MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Ukraine vỡ nợ khiến phương Tây mất mặt, Mỹ có thể gây áp lực lên chủ nợ

03-07-2024 - 22:23 PM | Tài chính quốc tế

Ukraine chỉ còn bốn tuần để đạt được thỏa thuận với các chủ nợ hoặc sẽ vỡ nợ, việc này có thể tổn hại nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế của đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Hai năm trước, các trái chủ tư nhân nước ngoài của Ukraine đã đồng ý cho nước này tạm hoãn trả một khoản nợ trị giá khoảng 15% GDP hàng năm của Ukraine do chiến sự. Tuy nhiên, thỏa thuận đó sẽ hết hạn vào ngày 1/8/2024.

Việc vỡ nợ ước tính khoảng 20 tỷ USD từ trái phiếu tư nhân đang tồn đọng có thể gây nguy hiểm cho nguồn tài trợ trong tương lai của Ukraine và chuyển hướng tập trung khỏi cuộc xung đột với Nga.

Một chuyên gia nói với Newsweek rằng việc Ukraine vỡ nợ trong những tuần tới là "khó xảy ra" nhưng về lâu dài có thể là "không thể tránh khỏi".

The Economist đưa tin, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) muốn sớm đạt được một thỏa thuận với Ukraine về việc giảm nợ và Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết Kyiv dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận trước ngày 1/8, thì một thỏa thuận như vậy dường như khó xảy ra trong vòng một tháng tới.

Ukraine đã đề xuất với các chủ nợ một thỏa thuận để giảm 60% khoản nợ, mặc dù các chủ nợ nói rằng 22% là hợp lý hơn, và IMF muốn Kyiv đàm phán về việc giảm nợ, nhưng thời gian không còn nhiều.

IMF cho biết Ukraine gần như có thể đạt được thỏa thuận nếu tiến hành tái cơ cấu triệt để - điều mà các chủ nợ đã phản đối và đặt ra nghi ngờ về phân tích của IMF đã có từ nhiều tháng nay.

Nếu không đạt được thỏa thuận tái cơ cấu, Kyiv sẽ phải tìm cách gia hạn lệnh hoãn nợ sẽ hết hạn vào ngày 1/8 hoặc vỡ nợ.

Chuyên gia: Ukraine vỡ nợ khiến phương Tây mất mặt, Mỹ có thể gây áp lực lên chủ nợ- Ảnh 1.

IMF đang đàm phán với Ukraine về nợ chính phủ của nước này. Ảnh: Getty

Grzegorz Drozdz - nhà phân tích thị trường của trang Invest.Conotoxia.com - nói với Newsweek rằng: "Các khoản nợ của Ukraine đã tăng kể từ khi bắt đầu xung đột. Việc này có thể trở thành vấn đề bất cứ lúc nào, đặc biệt khi nước này phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí và các khoản vay từ phương Tây, không giống như Nga."

"Ukraine hiện không có đủ khả năng thanh khoản để trả nợ trong những năm tới", ông nói. Việc này xảy ra bất chấp nền kinh tế Ukraine đang phục hồi lần đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu, tăng trưởng 5,3% vào năm 2023 sau khi giảm 28,8% trong năm đầu tiên.

"Việc không có khả năng trả nợ sẽ không thành vấn đề nếu có thể tìm được nhiều nhà đầu tư hơn để trang trải khoản nợ đó", Drozdz nói thêm.

'Không có khả năng Ukraine sẽ vỡ nợ vào cuối tháng 7'

Theo nhà phân tích Drozdz, Ukraine vốn đã ở trong tình trạng nợ phức tạp trước xung đột, phải tái cơ cấu nợ tư nhân vào năm 2015, một năm sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Phần lớn viện trợ từ các đồng minh của Ukraine là thông qua khí tài chiến tranh và các quỹ dành riêng chứ không phải tiền mặt. Drozdz cho biết, điều quan trọng là hầu hết hỗ trợ tài chính cho Ukraine là việc thực hiện viện trợ đã tuyên bố trước đó, "vì những cam kết hỗ trợ mới hầu như đã không còn nữa".

"Điều này có nghĩa là thế giới phương Tây đang mất niềm tin vào việc Ukraine có thể hoàn thành các mục tiêu của mình, đặc biệt khi ông Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong một ngày", Drozdz nói.

The Economist đưa tin, các chủ nợ nghi ngờ về kế hoạch tái thiết lâu dài của Ukraine trong trường hợp chiến thắng trước Nga, mà bản thân điều này vốn không được đảm bảo.

Tờ báo cho biết thêm, mặc dù việc tái cơ cấu sẽ cho phép Ukraine tái gia nhập thị trường tài chính sau khi chiến sự kết thúc và các đồng minh của nước này sẽ xóa nợ, nhưng vẫn chưa chắc chắn về thời điểm việc đó xảy ra.

"Không có khả năng Ukraine sẽ vỡ nợ vào cuối tháng 7", Marko Papic - chuyên gia của công ty nghiên cứu đầu tư BCA Research có trụ sở tại Canada - nói với Newsweek. "Đó sẽ là sự mất mặt đối với phương Tây, ngay cả khi việc vỡ nợ chính thức thực sự có thể là một biện pháp hữu ích để cơ cấu lại các nghĩa vụ chủ quyền của Kyiv."

Tuy nhiên, với việc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra và viễn cảnh ông Donald Trump - người muốn cắt viện trợ cho Kyiv - có thể đánh bại đương kim Tổng thống Joe Biden, chuyên gia Papic nói: "Có khả năng Washington sẽ gây áp lực lên các tổ chức quốc tế - chẳng hạn như IMF - và các trái chủ tư nhân."

Chuyên gia: Ukraine vỡ nợ khiến phương Tây mất mặt, Mỹ có thể gây áp lực lên chủ nợ- Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko tại Hội nghị tái thiết Ukraine 2024, được tổ chức vào ngày 11/6 tại Berlin, Đức. Ảnh: Getty

Tờ Ukrainska Pravda đưa tin, Bộ Tài chính Ukraine đang tiếp tục đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu châu Âu về việc tái cơ cấu, đặc biệt là xóa một phần nợ. Một nhóm gồm các trái chủ nước ngoài, bao gồm các công ty đầu tư BlackRock và Pimco của Mỹ, có thể thúc giục Ukraine tiếp tục thanh toán lãi cho khoản nợ của mình vào năm tới.

Tờ Financial Times đưa tin vào tháng trước rằng, một lựa chọn khác cho Ukraine là tìm kiếm mức giảm 40% từ các trái chủ để "tương xứng với kỳ vọng của thị trường".

"Cuối cùng, việc Ukraine vỡ nợ có thể là điều không thể tránh khỏi", chuyên gia Papic nói. "Việc tái cơ cấu có trật tự các khoản nợ của nước ngày có thể là con đường đúng đắn phía trước."

"Tuy nhiên, giữa một cuộc chiến vừa là tiền tuyến truyền thông chống lại Nga vừa là chiến tranh theo nghĩa đen, một vụ vỡ nợ sẽ làm mất đi thiện chí của những người ủng hộ phương Tây trong việc tiếp tục hỗ trợ [Ukraine] trong cuộc xung đột", Papic nói.


Theo Hữu Hiển

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên