Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nhiều khó khăn của doanh nghiệp có hơn "20 năm tuổi", mức độ ngày một trầm trọng hơn
20 năm trước, trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phan Văn Khải, doanh nghiệp đã tỏ bày những khó khăn. Đến lần gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở thời điểm hiện tại, phần nhiều khó khăn vướng mắc được nêu ra vẫn như cũ, thâm chí, mức độ còn trầm trọng hơn, đến mức mà hết thúc hội nghị, Thủ tướng Phúc đã ra ngay một Chỉ thị gỡ khó.
- 10-07-2017Điều chưa từng có trong tiền lệ thương mại Việt Nam và chuyện Việt Nam dần "thoát" Trung, dịch chuyển nguồn nhập khẩu sang Hàn Quốc
- 09-07-2017Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quân đội sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất để đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội
- 03-07-2017GDP 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%: "Cao nhưng có cơ sở để đạt được!"
- 30-06-2017GDP Việt Nam cuối năm liệu có đạt được điều chưa từng có tiền lệ trong 10 năm qua?
Đây là lời kể của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi nói về những vướng mắc của doanh nghiệp nói riêng và nỗi lo chung của bà cho nền kinh tế Việt Nam.
Những con số thống kê của quý II được công bố gần đây, dù nhiều tích cực nhưng vẫn không khiến vị chuyên gia này an tâm về dài hạn. Bà cho rằng còn nhiều vấn đề phải bàn, phải lo, hơn là mừng vì quý II/2017 tăng trưởng 6,17%.
Bởi lẽ, mặc dù có sự phục hồi song các chỉ báo lại cho thấy kinh tế Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI. Ví dụ như nếu năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì đến năm 2016 và nửa đầu năm 2017 tỷ lệ này đã tăng lên lần lượt là 70,2% và 72,4%.
Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn. “Nếu muốn phát triển kinh tế thì động lực phải đến từ khi vực trong nước, nhưng rõ ràng trong quý II này, chưa có bằng chứng nào thuyết phục”, bà Chi Lan nói.
Khu vực này được chia ra làm hai: Công – Tư. Khu vực công là DNNN thì đang trong quá trình cải cách vốn được nhận định là “rất nhọc nhằn”.
Cuộc họp tại CIEM trước đó 2 tuần nói về tái cơ cấu DNNN đã chỉ ra hiện có quá nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị được ban hành. Tức lý thuyết đã gần như đầy đủ, nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được tác dụng.
Bà Chi Lan nói: “Mặc dù Nghị quyết Trung ương 5 đã quyết tâm thúc đẩy cải cách nhưng tôi cho rằng thúc đẩy bây giờ là không cần những văn bản, chính sách mới nữa mà là thực hiện những gì đưa ra trước đó. Tuy nhiên, chúng ta đang dậm chân tại chỗ, cho nên khu vực nhà nước chưa phát huy được tác dụng của nó”.
Còn khu vực tư nhân tiếp tục gặp khó khăn mà như vị chuyên gia này nhận định thì nhiều vướng mắc từ 20 năm trước được nêu ra trong cuộc gặp với Thủ tướng Phan Văn Khải thì đến lần gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5 năm nay vẫn còn, thậm chí, mức độ giờ còn trầm trọng hơn.
“Đến mức mà ngay tại cuộc gặp đó, Thủ thướng phải ra ngay một Chỉ thị để giảm số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp”, bà Lan cho biết.
Cũng theo bà, chi phí cũng là một “tiếng kêu lớn” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan sát từ đầu năm đến nay, chưa thấy phí giảm ở đâu cả mà ngược lại, xu hướng tăng phí lại xuát hiện. Chính sách thay đổi, cơ quan quản lý chồng chéo, không quy về một mối chịu trách nhiệm cũng khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại...
Bên cạnh đó, khi nhìn vào các ngành nội địa, chuyên gia Phạm Chi Lan lại bày tỏ nỗi lo đối với hay ngành lớn là nông nghiệp và công nghiệp.
Vê nông nghiệp, mặc dù đã tăng trưởng khả quan hơn so với thời điểm trước đó 1 năm do không bị thiên tai ảnh hưởng nhưng lại tồn tại nghịch lý mới – tình trạng sản xuất dư thừa.
“Nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển được theo nhu cầu của thị trường”, bà Lan nhận xét.
Không chỉ vậy, bài toán về chất lượng, tính an toàn thực phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng vẫn chưa có lời giải khiến cho nông sản gặp khó khăn. Vì vậy, bà Lan đặt vấn đề có khả năng nửa cuối năm 2016 chưa chắc nông nghiệp đã giữ được mức tăng trưởng hơn 2% đã đạt được trong 6 tháng qua.
Về công nghiệp, theo bà Chi Lan, những vấn đề tồn đọng như năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm hay tạo việc làm cũng chưa được bao nhiêu. Tựu chung khối sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vẫn đang trong tình trạng bế tắc, chưa vượt lên được.
“Nếu không tạo được động lực từ những khu vực cơ bản này thì lấy đâu tăng trưởng dài hạn”, bà Lan nhấn mạnh.
Bà nói thêm: “Từ đầu năm đến nay chúng ta chạy theo tăng trưởng ngắn hạn, chưa thực hiện được những biện pháp căn cơ hơn để tạo tăng trưởng dài hạn. Trong bối cảnh hiện nay không cho Việt Nam đi theo cách giải những bài toán ngắn hạn".
Để Việt Nam có thể thực sự cất cánh, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng then chốt vẫn là cải cách, mà vấn đề này nằm trong tay nhà nước. Các doanh nghiệp vẫn đang rất chờ đợt sự đổi mới, đột phá từ phía Nhà nước. Ví dụ như DNNN, để họ thực sự cạnh tranh được, có chỗ đứng, thì họ cũng phải được cải tổ, cải cách,... còn duy trì như hiện nay, như bà Lan nhận xét thì “không chống đỡ được đâu”.