MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Phi đô la hoá đang được truyền thông 'thổi phồng', nhưng vẫn là 'cơn sóng ngầm' đối với đồng USD và kinh tế Mỹ

12-07-2024 - 09:35 AM | Tài chính quốc tế

Việc BRICS mở rộng với nhiều thành viên là các nước xuất khẩu dầu và các quốc gia lớn trong khu vực sẽ khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, vì xu hướng này có thể thúc đẩy quá trình phi đô la hoá.

Chuyên gia: Phi đô la hoá đang được truyền thông 'thổi phồng', nhưng vẫn là 'cơn sóng ngầm' đối với đồng USD và kinh tế Mỹ- Ảnh 1.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Adam Gallagher. Ông là nhà phân tích chính sách đối ngoại và là tác giả chuyên viết về chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông và địa chính trị.

Nỗ lực thay đổi trật tự thế giới

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2024 là một sự kiện thể hiện rõ tình hình địa chính trị trên toàn cầu đang ở trạng thái chia rẽ ngày càng sâu sắc, có thể định hình lại chính trị thế giới và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Mỹ. Giới truyền thông và quan sát đã hướng sự quan tâm đến hội nghị thượng đỉnh hoà bình giữa G7 và Ukraine. Tuy nhiên, SCO là một sự kiện đặc biệt không kém, khi các bộ trưởng ngoại giao BRICS có cuộc gặp với những người đồng cấp từ gần 20 quốc gia Nam bán cầu.

Giống như hội nghị thượng đỉnh G7 và Ukraine, cuộc họp của các nước BRICS không đưa ra những sáng kiến về chính sách quá lớn. Song, sự kiện này cho thấy ngày càng nhiều quốc gia không hài lòng với chính sách của Mỹ, họ muốn tìm những lựa chọn thay thế cho việc Washington thống trị toàn thế giới và muốn trở thành một phần của xu hướng phi đô la hoá.

Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc đã khởi xướng dự án BRICS vào ănm 2006, nhằm tìm hướng cải cách các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và WB. Nam Phi sau đó gia nhập vào năm 2010. Khối này đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) vào năm 2014 nhưng đến gần đây mới có sự gắn kết mạnh mẽ.

Đầu năm nay, các quốc gia quan trọng như Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chính thức gia nhập nhóm. Trước cuộc họp tháng 6, đại sứ Moscow tại Trung Quốc cho biết gần 30 nước muốn gia nhập khối. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, từ lâu đã bày tỏ mong muốn gia nhập EU, và Thái Lan, quốc gia thường đứng ngoài những mâu thuẫn địa chính trị, cũng muốn làm thành viên.

Mục đích của BRICS là rất rõ ràng. Các nhà ngoại giao hàng đầu của các nước BRICS và quốc gia phía nam bán cầu đã nói về sự cần thiết phải xây dựng sự kết nối mạnh mẽ về an ninh, quản trị và tài chính để thay thế các hệ thống hiện tại do Mỹ dẫn đầu - điều mà họ cho là chỉ phục vụ lợi ích của phương Tây.

Xu hướng phi đô la hoá ngày càng được "ưa chuộng"

Các quốc gia BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới, 28% sản lượng kinh tế thế giới và 47% sản lượng dầu thô toàn cầu. Việc BRICS mở rộng với nhiều thành viên là các nước xuất khẩu dầu và các quốc gia lớn trong khu vực sẽ khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, vì xu hướng này có thể thúc đẩy quá trình phi đô la hoá.

Khối này nhắm đến việc phá vỡ thế thống trị của đồng USD bằng cách "tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và tài chính" giữa các nước BRICS. Trung Quốc đang dẫn đầu trong nỗ lực này, khi tìm cách quốc tế hoá đồng tiền của mình. Kể từ khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc sử dụng đồng Nhân dân tệ để mua hàng hoá của Nga, đặc biệt là dầu mỏ.

Theo đó, Nhân dân tệ đã vượt qua USD để trở thành đồng tiền chính trong thương mại Trung Quốc - Nga. Trung Quốc cũng đàm phán vác nước xuất khẩu dầu lớn khác như Iran, Iraq và Ả Rập Xê Út để hướng tới việc sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều hơn trong các giao dịch dầu mỏ.

Năm 2023, ước tính khoảng 20% lượng dầu toàn cầu được mua và bán bằng các loại tiền tệ khác không phải USD. Các quốc gia như Iran và Nga, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt gắt gao của Mỹ, không phải là bên duy nhất tìm cách đa dạng hoá. Ngay cả Brazil, UAE và Ả Rập Xê Út cũng có động thái "tự vệ" trước các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với thương mại dầu mỏ và hàng hoá khác.

Để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, Trung Quốc đang bán bớt tài sản định danh bằng USD. Trung Quốc và Nga đã mua vàng ở mức kỷ lục trong những năm gần đây.

Nỗ lực làm suy yếu đồng USD sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Mỹ và nền kinh tế nước này, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát cao như hiện tại. Kể từ những năm 1970, đồng USD là đồng tiền giao dịch chính đối với dầu mỏ.

Hoạt động này càng thúc đẩy nhu cầu đối với đồng USD và giúp đồng tiền này duy trì giá trị, cũng như vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Nhờ đó, Mỹ có chi phí đi vay thấp hơn, thâm hụt ngân sách không phải là vấn đề quá lớn và in tiền theo nhu cầu, nâng cao mức sống của người dân.

Mỹ đang tự đẩy mình vào thế khó?

Song, các chính sách của Mỹ, đặc biệt là những động thái trừng phạt, đang làm suy yếu đồng bạc xanh và cả nền kinh tế Mỹ, cũng như vị thế toàn cầu của Washington. Các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến 29% nền kinh tế toàn cầu và 40% trữ lượng dầu toàn cầu. Việc triển khai rộng rãi các biện pháp trừng phạt nhìn chung là một động thái không hiệu quả. Mỹ thường xuyên sử dụng cách thức này để yêu cầu các quốc gia thay đổi hành động song lại hiếm khi có tác dụng.

Những biện pháp trừng phạt này không như không có hiệu quả mà còn "vô tình tạo ra 'chuỗi các quốc gia muốn né tránh'" từ Nga, Iran, Venezuela, đến Triều Tiên và Trung Quốc. Các nước này đang hợp tác với nhau để giảm sự tiếp cận với các thị trường phương Tây.

Từ lâu, Mỹ đã cho rằng họ là "quốc gia quan trọng". Song, trong bối cảnh thế giới đa cực như hiện nay, nhiều nước khác không còn giữ quan điểm tương tự.

Những thông tin về sự sụp đổ tiềm tàng của đồng USD rõ ràng đã được "thổi phồng" quá mức. Đồng tiền chung của BRICS sẽ không sớm được ra mắt. Tuy nhiên, xu hướng phi đô la hoá và những gì nó thể hiện về quan điểm đối với Mỹ sẽ khiến Washington phải xem xét lại điều gì đang thúc đẩy BRICS và các nước nam bán cầu muốn thay thế đồng USD đến vậy.

Mỹ cũng cần phải xem xét lại cam kết của họ với vị thế đứng đầu, việc sử dụng biện pháp trừng phạt một cách tuỳ tiện trước khi quá muộn. Hơn nữa, Washington cũng có thể phải "kiềm chế" khi nhiều quốc gia lớn khác cũng đang muốn tìm cách lật đổ đồng USD và thay thế vai trò đứng đầu của Mỹ.

An Chi

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên