MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia quốc tế chỉ ra 2 yếu tố ‘lạ’ giúp thị trường fintech Việt Nam bùng nổ

Chuyên gia quốc tế chỉ ra 2 yếu tố ‘lạ’ giúp thị trường fintech Việt Nam bùng nổ

Theo Rahul Shal – Trưởng phòng quản lý quỹ tài chính và Rohit Kumar – Phó trưởng phòng phân tích tài chính quốc tế tại công ty chứng khoán Insight, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi có tốc độ phát triển nhanh nhất và đứng đầu bảng xếp hạng về fintech trên Tellimer.

Báo cáo Tellimer chỉ ra rằng, gần 2/3 người trưởng thành Việt Nam không có tài khoản ngân hàng. Số lượng thẻ ghi nợ và hạn mức tín dụng của người Việt Nam ít hơn so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, 90% các giao dịch mua hàng trực tuyến vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. Ngược lại, độ phủ sóng của điện thoại di động và internet lại rất rộng, đồng thời các kỹ năng sản xuất sản phẩm công nghệ của Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, 40% hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này là hàng công nghệ cao.

Với những yếu tố này, các chuyên gia nhận định thị trường fintech Việt Nam có thể tăng trưởng tốt. Các nhà đầu tư dường như cũng nhìn thấy cơ hội tiềm năng này ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã thu hút 36% trên tổng lượng vốn fintech đổ vào Đông Nam Á vào năm 2019, chỉ đứng sau Singapore. Gần đây cũng có một vài dự án ở đây đã kêu gọi được lượng vốn lớn, chẳng hạn như MoMo (100 triệu USD) và Fvndit (30 triệu USD).

Việt Nam đã chứng minh nguồn tài chính thấp và phát triển công nghệ cao là sự kết hợp lý tưởng

Việt Nam có dân số hiểu biết về công nghệ khá cao, với số lượng đăng ký thuê bao di động tương đương 141% dân số. Trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao cũng chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng chế tạo. Tỷ lệ này ở các nước láng giềng chỉ ở mức 5%. Ngoài ra, chi phí sử dụng Internet tại đây cũng cực kỳ rẻ.

Tuy nhiên, những tỷ lệ liên quan đến tài chính lại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ tài khoản ngân hàng của Việt Nam dưới mức trung bình (chỉ đạt 31% so với mức 44% ở các ngân hàng khác trên thế giới). Việc người dân tiếp cận các chi nhánh ngân hàng và máy ATM vẫn còn hạn chế. Việt Nam vẫn là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt. Ngay cả đối với mua hàng trực tuyến, các giao dịch mua - bán thanh toán bằng tiền mặt chiếm tận 90% - tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Các loại hình fintech ở Việt Nam

Các loại hình fintech ở Việt Nam chủ yếu là các công ty thanh toán và cho vay. Số lượng các công ty này chiếm hơn 2/3 trên tổng số các loại hình fintech, so với mức trung bình là 57% ở các thị trường mới nổi khác. Đặc biệt, phân khúc công nghệ bảo hiểm (insurtech) và công nghệ đầu tư (investech) có vẻ phát triển chậm hơn. Ngoài 4 ngân hàng lớn ở Việt Nam là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank, thì các ngân hàng công nghệ mới (challenger bank) hay ngân hàng kỹ thuật số hoàn toàn (neobank) cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Chuyên gia quốc tế chỉ ra 2 yếu tố ‘lạ’ giúp thị trường fintech Việt Nam bùng nổ - Ảnh 1.

Hệ sinh thái fintech tại Việt Nam

Nguồn vốn đổ vào fintech đang phát triển mạnh mẽ

Theo Do Ventures, nguồn vốn rót vào fintech đã tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua. Cụ thể, năm 2017, lượng vốn đổ vào fintech chỉ đạt 11 triệu USD. Đến năm 2018, con số này tăng lên 108 triệu USD. Và lượng vốn cao nhất lên tới 340 triệu USD được đầu tư vào năm 2019.

Đến nửa đầu năm 2020, nguồn vốn đã giảm còn 22 triệu USD do đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng nếu nhìn vào xu hướng phát triển toàn cầu, số lượng vốn được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tăng trở lại.

Chuyên gia quốc tế chỉ ra 2 yếu tố ‘lạ’ giúp thị trường fintech Việt Nam bùng nổ - Ảnh 2.

Lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực fintech

Vào tháng 9/2020, nhà điều hành eLoan Fvndit đã huy động được 30 triệu USD. Đến tháng 1/2021, 100 triệu USD đã được đầu tư vào MoMo. Cuộc khảo sát gần đây nhất của Do Ventures chỉ ra rằng trong vòng 1 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư ưa thích so với các quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á.

Môi trường pháp lý đang được cải thiện

Khung pháp lý cho fintech Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, và Chính phủ đang tích cực tham gia vào việc hoạch định các chính sách cho các phân khúc fintech khác nhau.

Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo về công nghệ tài chính. Nhiệm vụ chính của ban đó là tham mưu, tư vấn cho Thống đốc Ngân hàng Trung ương về các giải pháp cần thiết để phát triển hệ sinh thái, bao gồm xây dựng khung pháp lý phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện và ban hành khung pháp lý cho các giải pháp công nghệ quan trọng. Tiêu biểu như e-KYC, API mở, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain…

Các quy định đang được Nhà nước xem xét ban hành trong các lĩnh vực fintech khác nhau, bao gồm thanh toán và cho vay ngang hàng (P2P). Điều này sẽ cho phép các công ty fintech thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, dựa trên đó các cơ quan quản lý sẽ dần phát triển được một khuôn khổ quy định phù hợp.

Các yếu tố giúp fintech ở Việt Nam thành công

Quan hệ đối tác chiến lược: Các mối quan hệ này sẽ giúp các công ty fintech đa dạng hóa tổ hợp sản phẩm, cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng lượng khách hàng. Ví dụ, Vaymuon, một nền tảng cho vay P2P hàng đầu, đã hợp tác với Bảo hiểm VietinBank để cung cấp cho khách hàng một sản phẩm bảo hiểm cho các sự kiện không lường trước được trong thời gian đăng kí bảo hiểm. Các doanh nghiệp fintech khác cũng được hưởng lợi từ yếu tố này bao gồm Moca, VTC Pay và Interloan.

An toàn và liền mạch: Bảo mật là một trong những mối quan tâm lớn của khách hàng khi tỷ lệ tội phạm mạng đang gia tăng song song với quá trình số hóa. Các doanh nghiệp fintech đang tích cực tìm cách tối thiểu hóa những rủi ro này.

Chẳng hạn như doanh nghiệp ví điện tử MoMo sử dụng các công nghệ hiện đại như xác thực hai yếu tố, khóa ứng dụng tự động, truyền dẫn chuẩn SSL/ TLS an toàn và số thẻ quốc tế mã hóa (mã hóa) để bảo vệ khách hàng của mình. Các fintech khác bao gồm Finhay, Ibox và Paytech cũng thành công nhờ vào độ tin cậy và bảo mật của nền tảng ứng dụng.

Chất lượng sản phẩm là một thuật ngữ rộng bao gồm các yếu tố như dễ sử dụng, đổi mới sản phẩm và tốc độ của dịch vụ. Một số doanh nghiệp fintech Việt Nam khác cũng thành công nhờ chất lượng sản phẩm bao gồm Truemoney và Lendbiz.

Kế hoạch phát triển fintech Việt Nam

Đầu tư vào công nghệ là ưu tiên chiến lược hàng đầu của fintech Việt Nam. Việc đầu tư liên tục vào công nghệ đảm bảo rằng người tiêu dùng được trải nghiệm các tính năng tốt nhất trên cơ sở an toàn và tiện lợi nhất. Tiêu biểu như MoMo, Finhay và Interloan.

Giới thiệu sản phẩm mới. Trong bối cảnh các doanh nghiệp fintech Việt Nam hiện đang rất tập trung vào thanh toán và cho vay. Vì lẽ đó mà các doanh nghiệp đang tích cực tìm cách đa dạng hóa và khác biệt hóa các dịch vụ của mình bằng cách giới thiệu các sản phẩm mới. Tiêu biểu phải kể đến đó là Lendbiz, Smartnet và OnOnPay.

Việc tham gia vào quan hệ đối tác chiến lược có thể giúp các doanh nghiệp fintech thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bằng cách đưa ra các ưu đãi về sản phẩm cho khách hàn. Ví dụ như Yolo, Weedigital và Fundiin.

Những thách thức với fintech Việt Nam

Người dùng thiếu tin tưởng vào các kênh kỹ thuật số: 90% thanh toán thương mại điện tử tại Việt Nam được thực hiện thông qua hình thức thanh toán tiền mặt (COD). Lý do là khách hàng chưa thật sự tin tưởng vào người bán lẫn người giao hàng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 là một phần lý do giúp nhận thức của người dùng về ví điện tử cũng như các loại hình fintech khác được nâng cao và cải thiện.

Khung pháp lý chưa hoàn thiện. Khung pháp lý của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Điều này vẫn là rào cản cho bất kỳ doanh nghiệp fintech nào muốn triển khai các dự án mới.

Cơ sở hạ tầng công nghệ vẫn còn non trẻ. Các yếu tố như hệ thống thanh toán chậm, dữ liệu tín dụng khách hàng, cơ chế thực thi pháp luật… dần chậm hơn so với tốc độ phát triển công nghệ hiện tại. Một mặt, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp fintech phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp fintech. Cụ thể, những doanh nghiệp này phải tìm ra cách hợp tác với các tổ chức tài chính truyền thống để thiết kế cho người dùng các sản phẩm tốt nhất.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên