Chuyên gia SHS: “Chứng khoán sẽ sôi động hơn trong những tháng cuối năm, VN-Index có thể hướng tới vùng 1.300 điểm”
Theo chuyên gia SHS, thị trường sẽ tích lũy trong khu vực vùng đáy khoảng 1.140 điểm với vùng biên độ trên là khoảng 1.300 điểm .
Thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn vùng trũng thông tin. Chiến lược giao dịch ra sao trong những tháng cuối năm là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này. Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8 mới đây, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã có những chia sẻ về tình hình kinh tế cũng như thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm.
BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá thế nào độ về độ “ngấm” của các chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu đến nền kinh tế trong nước hiện nay?
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Tại Mỹ, câu chuyện về lạm phát theo số liệu công bố đã có phần hạ nhiệt hơn, hoặc như ở Canada cũng đã giảm xuống. Tuy nhiên, ở khu vực châu Âu, tình hình lạm phát vẫn đang khá căng thẳng, lạm phát trong tháng 8 tiếp tục tăng lên 9,1%, đây là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số CPI đạt kỷ lục ở khu vực châu Âu.
Để đối phó với lạm phát, hầu hết các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều dùng công cụ chính sách tiền tệ là tăng lãi suất. Hai tháng gần đây, một làn sóng tăng lãi suất ở khắp các nước trên thế giới, từ các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đến tất cả các nước lớn như Mỹ. Tại Mỹ, theo như Fed định hướng, lãi suất đến cuối năm 2022 chỉ ở mức khoảng 2,5%.
Tuy nhiên đến giờ, Fed đã tăng lãi suất lên đến 2,5% và dự kiến đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng vào khoảng 3,1%-3,6%. Các ngân hàng đều nới thêm phần dư địa để có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát, dẫn đến vấn đề rủi ro về câu chuyện giá cả leo thang, sức mua của người tiêu dùng giảm. Đồng thời, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng làm gia tăng rủi ro suy thoái trên toàn cầu.
Tuy nhiên, những chỉ số vĩ mô của Việt Nam vẫn khá tích cực trong 8 tháng qua, có thể thấy những ảnh hưởng ở bên ngoài chưa phản ánh nhiều vào nền kinh tế Việt Nam. Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng sang tháng thứ 6 liên tiếp, lạm phát CPI của tháng 8 tăng rất thấp, và so với mức đặt ra đầu năm là dưới 4% thì vẫn còn dư địa. Ngoài ra, nếu so với hầu hết các chỉ số CPI các nước trong châu Á, Đông Nam Á thì mức CPI của Việt Nam hiện tại chỉ cao hơn Trung Quốc.
Thêm vào đó, xuất khẩu vẫn duy trì ở mức tích cực. Trong khoảng hai quý gần đây vẫn đạt khoảng trên 30 tỷ đồng một tháng, luỹ kế 8 tháng xuất khẩu tăng 17%. Bên cạnh đó, mặc dù vẫn còn một số áp lực về lãi suất và tỷ giá từ bên ngoài, tuy nhiên, với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tiền đồng chỉ mất giá so với đồng USD từ đầu năm đến giờ khoảng 2,7%, mức mất giá thấp hơn rất nhiều so với đồng tiền của các quốc gia khác trong khu vực. Như vậy, với những tín hiệu hiện tại thì chúng ta hoàn toàn có thể tự tin GDP trong quý 3 có thể đạt mức trên 10%.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s gần đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Ba2. Như vậy,chúng ta chỉ còn cách mức xếp hạng đầu tư có hai bước xếp hạng nữa thôi. Và đây cũng là mức xếp hạng cao nhất mà Moody’s dành cho Việt Nam kể từ năm 1997. Điều đó cho thấy, họ cũng đánh giá rất cao nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.
Đối với các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trực tiếp như thế nào? Khi mà những nhóm ngành mà trước đây vẫn có sự tăng trưởng tốt kể cả thời điểm dịch thì nay cũng đã có sự chững lại như dệt may, thủy hải sản hay vận tải?
Theo số liệu mà chúng tôi tổng hợp trong quý 2, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên cả ba sàn tăng khoảng 11%, một con số vẫn rất tích cực cho thấy các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang có một vị thế chống chọi được khá tốt trước những biến động ở bên ngoài.
Tuy nhiên, trong một vài tháng trở lại đây, qua trao đổi với một số doanh nghiệp thì một vài doanh nghiệp trong ngành mang tính chất xuất khẩu cũng đã bắt đầu cảm nhận các dấu hiệu khó khăn. Ví dụ, ngành dệt may cũng có một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng, do giảm số lượng đơn hàng hoặc hủy các đơn hàng đã có trước đó. Hay ngành thủy sản, giá cả ở Mỹ hay ở châu Âu tăng cao, khiến cho người tiêu dùng các khu vực này có xu hướng giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta.
Các thị trường như Mỹ hay là châu Âu, đặc biệt Mỹ đang đã có dấu hiệu lạm phát đạt đỉnh, tuy nhiên chính sách tiền tệ của họ vẫn ưu tiên về mặt kiểm soát lạm phát và vì thế sẽ tiếp tục quá trình tăng lãi suất. Còn ở châu Âu, mặc dù giá dầu giảm nhưng giá khí vẫn tiếp tục tăng do những hạn chế mà châu Âu đặt ra đối với Nga vì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hiện, châu Âu vẫn chưa tìm được nguồn nào để thay thế cho nguồn khí từ Nga trong khi mùa đông đang đến gần. Với câu chuyện giá khí đồng thời tăng lãi suất thì khu vực châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, trong khi đó khu vực châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các mặt hàng Việt Nam.
Đó là những rủi ro mà các doanh nghiệp có lẽ sẽ cảm nhận được nhiều hơn trong giai đoạn từ cuối quý 3 cho đến sang tới quý 4.
Đối với doanh nghiệp vận tải, thời gian gần đây giá vận tải cũng có xu hướng giảm, chuỗi cung ứng đã bớt căng thẳng so với trước. Điều này một phần cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Một vấn đề nữa là lãi suất trong nước tuy chưa tăng mạnh như các nước nhưng cũng đang có xu hướng nhích dần lên, theo ông, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong xu hướng chung này?
Vừa qua một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất một phần, họ cũng cần phải chuẩn bị dư địa để khi “room” tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được nới ra họ sẽ có đủ nguồn tiền để cung cấp cho các khách hàng. Thứ hai, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước từ tháng tháng 10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống. Điều này cũng làm cho các ngân hàng nâng lãi suất để có được nguồn vốn đáp ứng về tiêu chí này. Tuy nhiên, quan điểm chính sách của chúng ta hiện tại vẫn khá thận trọng và tránh sự thay đổi đột ngột.
Chính vì vậy, về mặt lãi suất, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý có thể vẫn sẽ tiếp tục điều hành theo hướng thận trọng, họ sẽ đánh giá xem thực trạng hiện tại nó như thế nào để từ đó có những cái định hướng tiếp theo. Mặt bằng lãi suất trên thị trường từ giờ đến giai đoạn cuối năm có thể sẽ không bị biến động mạnh để đáng phải lo ngại.
Vậy sự xoay chuyển của các nhóm ngành sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh này?
Trong bối cảnh hiện tại, một số ngành chúng tôi đánh giá vẫn có thể có tiềm năng như các ngành liên quan đến đầu tư công hay ngành ngân hàng có thể tích cực. Trong giai đoạn gần đây, nhóm ngành thép thu hút được dòng tiền khá mạnh, giá thép trong thời gian vừa rồi đã đi xuống, các cổ phiếu của ngành này đã có giai đoạn đi ngang tích lũy trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, các nhà máy thép ở châu Âu, do chi phí năng lượng cao nên họ một là giảm sản lượng, hai là đóng cửa nhà máy, tạo ra kỳ vọng về chuyện giá thép trên thế giới cũng sẽ tăng lên.
Một số động lực liên quan tới quá trình giải ngân đầu tư công ở Việt Nam trong giai đoạn cuối năm thường vào giai đoạn cao điểm, cùng với các chính sách đẩy mạnh quyết liệt của Chính phủ, đôn đốc, nhắc nhở, đồng thời thành lập các ban chỉ đạo để đẩy nhanh đầu tư công. Với chính sách này có thể giúp một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép được hưởng lợi.
Còn đối với ngành ngân hàng, các ngân hàng đều vừa được nới “room” tín dụng, trong giai đoạn tới cũng sẽ đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, đó có thể là chất xúc tác giúp các hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng cải thiện tốt hơn. Và ngân hàng cũng là một trong những ngành ghi nhận mức tăng trưởng trong đầu năm khá tốt. Bên cạnh đó một số ngành khác như ngành cảng biển, logistic vẫn có thể được hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu rất tích cực.
Hiện thị trường chứng khoán đang vào vùng trũng, ông kỳ vọng thị trường sẽ như thế nào cho giai đoạn cuối năm?
Theo tôi, giai đoạn hiện tại cho đến cuối năm giao dịch trên thị trường sẽ sôi động hơn so với giai đoạn trước đó. Sắp tới chúng ta bắt đầu đón nhận các thông tin về GDP quý 3, về kết quả doanh nghiệp trong quý 3 để đánh giá và lựa chọn được xem các ngành nghề, các doanh nghiệp nào có sự tăng trưởng, đồng thời hướng dần về quý 4. Chúng ta cũng nhận thấy là sau khi rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2 thì giao dịch trên thị trường cũng đã có sự khởi sắc hơn. Còn về mặt chỉ số, thị trường có lẽ sẽ tích lũy trong khu vực vùng đáy khoảng 1.140 điểm với vùng biên độ trên là khoảng 1.300 điểm. Chúng tôi cho rằng từ giờ tới cuối năm có lẽ sẽ chỉ giao động trong khu vực này.
Vậy nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào cho hiệu quả trong giai đoạn này?
Tôi cho rằng ở thời điểm bây giờ sự phân hóa trên thị trường rất mạnh. Có thể là phân hóa giữa bản thân các doanh nghiệp trong một nhóm ngành. Vì vậy, nhà đầu tư cần lưu ý và quan tâm nhiều hơn về hoạt động phân tích doanh nghiệp.
Quan điểm khi lựa chọn doanh nghiệp sẽ dựa trên 4 yếu tố. Một là doanh nghiệp đó phải có sự tăng trưởng về mặt kinh doanh trong giai đoạn sắp tới. Thứ hai, doanh nghiệp phải có nền tảng tài chính đủ mạnh. Thứ ba, doanh nghiệp có nền tảng quản trị chuyên nghiệp và minh bạch. Thứ tư là yếu tố về định giá. Nhà đầu tư chỉ nên mua khi định giá của doanh nghiệp rơi vào vùng hấp dẫn. Các doanh nghiệp mặc dù họ tăng trưởng nhưng giá vẫn cao lại không có triển vọng đầu tư như những doanh nghiệp có thể kém hơn chút nhưng định giá lại ở mức hấp dẫn hơn.
Về nhóm ngành thì có một số nhóm như đầu tư công, nhóm ngân hàng, nhóm thực phẩm, nhóm cảng biển logistic, hay dầu khí,…là những nhóm có thể đưa vào theo dõi và chắt lọc một số cơ hội đầu tư nào đó.
Nhịp Sống Kinh Doanh