Chuyên gia Úc, Mỹ khuyên không nên cho trẻ uống nước trái cây, bác sĩ Việt nói gì?
Một số ba mẹ vì thấy con ăn kém, ráng ép con uống sữa, nước trái cây để giúp con "bù" đủ năng lượng mà quên mất rằng, hành động này sẽ càng làm nặng hơn vấn đề "biếng ăn" của trẻ.
Trẻ em KHÔNG CẦN thức uống ngọt
Đường là một chất ngọt dùng khá phổ biến ở khắp mọi nơi. Vì có vị ngọt, nên đường rất được chúng ta ưa chuộng. Điều dễ thấy nhất trong văn hóa tiêu thụ đường tại Việt Nam là ngay cả sữa bò tiệt trùng, thanh trùng cũng PHẢI CÓ đường.
Việc dùng sữa bò tiệt trùng, thanh trùng không đường không được ông bà, cha mẹ quan tâm. Đa số người mua những block sữa dạng nhỏ 180 - 250ml/hộp cho trẻ dùng cũng mua theo thị hiếu của con – là thích có đường – mà quên mất mình đang là người nắm vị trí "chỉ huy" để hướng con theo một thói quen ăn uống và lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
Vậy cho nên mới có bài viết này, để chúng ta nhìn lại, tham khảo và xem có cần điều chỉnh gì cho mình và con cháu mình hay không, bạn nhé!
Khuyến cáo về dinh dưỡng từ Úc là, trẻ em KHÔNG CẦN thức uống ngọt. Đường tự do được cho thêm vào các thức uống, kể cả vào sữa bò, chỉ cung cấp năng lượng dư thừa rất cao và không thêm được bất kì vi dưỡng chất hoặc các chất nào khác cần thiết cho tăng trưởng và phát triển của trẻ cả.
Hạn chế cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt .
Bên cạnh đó, việc cung cấp năng lượng thêm từ đường có thể làm cho trẻ no và vì vậy, trẻ có thể giảm thèm ăn và không ăn tốt các loại thức ăn chính yếu. Điều này đặc biệt quan trọng ở những trẻ "khó ăn" và việc ngừng hoặc giảm thức ăn, thức uống ngọt có thể giúp tăng cảm giác thèm ăn và giúp trẻ ăn uống tốt hơn.
Đây là một điều các ba mẹ ông bà nên lưu ý, khi muốn cải thiện thói quen ăn uống của con em.
Một số ba mẹ vì thấy con ăn kém, ráng ép con uống sữa (và đa số là sữa có đường) để giúp con "bù" đủ năng lượng mà quên mất rằng, hành động này sẽ càng làm nặng hơn vấn đề "biếng ăn" của trẻ – vì bụng trẻ đã bị đầy với đường và sữa rồi – nên lại càng không có nhu cầu ăn và cũng càng không cảm thấy thèm ăn.
Trẻ khi tiêu thụ nhiều đường sẽ có xu hướng thích tiêu thụ những thức ăn có nhiều đường và nhiều carbohydrate khác, như bánh ngọt, kem, kẹo…, càng làm cho chế độ ăn của trẻ trở nên không cân bằng.
Một điều cần lưu ý khác, là đường tự do thêm vào trong nước ngọt, bánh trái... khi được tiêu thụ lượng nhiều, có thể gây tiêu chảy hoặc tiêu lỏng ở trẻ nhỏ, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của trẻ, do trẻ bị mất năng lượng và mất các dưỡng chất từ vấn đề đường ruột này.
Đối với các trẻ này, khi không cho uống nước ngọt nữa, hoặc giảm các loại bánh kẹo ngọt, hoạt động đường ruột của trẻ có thể được cải thiện rất rõ rệt.
Nước ép trái cây uống bao nhiêu là đủ?
Nước trái cây , mà các ba mẹ ông bà nghĩ là "tự nhiên" và tốt cho trẻ, thật ra cũng không được ủng hộ cho sử dụng. Lý do là vì nước trái cây vẫn là thức uống nhiều năng lượng và nồng độ đường cao tương đương với nước ngọt và vì vậy có thể làm giảm thèm ăn và ảnh hưởng đến khả năng ăn của trẻ.
Việc cho uống nước ép trái cây, nếu muốn, chỉ nên giới hạn tối đa 100 ml/ngày. Khuyến cáo vẫn ủng hộ việc cho trẻ ăn trái cây thô hơn, vì ngoài tránh được việc cung cấp năng lượng nhanh, nhiều không cần thiết, còn giúp trẻ tiêu thụ được các chất xơ, giúp trẻ tập nhai, tập làm quen với hình dạng, độ mềm cứng của thức ăn, đồng thời giúp trẻ không ăn quá nhiều, tránh tình trạng thừa cân ở trẻ.
Khuyến cáo vẫn ủng hộ việc cho trẻ ăn trái cây thô hơn.
Vào năm 2015, Tổ chức Y tế Tế giới WHO đưa ra một hướng dẫn thống nhất về việc tiêu thụ đường ở người lớn và trẻ nhỏ.
Khi tổng quan các y văn và nghiên cứu hiện có, người ta thấy rằng, việc tiêu thụ đường tự do (đường thêm vào thức ăn, thức uống) có liên quan trực tiếp đến nguy cơ dư cân, béo phì và sâu răng ở cả người lớn lẫn trẻ em. Vì có liên quan đến dư cân, béo phì, việc tiêu thụ đường tự do có thể dẫn đến tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và các bệnh lý tim mạch... trong tương lai.
Vấn đề sâu răng cũng có thể gây ảnh hưởng đến phát triển răng hàm mặt ở trẻ nhỏ một cách lâu dài. WHO khuyến cáo nên giảm tiêu thụ đường tự do ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Nếu được, chúng ta nên giảm tiêu thụ đường tự do dưới 10% tổng năng lượng nhập một ngày. Và tốt nhất là nên giảm tiêu thụ đường tự do dưới 5% tổng năng lượng nhập một ngày (tương đương khoảng dưới 25 gram đường/ngày) mà thôi.
Một số nghiên cứu quan sát còn cho thấy, việc tiêu thụ lượng đường cao (75 - 100mg đường) có thể làm giảm hoạt động miễn dịch của cơ thể và giảm khả năng giết vi trùng của tế bào bạch cầu của con người trong vài giờ.
Nghiên cứu còn cho thấy, lượng đường cao có thể ảnh hưởng đến hành vi, khả năng tập trung và học hỏi của trẻ em. Những nghiên cứu này vẫn chưa có kết luận xác đáng và không mang tính khẳng định, nhưng cũng là một khía cạnh chúng ta nên ghi nhận.
Vậy cho nên:
• Nên chọn các loại thức uống không đường, hoặc ít đường cho con trẻ, nhất là các sản phẩm phổ biến như sữa và sữa chua.
• Nên hạn chế các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt.
• Nếu muốn cho trẻ uống nước ép trái cây, nên hạn chế dưới 100ml một ngày mà thôi.
* Bài viết rút từ sách " Chat với bác sĩ " của BS Trần Thị Huyên Thảo, Thái Hà Books phối hợp với Nhà xuất bản Lao Động ấn hành. Các tiêu đề trong bài do Ban biên tập tòa soạn đặt.
Bs Trần Thị Huyên Thảo tốt nghiệp y khoa tại trường đại học Monash, Melbourne, Úc, qua chương trình học bổng toàn phần AusAid của chính phủ Úc.
Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Huyên Thảo về làm việc tại Việt Nam và có nhiều năm kinh nghiệm về Nhi Khoa. Bs Huyên Thảo hiện đang giữ vị trí Trưởng khoa Nhi, phòng khám CarePlus.
Chị cũng từng xuất bản hai quyển sách chăm sóc trẻ: "Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!" dành cho lứa tuổi 0-6 tháng, và "Bước đệm vững chắc vào đời" dành cho trẻ từ 0-6 tháng.
Trí thức trẻ