Chuyên gia quốc tế: Là nền kinh tế 'hổ' thế hệ mới, Việt Nam là một đối thủ tiềm năng trong nền kinh tế công nghệ toàn cầu
Mới đây, ông Tanner Kimpel, Thạc sĩ Quan hệ quốc tế (Trường Luật & Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, Hoa Kỳ) đã có một bài phân tích thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trên Wilson Center, diễn đàn tổng hợp các phân tích chuyên môn giữa các khu vực công, tư và học thuật.
Được coi là một trong những nền kinh tế 'Tiger Cub' (Tạm dịch: Nền kinh tế 'hổ' thế hệ mới) của Đông Nam Á với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu tương tự như 'Những con hổ châu Á', Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đang định vị nền kinh tế là một lựa chọn thay thế cho các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
"Điều này phần lớn là do những nỗ lực của Chính phủ nhằm theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cải cách theo hướng thị trường. Ngoài ra, chi phí lao động tương đối rẻ của Việt Nam đã giúp nước này trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho sản xuất", ông Tanner Kimpel viết.
Nền kinh tế 'Tiger Cub' là tên gọi dành cho năm nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thuật ngữ này được đặt ra để ngụ ý rằng các nền kinh tế này tuân theo cùng một mô hình tăng trưởng tương tự như mô hình của Bốn 'con hổ' châu Á —Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, nhờ những cải cách của mình, nhiều quốc gia hiện đã coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây cũng là cơ sở giúp củng cố mối quan hệ thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nhiều quốc gia, trong đó có 7 quốc gia là 'đối tác chiến lược toàn diện' gồm: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Tanner Kimpel cho biết, để thu hút và giữ chân nhiều đầu tư nước ngoài hơn, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chính sách đầu tư vào giáo dục, theo đuổi các hiệp định thương mại tự do và cải thiện cơ sở hạ tầng hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng.
Từ những đánh giá về môi trường đầu tư và dòng chảy thương mại, kinh tế Việt Nam không chỉ có sức sống mạnh mẽ mà còn có rất nhiều cơ hội để mở khóa dòng vốn đầu tư lớn hơn của Hoa Kỳ vào quốc gia này.
Cụ thể, vị chuyên gia đã chỉ rõ các ngành công nghiệp chiến lược mà các nhà đầu tư, trong đó có Mỹ, nên lưu tâm khi đầu tư tại Việt Nam. Những lĩnh vực này bao gồm: Chất bán dẫn, dược phẩm, viễn thông và các dự án cơ sở hạ tầng.
Việt Nam là một đối thủ tiềm năng trong nền kinh tế công nghệ toàn cầu
Mặc dù dư địa đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam còn rất lớn, vị chuyên gia chỉ rõ, thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang mất cân bằng khi lượng xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ tương đối cao nhưng lượng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam lại ít.
"Việc cân bằng thương mại này có thể là cơ hội để mở khóa đầu tư lớn hơn của Hoa Kỳ", ông Tanner Kimpel đánh giá.
Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia ở châu Á. Tính đến tháng 6/2024, Singapore là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất theo tổng vốn đăng ký. Các khoản đầu tư của Singapore chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản bên cạnh sản xuất và cơ sở hạ tầng với sự chú ý ngày càng tăng dành cho chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, Hoa Kỳ được xếp hạng là nhà đầu tư FDI lớn thứ 13 tại quốc gia này. Đầu tư của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ lưu trú và thực phẩm, với sản xuất và chế biến đứng thứ hai, chiếm lần lượt 42,3% và 20,3% vốn đăng ký.
"Cần lưu ý rằng Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác thường ưu tiên đầu tư vào các nước trong khu vực thông qua Singapore, do đó, khoản đầu tư của họ có thể là đại diện cho Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng chí hướng", bài viết nêu.
Dự án FDI lớn nhất của Hoa Kỳ hiện là khu nghỉ dưỡng và địa điểm giải trí 5 sao tại Bà Rịa do Winvest Investments sở hữu. Các công ty Hoa Kỳ khác đầu tư vào Việt Nam bao gồm Apple, Intel, Citigroup, Nike, Chevron, Ford, Coca-Cola và KFC. Tập đoàn P&G đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD để mở rộng sản xuất nhà máy và các công ty lớn khác của Hoa Kỳ có kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực từ năng lượng tái tạo đến công nghệ.
Không chỉ vậy, các nhà sản xuất chất bán dẫn của Mỹ đang ngày càng hiện diện tại Việt Nam. Năm 2021, Intel đã đầu tư 475 triệu USD để xây dựng một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Động thái này diễn ra sau khi nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất của Intel trị giá 1,5 tỷ USD hiện có của Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh được khánh thành vào năm 2010.
Ngoài ra, trong năm 2023, Amkor đã công bố một nhà máy mới trị giá 1,6 tỷ USD và Marvell tuyên bố cũng sẽ xây dựng một trung tâm thiết kế chất bán dẫn tại quốc gia này. Nvidia đã đầu tư 250 triệu USD vào Việt Nam và có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của mình.
Bài viết nhấn mạnh, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chính sách thu hút vốn trí tuệ từ Hoa Kỳ, điều này rất cần thiết để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và nền kinh tế số, cũng như cải thiện các lĩnh vực quan trọng khác. Ngoài các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư của liên bang, mối quan hệ đặc biệt giữa các địa phương, chẳng hạn như mối quan hệ giữa tỉnh Khánh Hòa với thành phố Boston, Massachusetts, cũng có thể đóng một vai trò trong quá trình phát triển này.
"Bằng cách hợp tác trong các sự kiện và sáng kiến tiên phong tập trung vào chất bán dẫn, AI và công nghệ số, các thành phố này có thể thu hút tài chính và vốn vào Việt Nam, định vị Việt Nam là một đối thủ tiềm năng trong nền kinh tế công nghệ toàn cầu", ông Tanner Kimpel nhấn mạnh.
Nhịp sống thị trường