Chuyên gia VCCI kiến nghị công khai thêm từ khâu tính chi phí giá điện
"Tôi tham gia vào đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm của EVN, việc kiểm tra tôi đánh giá là khá nghiêm túc", ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI nói.
- 30-05-2019Thảo luận ở Quốc hội: Nắng nóng một số nước giảm giá điện cho dân thì sao không thấy ai so sánh?
- 29-05-2019Giá xăng dầu và giá điện tăng cao, tại sao CPI không nhảy vọt?
- 24-05-2019Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc: Sẽ kiểm toán giá điện nếu được yêu cầu
Nên công khai thêm từ khâu tính chi phí giá điện
Câu chuyện giá điện, tăng giá điện tiếp tục "nóng" tại nghị trường Quốc hội trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội và đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin cụ thể, chi tiết hơn trong phần giải trình chiều qua (31/5).
Xoay quanh câu chuyện về giá điện thời gian qua, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện tại, quy định về cách tính giá điện đã có, thể hiện trong Quyết định của Thủ tướng liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện. Bộ Công Thương cũng đã có thông tư quy định tương đối rõ về cách tính giá điện cho nên dư luận cũng có nhiều điểm khá hiểu lầm về giá điện, thậm chí không tìm hiểu các quy định ấy để đọc. Bởi nếu họ đọc thì sẽ thấy rằng rất nhiều thứ đã được giải quyết ngay. Ví dụ việc có tính đầu tư ngoài ngành đầu tư vào giá điện không thì trong công thức tính đã nói rất rõ là Không.
"Nói chung, công thức tính giá điện khá là rõ ràng so với những gì dư luận đang có ý kiến. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một điều rằng không phải ai đọc cũng hiểu công thức tính ấy. Đó là thứ tương đối khó hiểu với quảng đại quần chúng, phải có một chút kiến thức về mặt kế toán và hiểu về ngành điện một chút. Đó là về công thức tính giá”, ông Đức nói.
Về hoạt động của đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm, ông Đức đánh giá, việc kiểm tra khá nghiêm túc. Các số liệu đó dựa trên báo cáo của Công ty kiểm toán Deloite – một trong 4 hãng kiểm toán hàng đầu thế giới. Đoàn kiểm tra chỉ xác định có khoản nào không phù hợp được tính vào giá điện hay không; hay các mục có chuẩn không. Những năm vừa qua, Công ty kiểm toán Deloite cũng đã vào làm, họ có báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm trên báo cáo ấy, rằng những con số đó là chính xác và Deloite đảm bảo rằng họ làm đúng nghiệp vụ kiểm toán trong quá trình đó.
“Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra trong 2-3 tuần, ở Hà Nội và đi một vài địa phương. Mỗi đợt kiểm tra tập tài liệu đoàn kiểm tra nhận được phải dày chừng 10 cm, tương đối nhiều thông tin con số chi tiết. Thậm chí chi tiết đến mức từng khoản vay một sẽ có bảng thống kê chi phí lãi vay là bao nhiêu; chi phí mua điện của từng nhà máy… Ngay cả những bản kê chi tiết của từng công ty cũng được cung cấp như chi phí nhân công là bao nhiêu, tiền ăn ca là bao nhiêu”, ông Đức cho hay.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Cũng theo ông Đức, có rất nhiều điểm ngành điện đã công khai minh bạch, đặc biệt công thức tính đã rất công khai mà nhiều người vẫn không đọc công thức tính, thậm chí đọc không hiểu xong vẫn nói công thức tính là có vấn đề.
"Đây là điều tôi cho rằng cần giải thích rõ. Nhưng tôi thừa nhận vẫn còn không gian để minh bạch hơn rất nhiều. Cho nên tôi kiến nghị nên công khai thêm từ khâu tính chi phí giá điện đến việc quyết định giá điện này nữa. Bởi các phương án giá hiện tại vẫn là Mật. Danh mục của ngành Công thương vẫn coi phương án giá điện là mật. Đợt rồi công bố dự thảo sửa đổi danh mục ngành Công Thương cũng vẫn giữ nguyên điều này", ông Đức chia sẻ quan điểm.
Một đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ông ông Franz Gerner, trưởng nhóm chuyên gia năng lượng khi đánh giá về ngành điện Việt Nam cũng cho biết, EVN đã cung cấp cho ngân hàng và các cổ đông khác báo cáo tài chính hàng năm được lập theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế thuộc Big4 trước ngày 30/6 hàng năm. Chất lượng báo cáo này được Ngân hàng Thế giới chấp nhận.
Mua điện qua Facebook, Zalo
Dưới góc độ là khách hàng của EVN, ông Nguyễn Minh Đức đánh giá, dịch vụ hậu mãi chăm sóc khách hàng của ngành điện là tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Đồng thời, theo chia sẻ của các doanh nghiệp mua điện, yếu tố dịch vụ điện, tỷ lệ mất điện là tốt hơn rất nhiều so với trước đây.
Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy, có đến 9,6 triệu khách hàng được ngành điện tiếp nhận yêu cầu mua điện sinh hoạt qua các hình thức trực tuyến. Trong đó, có khoảng gần 8 triệu yêu cầu( 82,3%) được tiếp nhận gián tiếp qua các kênh như Zalo, Facebook, cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, các website chăm sóc khách hàng... Chỉ còn lại 17% yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận trực tiếp tại các Phòng Giao dịch.
Ông Lê Quang Thái, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVN NPC) cho biết, do địa bàn quản lý phần lớn là khu vực nông thôn, miền núi, tỷ lệ người dân dùng máy tính chưa nhiều, do vậy, việc đa dạng các kênh tiếp nhận dịch vụ sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có nhiều lựa chọn.
“Từ tháng 4/2018, chúng tôi đã chính thức cung cấp dịch vụ qua việc Chat Online với khách hàng trên các kênh Zalo, Facebook, WebChat... đồng thời, nâng cấp ứng dụng trên các thiết bị điện thoại thông minh”, ông Thái nói.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cũng cho biết, từ cuối tháng 12/2018, EVN đã chính thức cung cấp các “dịch vụ điện trực tuyến” cấp độ 4 - cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ.
BizLive