MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia tư vấn khẳng định, sẽ là quá dại dột nếu không hỏi ngược nhà tuyển dụng câu này

27-09-2016 - 09:33 AM | Sống

Phỏng vấn xin việc là “con đường hai chiều” đem lại lợi ích chung cho cả nhà tuyển dụng và các ứng viên, những người có cùng một mục đích: “Tìm ra sự tương thích”. Vì thế, đừng đặt bản thân mãi mãi ở thế bị động.

Việc đặt ra câu hỏi chuẩn trong buổi phỏng vấn sẽ giúp nhà tuyển dụng biết được bạn có phù hợp với công việc hay không và ngược lại, bản thân bạn cũng sẽ xác định được liệu công việc đó có thực sự dành cho mình.

Hai chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Katharine S. Brooks và Lynn Taylor đã có những chia sẻ dành cho các ứng viên về cách đặt câu hỏi khi phỏng vấn xin việc trên chuyên trang Business Insider UK. Theo họ, ứng viên có thể đưa ra nhiều câu hỏi khác nhau đối với nhà tuyển dụng, tùy thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề, công việc ứng tuyển. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, các ứng viên đừng quên đặt câu hỏi: "Người như thế nào thì sẽ thành công khi làm ở vị trí, công việc này?”.

“Câu hỏi phải nhớ này sẽ giúp bạn có được những “thông tin nội bộ” về vị trí công việc bạn ứng tuyển cũng như quan điểm của người phỏng vấn đối với công ty. Đây là thông tin mà bạn khó có thể tìm thấy trên internet”, bà Brooks, giám đốc điều hành Trung tâm phát triển chuyên môn cho sinh viên, thuộc trường đại học Vanderbilt nói.

Còn theo bà Taylor, chuyên gia nghiên cứu về môi trường làm việc và là tác giả cuốn "Tame Your Terrible Office Tyrant: How to Manage Childish Boss Behavior and Thrive in Your Job”, khi nhà tuyển dụng trả lời câu hỏi trên, họ sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn của một người trong ngành về việc các mục tiêu nghề nghiệp của bạn có phù hợp với các tiêu chí của công ty hay không.


Chủ động và đặt đúng câu hỏi sẽ có lợi cho ứng viên trong buổi phỏng vấn xin việc.

Chủ động và đặt đúng câu hỏi sẽ có lợi cho ứng viên trong buổi phỏng vấn xin việc.

“Phản hồi của nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những ý kiến có giá trị ví dụ như các kĩ năng cụ thể mà họ đang tìm kiếm. Bạn sẽ nhận thấy chúng có nhiều khía cạnh hơn hẳn so với danh sách các yêu cầu họ đưa ra trước đó. Hay những tiêu chí ưu tiên thực sự của công việc và bạn sẽ biết được dựa vào cách họ nhấn mạnh, dành thời gian để nói về từng tiêu chí. Quan điểm của một người có kinh nghiệm, làm trong chính công ty về những gì cần có để giữ được vị trí công việc. Họ sẽ cho bạn biết cụ thể cách thể hiện bản thân sao cho phù hợp với nhu cầu của họ. Đồng thời, các nhà tuyển dụng cũng sẽ chia sẻ về văn hóa công ty và kỳ vọng của họ đối với đạo đức và tác phong làm việc của nhân viên”, bà Taylor cho hay.

Việc chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng là thực sự cần thiết đối với bất kì ứng viên nào. Nên nhớ, phần lớn thời gian bạn dành cho công việc vì thế phản hồi từ “ông/bà chủ tương lai” sẽ giúp bạn đảm bảo vị trí đó có thực sự đủ thử thách, động lực và xứng đáng với bạn hay không.

“Mỗi câu hỏi của bạn nên gợi ra càng nhiều thông tin càng tốt, không chỉ là về công việc mà còn về phong cách của ông/bà chủ tương lai. Thông thường, khi nhân viên có sự tương tác tốt với lãnh đạo, quản lý sẽ tăng cường hiệu quả làm việc. Có nhiều cách để bạn xác định được điều đó trước khi cam kết làm việc, ví dụ như đặt câu hỏi “phải nhớ” này, nó sẽ giúp bạn có được một chuẩn mực, dựa vào đó để đưa ra quyết định. Nếu bạn chấp nhận vị trí ứng tuyển, bạn sẽ luôn biết được mình có đang đi đúng mục tiêu hay không”, bà Taylor nói thêm.

Nguyễn Nguyễn

Business Insider

Trở lên trên