Chuyên gia VNDirect: Lãi suất hạ nhiệt, nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục sang nhóm tăng trưởng cao trong nửa sau 2023
Chuyên gia VNDirect dự báo quý I năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ tăng trưởng dưới 5%, mức thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 30% lợi nhuận của quý I/2022.
Mùa báo cáo KQKD quý 1 đang diễn ra với những dự báo không thực sự lạc quan cho thị trường. Dù vậy, những thông tin lợi nhuận doanh nghiệp phần nào đã được phản ánh vào diễn biến thị trường trong những tháng qua.
Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT đã có những đánh giá về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: Thời điểm kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2023 đang dần được hé lộ. Bà đánh giá như thế nào về quý I của các doanh nghiệp năm nay?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT
Hầu hết các doanh nghiệp đều đã lường trước được rằng quý I/2023 là một quý khá khó khăn đối với nền kinh tế nói chung cũng như đối với các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Chúng ta đã thấy, tăng trưởng GDP của quý I năm nay chỉ đạt khoảng 3,3%, trong khi ban đầu chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP đạt gần 5% trong quý I/2023, như vây là bức tranh kinh tế thực tế còn khó khăn hơn so với dự báo của chúng tôi. Trong khi đó, Mỹ và Châu Âu, những đối tác thương mại chính của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng của các khu vực này đều giảm khá mạnh trong quý I.
Mặc dù lãi suất đang có xu hướng đi xuống nhưng nhìn chung so với nền của quý I năm ngoái nhưng rõ ràng lãi suất của chúng ta vẫn ở một mức khá cao, hơn từ 1% - 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tỷ giá của Việt Nam đồng so với USD mặc dù có xu hướng giảm nhiệt từ kể từ tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên so với quý I năm trước vẫn cao hơn từ 2% - 5%.
Trong nước, hoạt động sản xuất bị chậm lại, những doanh nghiệp thuộc khu vực bất động sản hay xây dựng gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam trong quý I giảm đi khá rõ. Những yếu tố này đã tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chúng tôi dự báo quý I năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ tăng trưởng dưới 5%, vào khoảng từ 2% cho đến 3%, mức thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 30% lợi nhuận của quý I/2022.
Theo bà, trong quý I vừa qua, các nhóm ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất và có kết quả kinh doanh kém hơn cả?
Những ngành phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như dệt may, đồ gỗ hoặc hóa chất sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn. Bên cạnh đó, một số ngành có sự tăng trưởng tốt trong năm ngoái như dầu khí trong năm nay với việc giá dầu thấp hơn thì ngành dầu khí có thể tăng trưởng âm. Tuy nhiên, vẫn có những ngành giữ được đà tăng trưởng như ngân hàng, có thể vẫn đạt mức tăng trưởng trên hai con số, từ 10% - 15%. Bên cạnh đó, những ngành như ngành hàng không, với lượng hành khách hàng không tăng gấp nhiều lần so với quý I năm trước sẽ tăng trưởng tốt. Ngoài ra, đầu tư công cũng là ngành sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh giải ngân. Bên cạnh đó, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng có thể ghi nhận tăng trưởng dương.
Nếu tính nhóm vốn hóa lớn, vừa và nhỏ thì nhóm nào bị ảnh hưởng nặng nề hơn, vì sao?
Nếu xét về quy mô của các doanh nghiệp, rõ ràng đối với các doanh nghiệp lớn, sức khỏe tài chính vững mạnh cũng như có quy mô về sản xuất kinh doanh, họ sẽ tận dụng được lợi thế ở thời điểm này để mở rộng thị phần và dễ dàng vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh chung khó khăn chung của ngành thép thì Hòa Phát cũng là doanh nghiệp có thể tận dụng được thời điểm khó khăn để tiếp tục tăng thị phần trong năm 2022, thêm khoảng 2% lên mức gần 33%. Có thể nói các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn sẽ có sức chống chọi tốt hơn trong bối cảnh khó khăn. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ
do quy mô vốn ít và sử dụng đòn bẩy lớn nên yếu tố ảnh hưởng đến nhóm này nhiều nhất đó chính là lãi suất. Trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn khi chi phí vốn tăng lên.
Trong quý I lãi suất vẫn đang ở mức cao, nhưng đến thời điểm này lãi suất trong nước có phần hạ nhiệt, vậy theo bà trong thời gian tới tình hình các doanh nghiệp sẽ “ dễ thở” hơn?
Gần đây, một số ngân hàng trung ương, chẳng hạn như Úc hoặc Singapore đã thể hiện việc sẽ tạm ngưng tăng lãi suất cũng như suy nghĩ về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đi trước một bước. Bởi chúng ta có dư địa, có cơ sở để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ việc phục hồi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời điểm này, chính sách và lãi suất đều đang có xu hướng đảo chiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng vào tháng 5 năm nay, dự báo FED sẽ có đợt tăng lãi suất cuối cùng và sau đó thì lãi suất có thể giữ nguyên và sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm 2023, như vậy lúc đó, lãi suất của Việt Nam của chúng ta sẽ hạ nhiệt đáng kể từ cuối quý 2 năm nay. Tuy nhiên, lãi suất dù giảm nhưng khó có thể quay trở lại như mặt bằng trước thời điểm tăng lãi suất.
Chúng tôi cho rằng, bước sang quý 2, bức tranh lợi nhuận có thể cải thiện hơn, khi lợi nhuận của các doanh nghiệp và một số ngành có tác động lớn đến thị trường chứng khoán như bất động sản, xây dựng hoặc ngành thép sẽ cải thiện hơn sẽ giúp lợi nhuận quý II/2023 của toàn thị trường cải thiện lên mức 6% - 8 % và bước sang nửa sau của năm 2023, mức tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường sẽ lên đến 2 con số từ 14% - 16%.
Theo bà, thị trường sẽ diễn biến ra sao với bối cảnh phân tích ở trên?
Như tôi đã phân tích ở trên, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ có xu hướng tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt là một số nhóm ngành có tác động lớn đến thị trường chứng khoán như thép hay là bất động sản, quý III, quý IV/2023 của năm nay sẽ là thời điểm ghi nhận sự tăng trưởng tốt hơn về lợi nhuận.
Ngoài ra, yếu tố Trung Quốc mở cửa hiện nay có thể chưa tác động nhiều đến nền kinh tế của chúng ta cũng như chưa tác động đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta đã biết, nền kinh tế Trung Quốc đang có những thay đổi khá rõ ràng, tăng trưởng tín dụng hay nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc đang quay trở lại. Đặc biệt là những hoạt động du lịch đi lại của Trung Quốc sẽ có tác động khá lớn đối với một số ngành kinh tế của Việt Nam. Việc Trung Quốc phục hồi rõ nét hơn sẽ tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, cũng như thị trường chứng khoán trong nửa sau của năm 2023.
Vậy các nhà đầu tư nên tiếp tục chiến lược như thế nào với thị trường?
Ở thời điểm này tôi vẫn ưa thích những cổ phiếu hay những doanh nghiệp đầu ngành, có tỷ lệ đòn bẩy thấp cũng như là có quy mô lớn, hoạt động trong những ngành có nhiều lợi thế, có khả năng mở rộng thị phần hoặc các cổ phiếu có chi trả tỷ lệ cổ tức cao…
Bước sang nửa sau của năm 2023, tôi cho rằng đấy là thời điểm các nhà đầu tư cũng có thể chuyển đổi danh mục của mình sang những cổ phiếu có tính chất tăng trưởng cao hơn, trong bối cảnh lãi suất bắt đầu hạ nhiệt.
Nhịp Sống Thị Trường