Chuyên gia phản pháo về dự án tổ hợp khách sạn ven Hồ Gươm
Ngay sau khi lãnh đạo TP. Hà Nội đồng ý về chủ trương quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng khách sạn tại số 22-23 Lê Thái Tổ vào đầu tháng 7-2016 và dự án sẽ khởi công vào tháng 9-2016, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều.
- 15-07-2016Tổ hợp khách sạn sát Hồ Gươm: Hai biệt thự cũ có bị đập bỏ?
- 14-07-2016Hồ Gươm và sự cẩn trọng từ bài học cũ
- 12-07-2016Khách sạn sát Hồ Gươm: Kiến trúc cầu kỳ nhưng đơn điệu và xa lạ
Sự quan tâm của dư luận là bởi vị trí xây dựng khu khách sạn nằm ngay Di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm –một biểu tượng của dân tộc Việt Nam với sự hội tụ các giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, lại ở vị trí đẹp nhất của Hà Nội, có giá trị tới cả tỷ đồng một mét vuông.
Được biết, vị trí dự kiến xây dựng tổ hợp khách sạn và dịch vụ hiện có diện tích khoảng 2.871,2m2 , với hiện trạng các công trình cao 1 đến 2 tầng và chủ đầu tư dự án là Công ty CP Intimex Việt Nam.
Với trách nhiệm của mình, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội nêu ý kiến về hình thức kiến trúc của "công trình mới không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm, một Di sản quốc gia đặc biệt".
Hội đồng Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng bảy tỏ quan điểm: Nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực. Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm.
Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và mầu sắc. Cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ.
Phố Lê Thái Tổ đầu năm 2003
Trao đổi với phóng viên vào chiều 17-7, KTS. Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết: "Nhìn bản vẽ công bố dự án, ban đầu tôi không nghĩ là bản vẽ kiến trúc vì chất lượng thấp và cẩu thả. Thường những chủ đầu tư kinh doanh lịch lãm sẽ biết khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật tại khu đất để làm giàu lên chứ không phải xóa đi và thay vào đó những giá trị tầm thường. Hồ Gươm là địa danh tích tụ nhiều giá trị, mang tính biểu tượng của Việt Nam và những công trình kiến trúc Pháp đã tạo ra sự tiếp biến lịch sử không thể thay đổi, càng không thể thay vào đó những giá trị rẻ tiền".
Cũng theo KTS. Trần Huy Ánh, qui định về chiều cao ở khu vực này không được quá 2 tầng, nhưng ở bản vẽ kiến trúc này đã là ba tầng. Hà Nội đã tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và tất cả các phương án đều khẳng định phải giữ nguyên mật độ để tránh tạo áp lực về cơ sở hạ tầng và giao thông ở khu vực này.
Địa điểm xây dựng khách sạn tại vị trí siêu thị Intimex đang thu hút sự quan tâm của dư luận
Để bảo đảm giao thông, phải lùi sảnh công trình vào phía trong khu đất, chứ không thể chiếm chỗ của người đi lại. Đây là công trình khách sạn, nên số người lưu trú tăng, kéo theo sử dụng điện, nước, nước thải vv… tăng theo, thì cách ứng xử của chủ đầu tư sẽ ra sao để đảm bảo không ảnh hưởng đến xã hội, cũng cần được đặt ra.
Đặc biệt, KTS. Nguyễn Thanh Sơn (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã chỉ ra: Đối chiếu với Quy hoạch chi tiết hồ Gươm và phụ cận được phê duyệt theo Quyết định số 448/BXD-KTQH ngày 3/8/1996 của Bộ Xây dựng, thì “Các công trình kiến trúc có giá trị cần được giữ gìn, bảo vệ chặt chẽ. Khi có yêu cầu cải tạo và xây dựng lại thì phải có giấy phép phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dự án cải tạo và xây dựng lại các công trình này phải được tổ chức xin ý kiến Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố, trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Đối với các công trình hiện có, phù hợp với quy hoạch được phép giữ lại, khi có yêu cầu chỉnh trang, cải tạo hoặc xây lại mới thì chủ đầu tư phải xin phép xây dựng.
Khi giấy phép xây dựng các công trình này cần lưu ý các giải pháp kiến trúc, quy hoạch đảm bảo không làm biến dạng các mặt phố, cảnh quan, huỷ hoại giá trị kiến trúc, văn hoá vốn có của các công trình đó và khu vực có liên quan”.
“Bên cạnh đó, theo Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận của UBND TP Hà Nội thì cụm công trình này thuộc lô L7, quy định mật độ xây dựng là 80%, tầng cao trung bình là 2,7 tầng, hệ số sử dụng đất là 2,14.
Quy định chiều cao tối đa của công trình đối với các lô đất tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm không vượt quá 16m, nhưng khối tích công trình phải đảm bảo thông thoáng. Mà với bản vẽ của dự án, 3 tòa nhà sẽ hợp khối thành bức tường thành chạy dài, ngăn cách không gian hồ với các khu lân cận.
Chưa kể, nếu dự án có 3 tầng nổi và 5 tầng hầm, thì hệ số sử dụng đất có đảm bảo qui định, hay sẽ chất tải rất cao lên khu vực? Chúng ta đã có Nghị định về các công trình ngầm, vậy dự án này đã có trong qui hoạch hay chưa?
Đặc biệt, những tác động đến đô thị của dự án rất cần được đánh giá! Những ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và một số chuyên gia kiến trúc góp ý về công trình là có cơ sở lý luận và thực tế” - KTS. Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.
Là người có kinh nghiệm trong quản lý di sản văn hóa, KTS. Nguyễn Thanh Sơn lưu ý: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm đã đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di quốc gia đặc biệt, do đó, những tác động đến không gian của Di tích phải thực hiện theo Luật Di sản văn hóa.
Quy hoạch chi tiết hồ Gươm và phụ cận đã được phê duyệt từ 1998
"Vì thế, với vị thế của hồ Gươm và với tình cảm của người Hà Nội với hồ Gươm, cần tổ chức cuộc thi phương án kiến trúc công trình, có Hội đồng kiến trúc, để đề xuất phương án kiến trúc khả thi, hài hòa, đóng góp có trách nhiệm vào bề dày, quỹ kiến trúc phong phú qua các thời kỳ mà không gian hồ Gươm đang cất giữ. Với hồ Gươm, thiết nghĩ người dân và TP. Hà Nội mong chờ một công trình hàm chứa yếu tố văn hóa, hài hòa, đóng góp vào không gian cảnh quan kiến trúc trái tim Thủ đô ngàn năm văn hiến", ông Sơn cho biết.