MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia tâm lý Mỹ tiết lộ cách giúp con cái hạnh phúc và thành công sau này

07-03-2024 - 21:44 PM | Sống

Muốn con cái hạnh phúc, cha mẹ cần giữ được sự bình tĩnh mỗi khi tức giận và hạn chế la mắng con cái.

Hầu như cha mẹ nào cũng từng la mắng con mình, dù họ có cố gắng giữ bình tĩnh tới mức nào đi chăng nữa. Liên quan tới vấn đề này, Jazmine McCoy, nhà tâm lý học lâm sàng ở ngoại ô Atlanta, Mỹ có những chia sẻ khiến nhiều cha mẹ bừng tỉnh.

Được biết, Jazmine là một bà mẹ 3 con, cô thường chia sẻ những kinh nghiệm dạy con của mình trên mạng xã hội. Cô cho biết, thỉnh thoảng cha mẹ la mắng con cái sẽ không để lại những tổn hại lâu dài cho mối quan hệ với trẻ.

"Tuy nhiên, nếu tình trạng la mắng con diễn ra liên tục, nó sẽ cản trở sự kết nối của con cái với cha mẹ", cô nói.

Chuyên gia tâm lý Mỹ tiết lộ cách giúp con cái hạnh phúc và thành công sau này- Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Mỹ: Jazmine McCoy.

Cô thường xuyên đề cập tới chủ đề này bằng cách tạo ra những buổi thảo luận kéo dài 45 phút trên trang web của mình. Cô chia sẻ cách kỷ luật con mà không cần la mắng.

Cô nói: "Giữ một cái đầu bình tĩnh trong những tình huống nóng giận có thể giúp cha mẹ phát triển EQ của mình và tăng sự tự tin của con. Điều này sẽ giúp con hạnh phúc và thành công hơn trong suốt cuộc đời".

Cha mẹ ít la mắng, con cái càng hạnh phúc và thành công

Trong một nghiên cứu vào năm 2013 được đăng trên Tạp chí Phát triển Trẻ em (Mỹ), những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng có nhiều khả năng phát triển các vấn đề về hành vi, lòng tự trọng thấp và trầm cảm.

Jazmine nói: "Con cái cảm thấy được gắn kết khi được cha mẹ hỗ trợ, lúc đó chúng sẽ làm tốt hơn, hạnh phúc và thành công hơn sau này".

Nghiên cứu cũng cho thấy việc cha mẹ la mắng không sửa đổi được hành vi tiêu cực và gây rối của trẻ. Thay vào đó, nó sẽ gây ra phản ứng căng thẳng trong não của trẻ, dẫn đến sự lo lắng tăng cao. Điều này có thể cản trở khả năng học hỏi và phát triển của trẻ.

Khi cha mẹ la mắng con cái, trẻ sẽ không học được gì. Lúc đó, trẻ bị căng thẳng và chẳng nhớ được gì cả. Nó sẽ đi ngược lại mục tiêu cuối cùng của cha mẹ.

Mỗi bậc cha mẹ sẽ bị kích động bởi những hành vi và tình huống khác nhau của con cái như một mớ hỗn độn, sự bẩn thỉu, sự nghịch ngợm... Cha mẹ đối mặt với cảm giác bất lực, choáng ngợp, lo lắng, khi phải cố cân bằng giữa công việc với trách nhiệm gia đình. Lúc này, họ cảm thấy sức chịu đựng của mình như vượt quá giới hạn và "bùng nổ".

Chuyên gia tâm lý Mỹ tiết lộ cách giúp con cái hạnh phúc và thành công sau này- Ảnh 2.

Cha mẹ bớt la mắng sẽ giúp con cái hạnh phúc hơn.

Cho dù cha mẹ thường bị căng thẳng hay thất vọng vì một hành vi nào đó của con mình, Jazmine khuyên bản thân họ nên tự suy ngẫm để tìm ra nguồn gốc cảm xúc "bùng nổ" của mình.

Cô gợi ý việc viết nhật ký có thể phần nào giúp cha mẹ bình tĩnh nhận ra vấn đề của bản thân. Khi tìm ra lý do khiến bản thân bực bội, nó sẽ giúp cha mẹ kiềm chế và bình tĩnh trước mặt con mình. Cha mẹ có thể nhắc nhở bản thân mình nên làm gương cho con về các hành vi tốt, cũng như trẻ cần phát triển EQ.

Trong thời đại ngày nay, việc nuôi dạy con cái rất khó khăn khi cha mẹ có cơ hội tiếp xúc với nhiều tiêu chuẩn dạy con đăng trên mạng. Việc cảm thấy choáng ngợp đến mức la hét với con mình là điều bình thường.

Nếu bạn không thể ngăn mình trước khi mất bình tĩnh, hãy nói lời xin lỗi với con, nó sẽ có tác dụng chữa lành cho cả 2 bên.

"Tôi nghĩ một trong những điều tốt nhất mà một đứa trẻ có thể nghe từ cha mẹ là: Mẹ xin lỗi con nhé. Mẹ đang cố giải quyết vấn đề này. Mẹ biết mình không hoàn hảo", Jazmine nói.

Jazmine khuyên các bậc cha mẹ nên nói rõ ràng về điều mình đang xin lỗi con. Hãy để cho trẻ biết rằng, trách nhiệm của cha mẹ là bình tĩnh chứ không phải của con cái.

Bạn cũng có thể hỏi con mình tiếng la hét lúc nãy khiến con cảm thấy như thế nào, có sợ hãi hay tổn thương không. Bằng cách này, cha mẹ đang chỉ cho con mình thấy cách cư xử phù hợp sau khi họ bộc phát cơn tức giận.

Jazmine nói: "Cha mẹ cởi mở để trẻ chia sẻ cảm xúc của mình, trung thực nói ra những điều mình cảm nhận, đó là cách giúp nuôi dạy những đứa trẻ thành công và thông minh về mặt cảm xúc".

Theo Phan Hằng

Phụ nữ số

Trở lên trên