu ‘người cày có ruộng’ - ai ở nông thôn cũng có ruộng đất – đã được Chính phủ loại bỏ.

“Nhìn vào thực tế hiện nay là có rất nhiều nông dân đã rời khỏi đồng ruộng rồi, tại sao những người đã rời khỏi đồng ruộng rồi, không làm nông nữa mà vẫn phải chia đất cho họ theo quan niệm người cày có ruộng ?”

“Không như trước đây là có quá nhiều người làm nông nghiệp mà có hữu hạn đất nên phải hạn điền, giờ đây số người làm nông đã giảm đi, tạo khả năng cho những người còn lại được sử dụng nhiều đất hơn” – bà Phạm Chi Lan phân tích.

- Điểm thứ hai đó là người nông dân sẽ được tích tụ nhiều mảnh ruộng đất lại thành một mảnh lớn hơn, tạo điều kiện cho canh tác. Điều này khác hẳn với trước đây, khi mà theo lời bà Lan thì “người ta chia ruộng theo kiểu mảnh tốt, mảnh xấu, mảnh gần, mảnh xa. Một hộ có thể có tới 5, 7 mảnh manh mún như vậy khiến cho không thể tổ chức sản xuất được tốt”.

Con đường phát triển của nông nghiệp Việt Nam được nhiều chuyên gia chỉ ra chính là phải làm quy mô lớn, với sự có mặt của cơ giới hóa, của công nghệ. Vì thế, việc cho phép nông dân tích tụ ruộng đất vừa là điều kiện cần, vừa là chìa khóa để viễn cảnh trên sớm được xảy ra.

Bà Lan giải thích rõ hơn về tầm quan trọng này: “Chỉ làm quy mô lớn thì mới có thể đưa cơ giới hóa vào, bớt sức người. Tôi cho rằng đây là chìa khóa để nông nghiệp đỡ cảnh con trâu đi trước".

Nhưng làm sao để đất đai không biến thành sở hữu của 'một số nhà giàu nào đó' ?

Nhìn nhận một vấn đề luôn có hai mặt của nó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra một thử thách lớn mà chính sách hạn điền mới sẽ phải đối mặt.

Vấn đề chính là ở thái cực đừng để tích tụ ruộng đất cho nông dân biến thành tích tụ ruộng đất cho một số đại gia”.

Theo bà, đây là điều mà nhiều chuyên gia đang lo ngại nhất hiện nay về chính sách hạn điền. Bà Phạm Chi Lan lo ngại rằng việc tích tụ ruộng đất có thể giúp cho nhiều vị đại gia có thể thâu tóm được nhiều mảnh đất đai rất rộng lớn. Rút cục, thì có thể “đất đai sẽ trở thành của một số nhà giàu nào đó, chứ không phải của đông đảo người dân”.

Từ đó, điều quan trọng của chính sách hạn điền không chỉ là ở việc “anh trước có 3 ha đất thì bây giờ tôi cho anh thành 10 ha rồi mặc kệ”, mà Nhà nước, chính quyền cần phải làm nhiều hơn thế nữa.

Đó chính là các công tác giáo dục, hướng dẫn để cho người nông dân hiểu rõ về quyền mà họ có trên mảnh đất của mình, từ đó có thể thu được lợi ích lớn nhất từ mảnh đất này. Cùng với đó là việc hoàn chỉnh một số quy định mới dựa theo chính sách hạn điền này.

Ví dụ như phải có quy định về “lấy đất nông nghiệp thì phải làm sử dụng làm nông nghiệp, nếu doanh nghiệp thuê thì anh phải đảm bảo quyền lợi cho nông dân" - bà Lan nói.

“Không thể có chuyện đất được cấp trong 50 năm, anh canh tác trong chục năm bị lỗ rồi làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng, để rồi hôm sau chính khu đất nhưng mọc lên biệt thự, resort”.

Từ đó, chuyên gia Phạm Chi Lan kết thúc nhận định của mình về chính sách hạn điền mới: “Tôi mong câu chuyện tích tụ đất không dừng lại ở chuyện cho người ta có khả năng sở hữu nhiều đất hơn mà đồng thời phải là sự giáo dục, hướng dẫn, khuyến nông, thậm chí là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp”.

Theo Vượng Lê

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên