Chuyên gia quốc tế: Bất chấp làn sóng dịch Covid-19 mới, con số tăng trưởng 6,5% của Việt Nam năm nay vẫn có cơ sở
Đại diện VinaCapital cho biết ông không thể nhìn thấy bất kỳ mối đe dọa tức thời nào đối với sức mạnh sản xuất của Việt Nam từ các nước láng giềng Đông Nam Á. Trong khi giám đốc KPMG lại tin tưởng vào mục tiêu GDP 6,5% của Việt Nam.
- 03-08-2021Vượt Bangladesh, Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 toàn cầu
- 02-08-2021Kiệt quệ vì Covid-19: Hàng không tư nhân 'tự sinh', nhưng rất cần hỗ trợ của Chính phủ để không 'tự diệt'
- 02-08-2021Phó chủ tịch IATA: 'Hàng không đang bị ảnh hưởng rất nặng nề và cần mọi sự giúp đỡ có thể'
- 02-08-2021Tiêu dùng 'mùa' giãn cách ở Việt Nam và Singapore: Mỳ tôm có phải là lựa chọn hàng đầu?
Theo trang tin InTheBlack (Úc), vào năm 2020, nhờ nền tảng sản xuất đang phát triển và nhu cầu trong nước mạnh mẽ, bất chấp đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,9%, cao hơn cả Trung Quốc.
Trong bảng xếp hạng về phản ứng đại dịch của gần 100 thị trường theo dữ liệu từ viện Lowy, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Sydney, New Zealand ở vị trí hàng đầu, theo sau đó là Việt Nam.
Kỳ quan kinh tế
Với việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và logistics nói riêng đang phục hồi mạnh mẽ từ tác động của Covid-19, Ngân hàng Thế giới đã ước tính tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 từ 6% đến 6,5%. Tuy nhiên, sự gia tăng gần đây về số ca nhiễm Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng đến con số tăng trưởng kinh tế này.
Thế nhưng, chia sẻ với InTheBlack, Giám đốc điều hành KPMG tại Việt Nam, Warrick Cleine lại cho rằng: "Con số tăng trưởng như vậy không phải là không có cơ sở".
Thứ nhất, trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021, Việt Nam đã quản lý kiểm soát Covid-19 tốt hơn hầu hết các quốc gia, bao gồm cả các nước Đông Nam Á là Indonesia và Philippines. Nền kinh tế của những quốc gia này hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Thứ hai, trong vòng 20 năm trở lại đây, Việt Nam có cơ hội và đang hưởng lợi với tư cách là bên tham gia quan trọng trong chuỗi thương mại và sản xuất toàn cầu.
Thứ ba, Việt Nam ít phụ thuộc vào du lịch hơn các nước láng giềng. Trước khi Covid-19 diễn ra, Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự mất mát của du khách quốc tế, không giống như một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan.
Cuối cùng, thế hệ dân số trẻ của Việt Nam đang thúc đẩy một nền kinh tế trong nước hùng mạnh. Và điều này đã được chứng minh là một bước đệm để chống lại sự suy thoái toàn cầu.
Dân số trẻ của Việt Nam góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Một yếu tố khác có lợi cho Việt Nam là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây là một cơ hội giúp Việt Nam thu hút một thế hệ các nhà sản xuất nước ngoài mới. Xu hướng này bắt đầu từ hơn 10 năm trước, khi các nhà máy may mặc và giày cấp thấp bắt đầu tìm kiếm các nơi sản xuất thay thế cho Trung Quốc do chi phí tăng cao.
Giờ đây, với việc những gã khổng lồ công nghệ như Samsung và Apple dẫn đầu về việc đầu tư sản xuất ở Việt Nam, đồng thời các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, Việt Nam đang được hy vọng sẽ trở thành một trung tâm chính cho sản xuất công nghệ cao.
Michael Kokalari, nhà kinh tế trưởng của công ty đầu tư VinaCapital, cho biết, trước Covid-19, nhiều công ty thương mại quốc tế nghĩ rằng họ có một chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn, cho đến khi đại dịch đã làm rõ hơn nguy cơ của doanh nghiệp khi phụ thuộc quá nhiều vào một số nhà cung cấp chính.
Giờ đây, với việc những gã khổng lồ công nghệ như Samsung và Apple dẫn đầu về việc đầu tư sản xuất ở Việt Nam, Việt Nam đang được hy vọng sẽ trở thành một trung tâm chính cho sản xuất công nghệ cao.
Theo nhận định của Kokalari, sở thích của người tiêu dùng ở Mỹ cũng đang bắt đầu thay đổi, họ dần ít sử dụng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. "Sự kết hợp của hai điều đó đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất diễn ra nhanh hơn."
Bên cạnh đó, đại diện VinaCapital cho rằng, ông không thể nhìn thấy bất kỳ mối đe dọa tức thời nào đối với sức mạnh sản xuất của Việt Nam như các nước láng giềng Đông Nam Á. Chẳng hạn, tắc nghẽn logistics là một vấn đề đối với Indonesia, hay chi phí cao và lực lượng lao động già đi là những thách thức mà Malaysia đang phải đối mặt.
Kokalari cho biết Việt Nam cũng có thể tiếp tục thu hút lao động giá rẻ từ lĩnh vực nông nghiệp, vốn vẫn chiếm khoảng 45% tổng số lao động. "Chỉ cần số người sẵn sàng chuyển từ trang trại đến nhà máy có nghĩa là vẫn có một lượng lớn công nhân ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới".
Cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài
Ủy ban Thương mại và Đầu tư Úc (Austrade) hình dung ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Australia trong rất nhiều lĩnh vực đa dạng như năng lượng, y tế, thực phẩm cao cấp và đồ uống.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể là một thị trường phức tạp để định hướng, Shannon Leahy, ủy viên thương mại Austrade tại Hà Nội, trả lời phỏng vấn tờ InTheBlack, việc có cố vấn về thị trường có kinh nghiệm văn hóa Việt Nam là rất quan trọng.
Ông nói: "Cho dù đó là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của doanh nghiệp, hoặc với tư cách là nhà đầu tư, đối tác kinh doanh hay chính quyền cấp tỉnh địa phương thì các mối quan hệ bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và mở ra cơ hội".
Leahy coi thị trường tiêu dùng Việt Nam là một điểm sáng cho các nhà đầu tư, đồng thời nhấn mạnh rằng quốc gia này có một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Cụ thể, lĩnh vực tài chính Việt Nam đang ngày càng có nhiều hơn các công ty fintech. Còn trong lĩnh vực y tế, mạng lưới bệnh viện tư nhân trên toàn quốc đang có bước phát triển vượt bậc về công nghệ, với việc quản lý dữ liệu chuyển từ phương pháp xử lý truyền thống bằng giấy sang sử dụng dữ liệu đám mây.
Leahy nói: "Chúng tôi đang nhìn thấy cơ hội phát triển mạnh mẽ trong hầu hết các phân khúc thực phẩm cao cấp, bao gồm thịt, sữa, các loại hạt và thủy sản".
Một báo cáo của KPMG với tiêu đề "Investing in Vietnam: Redrawing the Horizon, 2021 and Beyond", cho biết năm 2017, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã đóng góp 40% vào GDP của Việt Nam. Năm 2019, tổng vốn đăng ký là 17 tỷ USD, trong đó lĩnh vực sản xuất chiếm 72%.
Có thể thấy, Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành các quy định thuận lợi nhằm nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh. Theo giám đốc KPMG, điều này có nghĩa là "bất cứ điều gì liên quan đến người tiêu dùng Việt Nam" đều thể hiện cơ hội đầu tư, cùng với các lĩnh vực như phát triển bất động sản và dịch vụ tài chính.
Với thế mạnh xuất khẩu, vị đại diện Austrade tin rằng việc đầu tư vào các khu công nghiệp và hậu cần ở Việt Nam sẽ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư doanh nghiệp và cổ phần tư nhân. "Đây là những lĩnh vực thực sự rất hot và không bị giảm giá trị do cuộc khủng hoảng Covid-19".
Ngoài ra, Leahy còn tin rằng ngành năng lượng có tiềm năng trở thành làn sóng đầu tư quốc tế quy mô lớn tiếp theo. Việt Nam cần hơn 150 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong vòng 20 năm tới để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của mình.
"LNG (khí thiên nhiên lỏng) sẽ sớm trở thành nguồn năng lượng quan trọng trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, mở ra cơ hội xuất khẩu và đầu tư lớn cho các công ty LNG nước ngoài" Leahy kết luận.