MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Vũ Thế Thành nói về hạn sử dụng thực phẩm: "Thật nhức nhối khi nghĩ đến 925 triệu người thường xuyên bị đói"!

09-07-2020 - 16:59 PM | Sống

Điều đáng tiếc là, người tiêu dùng thường hiểu lầm "Dùng tốt nhất trước ngày" theo nghĩa, sau "đát" này là vứt đi, dẫn đến sự lãng phí khủng khiếp. Hàng năm cả vài trăm triệu tấn thực phẩm bị vứt sọt rác vì hiểu lầm như thế.

PV: Bà nội trợ Việt Nam khi đi mua hàng, hình như không chú ý lắm đến nhãn sản phẩm, ngoài việc trên đó có ghi tên sản phẩm. Có lẽ vì thế mà thưa ông, chúng tôi không rành lắm về việc đọc nhãn thực phẩm.

Ông có thể "mách" những người nội trợ như tôi, khi nhìn vào nhãn sản phẩm thì nên ưu tiên chú ý thông tin gì trước khi mua?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có nhiều thông tin trên nhãn thực phẩm, thông tin về dinh dưỡng, ăn kiêng, ngọt mặn, chất gây dị ứng… Nhưng nói chung có hai thông tin quan trọng mà người tiêu dùng cần ưu tiên lưu ý trước khi quyết định mua thực phẩm đó. Đó là hạn sử dụngcách bảo quản.

PV: Hạn sử dụng có phải là ngày hết hạn không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có thể hiểu là như thế. Ngày hết hạn (expiry date) được hiểu là sau  ngày đó tháng đó năm đó, không được sử dụng sản phẩm đó nữa. Luật pháp yêu cầu phải ghi trên nhãn ngày sản xuất và ngày hết hạn, nhưng người tiêu dùng chỉ cần chú ý đến ngày hết hạn là đủ rồi.

Về nguyên tắc các ngày này phải ghi trên nhãn sản phẩm, nhưng do công nghệ đóng gói, có khi nhà sản xuất ghi trên cổ chai, ở mép bao bì, in mực, in nổi, in chìm... nên đôi khi hơi khó tìm một chút, nhưng chắc chắn là có.

PV: Nếu chỉ cần chú ý đến ngày hết hạn thì ghi thêm ngày sản xuất như thế thì rườm rà, người tiêu dùng dễ bị nhầm?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Bạn nên mua thực phẩm càng gần với ngày sản xuất càng tốt. Nếu không ghi ngày sản xuất làm sao bạn biết gần với xa. Đó là về mặt tiện ích đối với người tiêu dùng.

Còn về mặt quản lý, thì phải có ngày sản xuất cơ quan kiểm tra mới truy gốc được, nếu sản phẩm có vấn đề về an toàn.

Chuyên gia Vũ Thế Thành nói về hạn sử dụng thực phẩm: Thật nhức nhối khi nghĩ đến 925 triệu người thường xuyên bị đói!  - Ảnh 1.

Do công nghệ đóng gói, có khi nhà sản xuất ghi trên cổ chai, ở mép bao bì, in mực, in nổi, in chìm... nên đôi khi hơi khó tìm...

PV: Căn cứ vào hạn sử dụng, những thực phẩm "quá đát" là thực phẩm không còn an toàn, có thể bị hỏng, ăn vào có nguy cơ bị ngộ độc phải không, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Sản phẩm hết "đát" chưa chắc ăn vào đã bị ngộ độc.

Ghi "đát" trên nhãn thực phẩm là điều bắt buộc, nhưng cho sản phẩm thọ tới cỡ nào lại do nhà sản xuất quyết định, miễn là nằm trong khung quy định.

Nói tới quy định là nói tới pháp luật. Quy định thì không thể bao quát hết các loại thực phẩm. Thành thử có khi quy định hợp lý cho loại thực phẩm này, nhưng lại rất oái oăm với thực phẩm khác.

Tôi nêu ra vài thí dụ,

Bánh sandwich có hạn sử dụng từ 3-5 ngày. Điều này hợp lý, vì hơi ẩm dễ xâm nhập vào bánh sandwich. Ở nhiệt độ nóng bức, và ẩm độ cao như ở Miền Nam thì sandwich dễ bị nấm mốc.

Bia lon bia chai ghi thời hạn sử dụng là 12 tháng (kể từ ngày sản xuất), nhưng sau 13-14 tháng uống cũng không có vấn đề gì. Nếu nhà sản xuất muốn ghi thời hạn sử dụng là 18 tháng, thì gặp khó khăn khi công bố sản phẩm.

PV: Thế còn nước mắm thì sao? Hạn sử dụng của nước mắm thường ghi 2 năm, nhưng quá hai năm tôi thấy nước mắm không bị sao, ăn vẫn ngon.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nước mắm đúng là rơi vào trường hợp oái oăm mà tôi vừa nói đấy.  Nước mắm bán trên thị trường đều ghi thời hạn sử dụng là 2 năm.

Trong thực tế, nước mắm truyền thống có độ mặn rất cao, khoảng 25-27%, gần như mặn bão hòa, hầu như không vi khuẩn gây bệnh nào có thể sống nổi với độ mặn đó. Nếu chai còn đóng kín thì cả 4-5 năm, nước mắm cũng chưa bị sao, nghĩa là vẫn an toàn để sử dụng. Nước mắm lú (thứ thiệt) người ta còn hạ thổ cả 1-2 năm rồi mới đưa ra thị trường.

Tôi hỏi các nhà thùng, sao không nâng "đát" sản phẩm, 3-4 năm cho dễ bán. Họ nói nếu ghi "đát" trên 2 năm, "cơ quan" không cho công bố sản phẩm.

Tôi không hiểu "cơ quan" (có lẽ là Bộ Y tế), dựa trên cơ sở khoa học nào để giới hạn tuổi thọ của nước mắm là 2 năm.

Nói như thế,  tôi không có ý định xúi bạn cứ ăn bừa thực phẩm hết "đát", mà chỉ lưu ý, lỡ có nuốt phải thực phẩm quá "đát" thì cũng không nên cuống cuồng móc họng, hay lo sợ viễn vông ung thư tiêu chảy.

Lời khuyên của tôi vẫn là, nên mua thực phẩm còn trong hạn sử dụng, và càng gần ngày sản xuất càng tốt.

PV: Ông nói hạn sử dụng tuy khó tìm, nhưng chắn chắn sẽ có. Thế mà thỉnh thoảng tôi vẫn mua phải thực phẩm không tìm thấy ngày hết hạn sử dụng, như trên chai giấm ăn chẳng hạn. Có phải nhà sản xuất chai giấm đó đã phạm luật không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không phạm luật đâu, giấm ăn không buộc phải ghi hạn sử dụng. Giấm là acid acetic, chua như giấm, vi khuẩn nào sống nổi trong giấm mà gây bệnh.

Một số loại thực phẩm khác cũng không cần ghi hạn sử dụng như muối ăn, đường tinh thể, đường cát, đường phèn…Mặn quá, ngọt quá vi khuẩn gây bệnh cũng không sống nổi

Muối, đường, giấm… không phải ghi hạn dùng, nhưng phải ghi ngày sản xuất, như tôi nói ban nãy, để truy gốc khi sản phẩm có vấn đề.

Chuyên gia Vũ Thế Thành nói về hạn sử dụng thực phẩm: Thật nhức nhối khi nghĩ đến 925 triệu người thường xuyên bị đói!  - Ảnh 2.

Nước mắm có hạn sử dụng là 2 năm

PV: Thế còn rượu, có phải ghi hạn sử dụng không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: À, rượu thì không cần ghi thời hạn sử dụng, nhưng phải tự giác sử dụng… có hạn.

Tuy nhiên cũng tùy loại độ cồn của rượu. Rượu trên 10 độ cồn được miễn ghi hạn sử dụng. Rượu càng để lâu càng ngon mà.

Rượu cũng được miễn ghi ngày sản xuất luôn. Tại sao? Nghề rượu là nghề lấy rượu năm này trộn rượu năm kia, ngày sanh tháng đẻ lung tung như thế thì lấy gì mà xác định ngày sản xuất. Khó khăn này thì "cơ quan"… thông cảm

Nhưng bia phải ghi hạn sử dụng vì độ cồn chỉ khoảng 4-5 độ.

PV: Có một số nhãn thực phẩm không ghi ngày hết hạn mà lại ghi "dùng tốt nhất trước ngày" thì có phải là hạn dùng thực phẩm không, thưa ông? Loại hạn dùng này cần được hiểu thế nào?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Loại "đát" thứ nhất, đó là Hạn dùng (Use by, Expiry date), như vừa đề cập ở trên, có ghi ngày hết hạn cụ thể. Quá thời hạn này, hàng có còn an toàn hay không thì chưa biết, nhưng theo luật, hết "đát" là không được phép bày bán.

Ở các nước Âu Mỹ, loại "đát" này thường áp dụng cho những sản phẩm tươi sống, dễ hư như sữa tươi, cá thịt… Đặc biệt là sữa trẻ em, bị kiểm soát rất nghiêm ngặt về hạn dùng, vì sau ngày, dù sữa chưa hư, nhưng mức dinh dưỡng bị suy giảm. Nhưng ở Việt Nam thì áp dụng "hạn dùng" tá lả, ngay cả với nước mắm là mặt hàng không dễ gì hư hỏng.

Loại "đát" thứ hai, đó là, Dùng tốt nhất trước ngày (Best before, Best by). Đấy là câu bạn hỏi.

"Đát" này liên quan đến chất lượng, dinh dưỡng, cảm quan,…, chứ không liên quan đến an toàn thực phẩm, và thường được dùng cho thực phẩm đông lạnh, hàng khô, đồ hộp,…

Đây chỉ là khuyến cáo của nhà sản xuất. "Đát" Best before cũng phải ghi ngày cụ thể. Sau ngày này, sản phẩm có thể, tôi nhấn mạnh là có thể,  không còn ngon như trước hạn, mức dinh dưỡng có thể suy giảm, màu sắc, mùi vị có thể biến đổi đôi chút, nhưng vẫn an toàn để sử dụng.

Thực phẩm quá hạn "Dùng tốt nhất trước ngày" vẫn được phép bày bán.

PV: Như vậy những thực phẩm ghi là "best before", "best by", nếu có lỡ để quá ngày ghi trên nhãn thì thực phẩm vẫn ăn được, không lo bị ngộ độc?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đúng như vậy, nhưng với điều kiện, tôi nhấn mạnh, thực phẩm đó phải được bảo quản đúng với hướng dẫn ghi trên nhãn sản phẩm, chẳng hạn, khô cá dứa phơi một nắng, ghi "best before" 01 năm, yêu cầu bảo quản đông lạnh (ở ngăn đá), mà lại để ở ngăn mát 3-4 độ C, thì chỉ sau một tháng, khô cá dứa sẽ bị hư thối.

Điều đáng tiếc là, người tiêu dùng thường hiểu lầm "Dùng tốt nhất trước ngày" theo nghĩa, sau "đát" này là vứt đi, dẫn đến sự lãng phí khủng khiếp. Thử tưởng tượng, cà phê, tôm khô, mì khô, tiêu, hạt củ sấy khô, trà, nhất là đồ khô (có hàm lượng chất béo ít) mà ghi "đát" theo kiểu "Dùng tốt nhất trước ngày", hết "đát" vứt bỏ thì lãng phí thế nào. Hàng năm cả vài trăm triệu tấn thực phẩm bị vứt sọt rác chỉ vì hiểu nhầm như thế.

Thật nhức nhối khi nghĩ đến con số 925 triệu người thường xuyên bị đói (theo FAO, 2010), xét về mặt nhân đạo. Đó là chưa kể đến hệ lụy về môi trường.

Bộ trưởng Nông nghiệp các nước châu Âu đã nhóm họp vào tháng 5/2014 để thảo luận về những đề xuất của các chuyên gia về sự lãng phí này. Họ cũng kêu gọi các nước thành viên bãi bỏ ghi nhãn "Best before" với những thực phẩm có tuổi thọ dài, và đẩy mạnh truyền thông cho người tiêu dùng hiểu biết hơn về "đát" thực phẩm.

Chuyên gia Vũ Thế Thành nói về hạn sử dụng thực phẩm: Thật nhức nhối khi nghĩ đến 925 triệu người thường xuyên bị đói!  - Ảnh 3.

Loại "đát" Dùng tốt nhất trước ngày... (best before)

PV: Ở trên ông có nói, khi đọc nhãn thực phẩm, người tiêu dùng cần chú ý trước hết đến hạn sử dụng và cách bảo quản. Cách bảo quản được nhắc đến ở đây, theo ý ông là lưu ý khi mua hàng, hay mua hàng rồi, mang về tới nhà rồi mới phải chú ý bảo quản theo đúng như hướng dẫn?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Cả hai. Bảo quản ở nơi bán, và cả bảo quản ở nhà sau khi mua về.

Nói cho đúng hơn, phải bảo quản sản phẩm từ ngay sau khi sản xuất, đóng gói, vận chuyển và nơi bán. Hãng sản xuất và các dịch vụ liên quan phải chịu trách nhiệm.

Còn người tiêu dùng phải bảo quản từ sau khi mua. Đi siêu thị, nếu mua hàng dễ hỏng như sữa tươi chẳng hạn, thì không nên la cà, nên về nhà càng sớm càng tốt, và bảo quản theo hướng dẫn

Cũng là chuyện sữa tươi,  hướng dẫn ghi trên nhãn yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ 0-2 độ C (nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh), mà chai sữa hay bịch sữa bày bán lại để khơi khơi ở nhiệt độ thường, thì dù sữa chưa hết "đát" , bạn cũng không nên mua.

Cần lưu ý rằng,  thực phẩm hết "đát" chưa chắc đã hỏng, ngược lại, thực phẩm còn "đát" chưa chắc đã an toàn.

Vấn đề ở đây là chuyện bảo quản có đúng hay không, nhất là với thịt cá tươi ướp lạnh, xúc xích, patê, phó mát, jambon, chả lụa,… Bảo quản không đúng thì còn "đát" cũng như hết "đát", có khi còn "đát" lại tệ hơn.

Dĩ nhiên tôi đang nói đến thực phẩm còn trong bao bì kín, chưa khui. Nếu khui rồi hay bị thủng thì phải dùng ngay, nếu có đậy kín lại, rồi bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ còn được khoảng vài ngày tùy loại thực phẩm.

Đi siêu thị mua hàng, gặp bao bì thủng, thủng to hay nhỏ đều nên lắc đầu, nhất là với đồ hộp bị phồng, phồng nhiều hay ít, phải dứt khoát nói không. Khí gì phát sinh làm phồng? Chắc chắn là có trục trặc ở khâu sản xuất rồi.

PV: Cảm ơn ông về những trao đổi về hạn dùng thực phẩm. Tuy nhiên, tôi thấy trên nhãn thực phẩm còn rất nhiều thông tin, ví dụ thông tin dinh dưỡng, ăn kiêng, mặn ngọt, chất gây dị ứng… và nhất là phụ gia dùng trong thực phẩm, gây hoang mang không ít cho người tiêu dùng. Hy vọng, chúng ta sẽ lại tiếp tục quay lại chủ đề đối thoại này, ở những bài sau, và với từng loại sản phẩm cụ thể.


Theo Bích Hiền (thực hiện)

Tổ quốc

Trở lên trên