MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia SSI: Cứ mua và nắm giữ cổ phiếu, nhưng cũng không thiếu cơ hội để đầu cơ

Dưới góc nhìn PTKT, chuyên gia của SSI cho rằng thị trường vẫn đang duy trì xu hướng tăng trung hạn từ đầu năm 2017 và đang giao dịch trong sóng III – Đây cũng là sóng mạnh nhất kể từ năm 2016. Trong giai đoạn này, thị trường thường biến động mạnh với thanh khoản ở mức cao. Điều này tạo ra các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cao theo sóng của thị trường.

Sáng ngày 15/07, CTCK Sài Gòn (SSI) đã tổ chức Hội thảo "Công cụ phái sinh và Bối cảnh thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2017". Tại đây, các chuyên gia đã trình bày quan điểm về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam và dự báo những tháng cuối năm.

Đánh giá về tình hình vĩ mô, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích & Tư vấn Đầu tư Khách hàng Cá nhân nhận xét, bức tranh tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2017 đã có sự cải thiện rõ rệt nhờ ngành Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao, Nông nghiệp hồi phục và Dịch vụ cải thiện. Với đa số các ngành cấu thành có tăng trưởng trên 7%, việc đạt mức tăng trưởng trên 7% vào các năm tiếp theo là hoàn toàn có thể khi Khai khoáng có tăng trưởng trở lại dựa trên nền thấp của năm 2017.

Theo ông Hùng Linh, việc duy trì ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, kích cung hợp lý sẽ tạo ra tăng trưởng cao và bền vững cho các năm tới.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước có những điểm sáng như vậy, ông Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc Phân tích & Tư vấn Đầu tư Khách hàng Cá nhân cũng có cái nhìn rất tích cực về thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm.

Về cơ hội, ông Minh cho rằng tình hình vĩ mô ổn định và duy trì tăng trưởng tín dụng vào các tháng cuối năm là nền tảng quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, mức định giá của thị trường Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Có thể thấy, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến cuối quý 2/2017 là 16,5 lần, tức đã tương đương với Thái Lan, Malaysia và gần tiến đến P/E của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đặt trong mối tương quan với mức tăng trưởng GDP dự báo thì Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Ví dụ, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 dự báo đạt 6,4% trong khi của Thái Lan chỉ là 3,4%.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, một chỉ số quan trọng là CDS cũng đang duy trì xu hướng giảm cho thấy nhà đầu tư tỏ ra lạc quan với TTCK VN. Đặc biệt, quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng TTCK VN.

Cũng không thể không nhắc đến những động lực khác như làn sóng cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước và khối NHTM, việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài ở các doanh nghiệp hay việc thắt chặt kênh đầu tư BĐS khiến cho dòng tiền đầu cơ dịch chuyển qua TTCK.

Đánh giá về rủi ro của TTCK trong thời gian tới, ông Thế Minh cho rằng, đó là việc Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2017, giá hàng hóa chưa hồi phục bền vững (khủng hoảng thừa), rủi ro địa chính trị và các vấn đề liên quan đến các quyết sách của Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng đối với TTCK Việt Nam là tình trạng margin đang ở mức cao cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh trong Q3/2017.

Dưới góc nhìn PTKT, chuyên gia của SSI cho rằng thị trường vẫn đang duy trì xu hướng tăng trung hạn từ đầu năm 2017 và đang giao dịch trong sóng III – Đây cũng là sóng mạnh nhất kể từ năm 2016. Theo đó, chỉ số VN30 đang giao dịch trong sóng III.3 với mục tiêu lần lượt là 761 và 820 điểm

Trong giai đoạn này, thị trường thường biến động mạnh với thanh khoản ở mức cao. Điều này tạo ra các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cao theo sóng của thị trường.

Vì thế, chiến lược đầu tư dài hạn phù hợp là tiếp tục chiến lược mua và nắm giữ.

“Luôn duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục, đặc biệt là các ngành không ảnh hưởng theo tính chu kỳ ngành như ngành tiêu dùng và bán lẻ”- ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng đánh giá rằng, tính chất đầu cơ sẽ tiếp tục duy trì trong các quý còn lại của năm 2017 cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps, tuy nhiên phải thận trọng với giai đoạn điều chỉnh trong quý 3/2017.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên