Chuyên gia quản lý tài chính: Giàu nhanh hay nghèo lâu không phụ thuộc vào tiền lương, mà quan trọng nhất là yếu tố này
Có một sự thật ít ai biết, 99% người giàu trên thế giới, gây dựng cơ đồ từ con đường giàu chậm. Nhưng nếu được giàu nhanh thì ai mà không muốn. Quan trọng là khả năng làm được của mỗi người.
- 23-09-20225 tuổi đã thành triệu phú tự thân nhưng sự nghiệp “chấm hết” đầy oan trái, tới U60 mới “tìm lại chính mình”
- 22-09-2022Nỗi khổ không ai thấu của IT - nghề “nghìn USD”, nhưng cũng “nghìn bệnh”
- 20-09-2022Hàng loạt khách sạn “tịch thu” điện thoại của khách, vì sao mọi người vẫn hoan hỉ chấp nhận?
Không đi theo những xu hướng hiện thời, không nhìn sang người khác, họ lựa chọn sự tập trung, chậm rãi và bền vững cho sự nghiệp cả đời.
Nhìn vào khối tài sản đồ sộ của Warren Buffett, người ta ngưỡng mộ và học hỏi, nhưng không ai lựa chọn theo chính xác con đường ông đã đi. Chính huyền thoại đầu tư cũng phải thừa nhận điều này với lí do: "Vì không ai muốn GIÀU CHẬM cả!".
Đặc biệt, thành công trong thế giới hiện đại, nhiều khi được đo bằng giờ, bằng tháng khi những dòng tin "kiếm trăm triệu một tháng", "làm giàu nhờ chứng",... ngày càng được thổi phồng và lăng xê. Trong sự xáo động của thị trường, những phương thức kiếm tiền hiện hữu đơn giản tựa một công thức làm bánh, vừa dễ, vừa nhanh lại nhiều tiền.
Làm giàu nhanh cũng tốt đấy, nhưng cái gì dễ đến thì cũng dễ đi.
Anh Hans Nguyễn - Quản lý cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam đã đưa ra nhận định rằng: “Muốn giàu nhanh, mọi người thường mạo hiểm. Tâm lý thì mong muốn ‘liều ăn nhiều’, nhưng sự thật đâu phải lúc nào cũng được như thế. Kết quả thường gặp nhất là liều nhưng thua nhiều. Đó là sự khác biệt giữa mong muốn và thực tế.”
Ham muốn làm giàu nhanh chóng thường đem lại không ít rủi ro. Mọi người cần có sự phân định rạch ròi giữa mong muốn và thực tế.
Mặt khác, rất nhiều người cũng cật lực kiếm tiền, làm việc chăm chỉ để có thể giàu có nhanh hơn. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, họ vẫn chưa thể đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu.
Lý giải về tình trạng này, chuyên gia cho rằng: “Điều quan trọng không phải là mình kiếm được bao nhiêu, mà là cuối tháng mình còn lại bao nhiêu. Nhiều người lương thấp hơn, nhưng họ vẫn tích lũy được nhiều hơn vì họ chi tiêu ít hơn. Như vậy, thu nhập hay tiền lương không phải là yếu tố chi phối hoàn toàn quá trình làm giàu”.
“Nếu kiếm nhiều tiền mà không tích lũy thì cũng chẳng giàu được. Vì tiền tiêu hết rồi còn đâu, lấy gì mà giàu”, chuyên gia nói.
Về cơ bản, ai cũng muốn giàu nhanh, nhưng phải biết khả năng của mình ở mức nào để có thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp. Tài sản bao nhiêu thì gọi là “giàu”? Thời gian bao lâu thì gọi là “nhanh”? Mỗi người đều có một định nghĩa khác nhau cho những khái niệm này.
Hành trình này không bao giờ diễn ra trong một sớm một chiều, vì chúng ta không chỉ tích lũy tiền bạc, mà còn tích lũy cả trải nghiệm, kiến thức và những giá trị cần học hỏi.
Có một sự thật rằng, mọi việc đều có quy trình và những quỹ thời gian riêng. Chúng ta chấp nhận những quy luật tự nhiên, phải 1 năm, trẻ con mới biết bò. Hay theo một nghiên cứu: một người cần ít nhất 10,000 giờ đồng hồ luyện tập, để thực sự làm chủ một kỹ năng. Vậy mà không mấy ai chấp nhận, hay vui vẻ khi nói đến "Giàu chậm".
Nhưng trong quá trình đấy, thứ giá trị nhất mà ta nhận được là học về sai lầm và thất bại. Điều quan trọng ở đây là khả năng nhận ra lỗi, khả năng sửa chữa và dần dần làm tốt hơn.
“Những ai làm ít lỗi hơn, sửa tốt hơn thì nhất định có thể giàu nhanh hơn”, anh Hans Nguyễn nhận định. “Trong lĩnh vực đầu tư, nhận ra yếu điểm đóng vai trò rất quan trọng. Lỗi nặng nhất chính là việc không nhận ra lỗi của chính mình. Nhưng phải phát hiện ra lỗi thì chúng ta mới có thể sửa để làm được tốt hơn.”
“Đương nhiên, chúng ta là con người thì đều có cảm xúc. Mỗi sai lầm đều có thể ảnh hưởng tới khía cạnh tâm lý. Có thể mình nghiên cứu rất nhiều trước khi đưa ra quyết định, nhưng đến cuối cùng, chúng ta lại quyết định bằng cảm xúc. Từ đó, yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả,” chuyên gia nói.
Trí Thức Trẻ