Chuyên gia SSI lý giải vì sao TTCK Việt Nam tăng mạnh trong khi tăng trưởng GDP năm 2017 còn gặp nhiều thách thức
Việc TTCK Việt Nam tăng mạnh trong những nửa đầu năm nay, trong khi tăng trưởng GDP không như kỳ vọng có nguyên nhân quan trọng từ việc cơ cấu các thành phần trong TTCK Việt Nam hiện nay khác xa cơ cấu nền kinh tế.
- 18-07-2017Chuyên gia: "Nhịp điều chỉnh thị trường sẽ chưa sớm chấm dứt, nhà đầu tư cần thận trọng nếu không muốn “bào mòn tài khoản” mỗi ngày"
- 15-07-2017Bloomberg: VnIndex đánh bại TTCK Pakistan, MSCI đã lầm khi không nâng hạng thị trường Việt Nam?
Từ đầu năm tới nay, TTCK Việt Nam đã diễn ra khá sôi động với mức tăng 16% của chỉ số VnIndex và nằm trong top 10 thị trường “nóng” nhất thế giới. Việc chứng khoán tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn, trong bối cảnh tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2017 chỉ tăng trưởng 5,73% và còn nhiều thách thức trong những tháng cuối năm đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại áp lực chốt lời sẽ gia tăng trong thời gian tới và TTCK sẽ chịu không ít rủi ro.
Tại buổi tọa đàm “VnIndex cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” do Bizlive tổ chức, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK SSI cho rằng đối với nhà đầu tư dài hạn với chiến lược tìm kiếm các cổ phiếu được định giá thấp, mua và nắm giữ từ 3 – 5 năm thì không cần thiết phải lo ngại những biến động ngắn hạn của thị trường.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK SSI
Theo ông Linh, việc TTCK Việt Nam tăng mạnh trong những nửa đầu năm nay, trong khi tăng trưởng GDP không như kỳ vọng có nguyên nhân quan trọng từ việc cơ cấu các thành phần trong TTCK Việt Nam hiện nay khác xa cơ cấu nền kinh tế. Cụ thể, đối với TTCK, các nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hiện chiếm khoảng 35 – 40% vốn hóa trên TTCK và do đó, khi có thông tin tốt thì nhóm ngành này sẽ lập tức đẩy TTCK tăng mạnh.
Trong khi đó, nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, chiếm khoảng 10% trong cơ cấu GDP và không có tác động quá lớn. Điều này đã giải thích việc TTCK Việt Nam hiện nay chưa hẳn là hàn thử biểu của nền kinh tế.
Lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn sẽ giúp TTCK Việt Nam bứt phá
Chuyên gia SSI đánh giá yếu tố tác động hàng đầu tới TTCK lúc này là lãi suất. Những năm gần đây, lãi suất tiền gửi ở mức thấp khiến người gửi tiền đi tìm kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Tuy nhiên, nếu thị trường chứng khoán duy trì tăng trưởng ở mức thấp thì rất khó thu hút vốn đầu tư. Do đó, phải làm sao tăng sức thu hút bằng cách gia tăng maket cap (vốn hóa thị trường).
Hiện tại, tỷ lệ tiết kiệm tiền gửi trên quy mô thị TTCK tại Việt Nam còn rất cao so với các quốc gia trong khu vực. Lượng tiền trong dân còn rất nhiều, điều quan trọng là phải kéo dòng tiền trong dân vào chứng khoán, tăng quy mô thị trường. Lãi suất ngân hàng ở mức thấp thì thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho TTCK. Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng hơn 9.000 tỷ trên TTCK, trong đó có hơn 4.000 tỷ đổ vào Vinamilk. Việc khối ngoại mua mạnh VNM bởi đây là công ty hàng đầu tại Việt Nam và vừa được nới room. Điều này cũng cho thấy khối ngoại đổ tiền vào TTCK Việt Nam thì họ cũng tìm đến các doanh nghiệp tốt, cơ bản và điều này cũng nói lên rằng nếu có “hàng hóa” tốt thì khối ngoại sẵn sàng đổ tiền vào.
Ông Linh cũng cho biết sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn, thu hút dòng vốn khối ngoại. Việc có dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) đổ mạnh vào Việt Nam không chỉ giúp nâng đỡ giá cổ phiếu mà còn giúp mang lại nguồn ngoại tệ lớn, ổn định tỷ giá, duy trì lãi suất thấp. Sau này khi có nhiều doanh nghiệp tốt lên sàn sẽ tiếp tục thu hút mạnh dòng vốn ngoại đổ vào và đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung.