MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Muốn làm lớn phải có khát vọng và thay đổi tư duy!

"Bối cảnh hiện nay buộc chúng ta phải nghĩ lớn, làm lớn mà không có sự lựa chọn nào khác…".


Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tư duy tiểu nông, manh mún là nguyên nhân chính khiến kinh tế của đất nước ta không lớn lên được. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Phạm Chi Lan cho rằng, bối cảnh hiện nay buộc chúng ta phải nghĩ lớn, làm lớn mà không có sự lựa chọn nào khác…

NGHĨ LỚN, LÀM LỚN KHÔNG CHỈ LÀ TĂNG QUY MÔ

Một số ngành của ta có quy mô vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đẩy mạnh xuất khẩu có phải là một đột phá cho nền kinh tế không, thưa bà?

Xuất khẩu là một trong những con đường để đi lên. Chúng ta vẫn phải tính toán vượt lên về quy mô nhưng đồng thời phải đi cùng với chất lượng và giá trị gia tăng cao. Nghĩ lớn bây giờ đừng đơn thuần chỉ nghĩ quy mô mà phải tính tổng giá trị, giá trị gia tăng bao nhiêu để giàu lên.

Ví dụ như, sản xuất lúa gạo nay phải trồng những giống lúa tốt hơn, phương thức canh tác tiên tiên tiến hơn, năng suất hơn, nhất là chất lượng cao hơn, giúp người nông dân giàu nhờ gạo.

"Cái cần nhất hiện nay là định vị mình trong khu vực và toàn cầu. Từ đó đưa mục tiêu 10 năm, khát vọng 10 năm, 20 năm nữa là gì, nhìn xa hơn nữa. Muốn làm lớn phải có khát vọng, còn nghĩ lớn nhưng chỉ quẩn quanh cái trước mắt thì không lớn được. Cần sắp xếp lại hệ thống: Nhà nước làm gì, các đối tượng làm gì, hệ thống giáo dục như nào để đáp ứng nhu cầu lao động 20 năm nữa… Nhưng nguồn lực của mình có hạn thì phải sử dụng như thế nào cho hiệu quả nhất trong thời gian trước mắt".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tức là cần thay đổi tư duy, cái gì cần quy mô thì mở rộng, cái gì cần làm theo chuỗi thì phải bổ sung gắn kết cho nhau.

Nghĩ được những công việc mới, có thể xa hơn 5 năm, 10 năm để chuẩn bị sẵn nền tảng, tránh khi tự động thay cho lao động giản đơn thì người dân của mình chưng hửng.

Dưới góc nhìn của bà, hiện nay chúng ta nên tập trung đột phá ở những ngành nào?

Bây giờ phải đánh giá là mình đang ở đâu, có cái gì lợi thế, bất lợi để biết chỗ dừng ở những ngành không thể mở rộng tiếp được.

Ví dụ như thép tới hạn rồi. Chúng ta ở bên cạnh một nước mà mỗi năm họ dư thừa tới hơn 300 triệu tấn thép thì không nên mở rộng tiếp nữa. Hoặc xi măng dư thừa trong nước cũng quá lớn. Hay ngành nhựa cũng tương đối nóng, phải tính tới xu hướng nhựa gây ô nhiễm lớn. Ngành giấy, bột giấy cũng vậy…

Trong khi đó, một số lĩnh vực mới như công nghiệp điện, điện tử, computer, vật liệu mới, sản phẩm mới… còn nhiều cơ hội, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, vật liệu mới thay thế…

Mảng dịch vụ, nhất là du lịch liên tục phát triển. Ta có nên coi đây là mũi nhọn đột phá không?

Du lịch suốt thời gian qua còn nặng về lượng khách và hàng năm khách lớn nhất là từ Trung Quốc. Mà khách Trung Quốc thì tiêu dùng mua sắm không bao nhiêu, không kể còn tour 0 đồng, tự làm từ a-z và hưởng hết. Chưa kể khách Trung Quốc hay gây ô nhiễm, ồn ào và văn hóa khác nên đã đẩy khách có nền tảng văn hóa và chi tiêu cao đi. Nên nghĩ lớn làm lớn ở du lịch là tính đến du lịch có thu nhập cao chứ không phải du lịch theo số đông.

Bên cạnh đó, hãy làm những sản phẩm tinh tế hơn, đáp ứng các yêu cầu cao hơn như an toàn thực phẩm… tạo thành các dòng sản phẩm phong phú, đa dạng. Ngoài ra, các loại hình văn hóa biểu diễn nghệ thuật tạo hình, hội họa, thủ công mỹ nghệ… cũng có khả năng phát triển gắn với du lịch. Nghĩ lớn là tùy từng cái có thể mở rộng quy mô, nhưng có cái lớn thể hiện ở độ tinh, chất lượng cao, mang lại thu nhập cao cả về văn hóa, xã hội và kinh tế.

 Chuyên gia Phạm Chi Lan: Muốn làm lớn phải có khát vọng và thay đổi tư duy!  - Ảnh 2.

Ngành du lịch tăng trưởng cao, nhưng mới chỉ là về quy mô, trong khi chất lượng, giá trị gia tăng còn rất thấp. (Ảnh minh họa)


NHÀ NƯỚC ĐỪNG “TRANH VIỆC” CỦA THỊ TRƯỜNG, DOANH NGHIỆP

DNNN đã bỏ qua giai đoạn hỗ trợ kinh tế và vai trò quan trọng. Vậy hiện nay cải cách DNNN để lấp các khoảng trống còn kịp không?

Năm trước, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp rất hay là Nhà nước không bán sữa, bán bia nữa nên bán hẳn Sabeco, Vinamilk và bán tiếp ở các ngành. Nhưng tiếc là tỷ lệ thực hiện ở các ngành còn thấp, trung bình chỉ đạt 60% so với chỉ tiêu. Giải quyết câu chuyện này thì Nhà nước cũng phải nghĩ lớn, tập trung làm cái gì là chức năng của Nhà nước thôi, đừng làm tranh của thị trường, của doanh nghiệp khác. Mà chỉ làm hạ tầng cơ bản, điện, trục đường giao thông quan trọng… dần dần trả cho tư nhân làm.

Nhà nước mình còn tham lam quá, làm nhiều việc, sản phẩm mang tính chất thương mại như thuốc lá, may mặc… Nay Nhà nước chỉ tập trung làm thật chọn lọc, nhưng làm ra tấm ra món.

Khối doanh nghiệp tư nhân phần lớn quy mô nhỏ, cách nào để có động lực nghĩ lớn, làm lớn thưa bà?

Nghiên cứu Việt Nam 2035 đã đưa ra mấy khuyến nghị cơ bản về phát triển DN tư nhân Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là bảo vệ quyền tài sản. Tâm lý khu vực tư nhân rất ngần ngại vấn đề quyền tài sản của họ có được bảo vệ hay không. Hiến pháp thì ghi nhưng các luật liên quan lại không làm rõ. Nhất là quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp không thật minh bạch nên họ sợ bị tước đoạt bất cứ lúc nào.

Với nông dân cũng vậy, khi doanh nghiệp thích lấy đất làm khu đô thị mới thì thương lượng với chính quyền rồi đền bù giá rẻ thì bao nhiêu công đầu tư đều mất hết. Nên họ nơm nớp lo bị mất. Nếu đảm bảo là quyền sử dụng đất là quyền tài sản, tôi không muốn bán thì không ai mua được của tôi, tôi không góp vốn cũng không ai ép thì mới được.

Bên cạnh đó là quyền tiếp cận các nguồn lực trên cơ sở công khai, minh bạch, đấu thầu... Kể cả quyền kinh doanh, nhiều lĩnh vực Nhà nước vẫn giữ. Khi ông quá to nhảy vào làm thì những người khác tự đi ra. Ngoài ra, là bình đẳng trong đối xử các loại hình doanh nghiệp với nhau, đi kèm là cải cách DNNN, giảm bớt số lượng và thu hẹp lĩnh vực.

Giải quyết được những vấn đề này thì chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!



Theo Cao Sơn

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên