Chuyên gia phân tích cơ hội và thách thức của Đường đua F1
Chuyên gia cho rằng việc tổ chức đưa Đường đua F1 vào Hà Nội (2020-2022) có thể tạo ra một cú huých mới cho nền kinh tế song có thể có những thách thức, rủi ro.
- 04-03-2019Hà Nội chính thức phê duyệt quy hoạch đường đua F1
- 03-02-2019Hà Nội giành quyền đăng cai F1 như thế nào?
- 03-12-2018Hợp đồng tương lai F1903 tăng vọt hơn 40 điểm trong sáng 3/12
Tại hội thảo "Business is great" do Đại Sứ Quán Anh và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) tổ chức ngày 26-3 ở Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã phân tích những tác động kinh tế của việc tổ chức Đường Đua Công thức 1 (Grand Prix) tại Hà Nội.
PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu tại hội thảo
Theo ông Thành, việc tổ chức Đường Đua Công thức 1 ( F1 ) có nhiều tác động kinh tế lớn. Với việc tổ chức, sẽ có thêm một sự kiện quốc tế tại Việt Nam, giúp tăng hình ảnh đất nước trong hội nhập và giao lưu quốc tế, thêm một kênh quảng bá các sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam, kích thích giao lưu văn hóa - xã hội - kinh tế - kinh doanh, thêm một sân chơi cho người hâm mộ. Giải đua này cũng kích thích các hoạt động có liên quan. Nếu nguồn thu lớn hơn chi phí đầu tư thì tạo ra lợi ích kinh tế thực cho địa phương.
Du khách tới Việt Nam tăng lên, các hãng hàng không được lợi, nhu cầu khách sạn tại Hà Nội tăng trong những ngày diễn ra sự kiện và nhu cầu du lịch tại các điểm lân cận (Vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Sapa…) cũng sẽ tăng.
Giải đấu cũng sẽ kích thích chu chuyển kinh tế trong nước, du khách từ các địa phương khác (như TP HCM) đổ về Hà Nội trong dịp đua xe, nhu cầu sử dụng các phương tiện và dịch vụ vận chuyển tăng. Hà Nội được lợi từ các dịch vụ du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, taxi, mua sắm, dịch vụ,…). Các địa phương lân cận cũng thụ hưởng ảnh hưởng lan tỏa.
F1 cũng sẽ kích thích đầu tư mới trong đô thị với việc đầu tư sửa chữa mới, nâng cấp đường trên chặng đua nói riêng, các tuyến đường có liên quan nói chung; các công trình và dịch vụ công cộng liên quan (nhà vệ sinh, cây xanh, đèn chiếu…). Tăng các dịch vụ đi theo: Bản quyền truyền hình; lượng khách truy cập; dịch vụ quảng cáo, các phương tiện truyền thông. Đồng thời, cũng làm tăng cơ hội quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp Việt Nam hoặc đang hoạt động tại Việt Nam, tăng các hoạt động tiếp xúc hợp tác kinh doanh phát sinh bên lề.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng việc tổ chức F1 không phải là không có rủi ro về hiệu quả kinh tế, như không đủ lượng khách như dự kiến (cả ngoài nước và trong nước). Rủi ro nữa có thể là cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được cơ hội, để đạt được quy mô khách và dịch vụ tương ứng.
Không tự chủ, chủ động cung cấp được các dịch vụ, sản phẩm nên phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài hoặc nhập khẩu. Lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí đầu tư và phí giấy phép.
Ông Thành cho rằng việc tổ chức đưa Đường đua F1 vào Hà Nội (2020-2022) có thể tạo ra một cú huých mới cho nền kinh tế, tạo thêm một sân chơi mới cho người hâm mộ, góp phần tạo hình ảnh cho Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế; đem lại cơ hội cho các ngành dịch vụ và sản xuất có liên quan, không chỉ ở Hà Nội. Tuy nhiên, cần lưu ý tính toán chi phí-lợi ích để đảm bảo có lợi nhuận dương (tính cả cho khu vực tư nhân và khu vực công)
Tháng 11-2018: Hà Nội tuyên bố đạt thỏa thuận đăng cai giải đua xe Công thức 1 (Grand Prix)
Ngày 20-3-2019: Khởi công xây dựng đường đua ở quận Nam Từ Liêm.
Tháng 4-2020: Cuộc đua đầu tiên.
Điều hành: Công ty Vietnam Grand Prix (thuộc Tập đoàn VinGroup).
Người Lao động