MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia ung bướu: "Bí quyết" 1 cần, 2 không, 1 ít "chặn đứng" căn bệnh ung thư nguy hiểm

18-05-2020 - 23:45 PM | Sống

Ung thư gan là căn bệnh hiện đang có tỷ lệ mắc cao nhất tại Việt Nam. Đây là một trong những căn bệnh ung thư nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được.

Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta trong năm 2018 với 25.335 trường hợp và đặc biệt tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh.

Nguyên nhân tỷ lệ tử vong của ung thư gan cao là do bệnh nhân thường tới viện khi ở giai đoạn muộn.

 Chuyên gia ung bướu: Bí quyết 1 cần, 2 không, 1 ít chặn đứng căn bệnh ung thư nguy hiểm - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho hay, tỷ lệ ung thư biểu mô tế bào gan (Hepato-cellular Carcinoma) có thể phòng ngừa được nếu ghi nhớ 3 điều sau: tiên phòng vắc xin viêm gan B - không ăn đồ mốc, ôi thiu - ít rượu bia.

1. Tiêm phòng viêm gan virus B

Tại Việt Nam ung thư gan cao có liên quan tới viêm gan B. Ung thư gan ở người có virus viêm gan cao hơn gấp 200 lần so với người không bị viêm gan.

Bác sĩ Thịnh cho biết, Tần suất HBsAg ở ung thư gan lên tới 6-20 lần dân số nói chung (Châu Á 60-80%). Nguyên nhân là do protein X trên genome virus B có vai trò trong đột biến gây ung thư. Trên thế giới những vùng dịch tễ nhiễm virus viêm gan B cao thì cũng có tần suất ung thư gan cao.

Viêm gan virus gây ung thư gan qua 2 cơ chế: trực tiếp và gián tiếp qua trung gian xơ gan.

Ngoài viêm gan virus B, thì viêm gan virus C cũng là một trong những yếu tố nguy cơ của căn bệnh ung thư gan. Các nghiên cứu về sinh học phân tử, sử dụng RT-PCR, đã cho phép phát hiện ARN của virus C trong 50-70% huyết thanh và trong 55-100% tổ chức gan ở những bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan không có HBsAg.

"90% ung thư gan liên quan với virus C xuất hiện trên một nền gan xơ. Những bệnh nhân ung thư gan có Anti-HCV dương tính (có hoặc không có HBsAg) thường có các thương tổn gan nặng hơn (70% xơ gan, trong đó 60-70% thuộc Child B hoặc C) so với những bệnh nhân chỉ có HBsAg dương tính (50% xơ gan, trong đó 65% thuộc Child A) và gan thường có nhiều khối u hơn", bác sĩ Thịnh nói.

Bác sĩ Thịnh khuyến cáo, việc tiêm phòng vắc xin virus viêm gan B sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh ung thư gan. Đối với viêm gan C hiện chưa có vắc xin phòng ngừa nhưng có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.

2. Không ăn thực phẩm mốc, ô thiu

Thực phẩm mốc, ôi thiu có thể nhiễm độc tố aflatoxin B1 (được tiết ra từ nấm Aspergillus), thường gặp trong đậu phụng mốc đã được chứng minh là chất gây ung thư gan ở chuột, gia cầm.

Bác sĩ Thịnh lý giải, vai trò sinh ung thư có lẽ qua trung gian chất chuyển hóa là Epoxide gắn vào các acid nucleic và thay đổi sự sao mã ADN. Từ quá trình chuyển hóa đó có thể sinh ra đột biến tổn thương gan và xuất hiện tế bào lạ.

Không ăn thực phẩm mốc, ô thiu là các chúng ta đang bảo vệ cho tế bào gan và ngăn ngừa được căn bệnh ung thư gan.

3. Ít uống rượu

Bia rượu thường xuyên là nguyên nhân quan trọng của xơ gan. Xơ gan do rượu chiếm khoảng 15% các trường hợp mắc HCC. Tác hại của rượu bia là làm tổn thương các tế bào gan, gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan.

Bác sĩ Thịnh cho hay, rượu đã đã chứng minh có thể làm thúc đẩy quá trình sinh ung thư.

Ngoài ra, một số yếu tố có liên quan tới ung thư gan có thể kể tới như: nội tiết tố nam Androgen, thuốc ngừa thai uống, hóa chất (Thorotrast), ký sinh trùng (Schistosoma japonicum, Sch. mansoni, clonorchis sinensis), thiếu alpha 1-antitrypsin, nhiễm huyết thiết tố (Hémechromatose).

Ung thư gan hoàn toàn có thể phát hiện quan siêu âm. Để phát hiện ung thư sớm người dân nên đi siêu âm gan 1-2 lần/năm. Không nên đợi gan có triệu chứng khi đó mới đi kiểm tra thì ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Với người có virus viêm gan cần kiêng rượu bia khám định kỳ, điều trị thuốc theo dõi bệnh viêm gan và đi siêu âm, xét nghiệm máu… tại cơ sở chuyên sâu về ung bướu và truyền nhiễm 2 -3 lần/năm.

Theo Ngọc Minh

Tổ quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên