MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Vụ việc mì Hảo Hảo bị thu hồi, người tiêu dùng cứ tiếp tục... ăn mì gói

28-08-2021 - 19:16 PM | Thị trường

Người tiêu dùng nên bình tĩnh, lắng nghe ý kiến của giới chuyên môn và kết quả kiểm tra an toàn.

PV: Sự kiện mì Hảo Hảo bị thu hồi ở Ireland vì có chứa chất Ethylene Oxide đang rất gây chú ý của dư luận trong nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay, sản phẩm mì gói được sử dụng rất nhiều trong cứu trợ cho người dân vùng dịch... Nhiều người hoang mang vì nghe nói đây là chất gây ung thư. Độ độc hại của chất này như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ethylen Oxide là chất khí, và đúng là chất gây ung thư, chủ yếu qua đường hô hấp (hít thở). Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) khẳng định điều này. Tiếp xúc thường xuyên với ethylen oxide có thể gây kích ứng da, mắt mũi, cuống họng, phổi, gây tổn thương não và hệ thần kinh, và sau cùng có thể gây ung thư cho người.

Còn nhiễm qua đường tiêu hóa, nghĩa là qua thực phẩm, thì chất ethylen oxide có gây ung thư hay không, chưa được xác định rõ ràng.

PV: Chưa được xác định rõ ràng sao châu Âu lại cấm, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Dù chưa có bằng chứng về tiêu thụ thực phẩm chứa ethylen oxide có thể gây ung thư, nhưng nhiều thí nghiệm trên động vật cho thấy ethylen oxide có thể gây ngộ độc gen. Đụng tới gen là phiền rồi. Khoa học khó tính, nên "tiên hạ thủ vi cường", cấm sử dụng luôn cho chắc ăn.

Thật ra, không chỉ ethylen oxide mới có vấn đề, mà những chất chuyển hóa từ nó cũng thế. Nếu ethylen oxide có mặt trong thực phẩm, nó có thể chuyển hóa thành những chất khác, "chộp" cả clor của thực phẩm để tạo ra hợp chất clor hữu cơ, còn độc "dữ dằn" hơn. Nên Châu Âu cấm ethylen oxide ngay từ đầu luôn cho tiện.

Châu Âu xếp ethylen oxide vào nhóm 1B tương ứng về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và ở loại 3 về độc tính cấp tính.

PV: Chất ethylen oxide có công dụng thế nào trong chế biến thực phẩm? Và sao lại gọi nó là thuốc trừ sâu? Chẳng lẽ lại dùng thuốc trừ sâu vào thực phẩm?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ethylen oxide không phải là phụ gia thực phẩm để đưa vào chế biến. Trong thực tế, nó dùng để phun vào nông sản như các loại hạt, đậu để diệt khuẩn và nấm mốc. Vì ethylen oxide diệt khuẩn Salmonella (khuẩn gây tiêu chảy, thương hàn) tuyệt hảo, nên cũng được dùng để diệt khuẩn trong các loại gia vị như bột tiêu, bột nghệ, bột gừng, ớt khô, mè, các gói gia vị hỗn hợp…, hoặc các loại bánh có hạt như hạt điều, hạt óc chó, hạt dẻ…

Còn vì sao lại gọi ethylen oxide là thuốc trừ sâu thì tôi… chịu. Nó có diệt được sâu, được rầy hay không thì tôi chưa nghe nói, nhưng diệt khuẩn và nấm mốc thì dư sức.

Ethylen oxide cũng có thể nhiễm vào thực phẩm một cách gián tiếp. Ethylen oxide dùng làm nguyên liệu để sản xuất ra một số loại nhựa như nhựa PE, PET trong bao bì chứa thực phẩm hoặc các chất chống đông, chống vón... Do đó có thể gây nhiễm ethylen oxide, thường là dạng vết.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Vụ việc mì Hảo Hảo bị thu hồi, người tiêu dùng cứ tiếp tục... ăn mì gói - Ảnh 1.

Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide.

PV: Đại diện Acecook Việt Nam khẳng định, họ không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất cứ công đoạn sản xuất nào. Vậy vì sao Ethylene Oxide lại có mặt trong mì ăn liền?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi cũng thấy không có lý do nào để dùng ethylen oxide trong sản xuất mì gói, không chỉ riêng Acecook, mà các hãng mì gói khác trong nước cũng thế.

Có thể do nhiễm ethylen oxide ngay từ nguồn nguyên liệu đặt mua từ bên ngoài như bột tiêu hành ớt tỏi… gì đó. Xin nhấn mạnh, tôi không chắc chắn từ gói gia vị, vì Acecook còn đang trong quá trình kiểm tra lại quy trình của họ.

Acecook là công ty lớn, quy trình kiểm soát chất lượng rất tốt, hồ sơ ghi chép đầu vào, đầu giữa, đầu ra còn lưu đầy đủ. Họ cần thời gian để kiểm tra, phân tích lại nguyên liệu để xác định nguyên nhân. Sau khi có kết quả, tôi hy vọng Acecook sẽ minh bạch mọi vấn đề. Lúc đó sẽ rõ thực hư.

Có điều, tôi khó hiểu với cách làm việc của cơ quan chức năng trong nước. Thông báo của Bộ Công thương, đầy những cụm từ nào là chỉ đạo phối hợp, rà soát, kiểm tra xác minh, làm rõ quy trình sản xuất, xác định các vi phạm… nghe hơi hình sự. Thay vào đó, cần phối hợp với nhà sản xuất để tìm rõ nguyên nhân? Nếu sai phạm, thì là lỗi cố tình hay vô ý?

Ngoài ra, vấn đề là làm thế nào để khuyết điểm đó không xảy ra trong tương lai, không chỉ với Acecook mà còn với các doanh nghiệp khác có cùng chủng loại sản phẩm cũng có thể rút kinh nghiệm được

Phải biết rằng, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, dù hiện đại đến đâu, cũng phải đương đầu với rủi ro an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm nào là hoàn hảo cả, chỉ có thể giúp làm giảm rủi ro thôi.

Và việc kiểm tra an toàn thực phẩm là chuyện thường xuyên, chứ không bốc đồng theo vụ việc.

Ngay vụ 268 tấn hạt mè nhập từ Ấn Độ xảy ra ở Bỉ hồi năm ngoái (2020), phát hiện có dư lượng ethylen oxid lên gấp 1.000 tới 3.500 lần so với mức cho phép. Khoảng 50% số lượng hạt mè này có giấy chứng nhận nông sản hữu cơ do tổ chức đánh giá ở châu Âu cấp.

PV: Trong thông báo đăng trên website, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho rằng, Ethylene Oxide có thể không gây độc cấp tính, nhưng việc sử dụng sản phẩm có chứa Ethylene Oxide trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khoẻ. Xin ông cho biết, trong trường hợp sử dụng lâu dài và thường xuyên, nguy cơ của chất này đến đâu?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đúng là ethylen oxide trong thực phẩm không gây ngộ độc cấp tính. Còn về lâu dài có hại hay không vẫn là dấu hỏi. Như tôi đã nói ở trên, châu Âu chơi bài "tiên hạ thủ vi cường"…

PV: Nhiều người lo ngại về sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu còn không đảm bảo chất lượng, thì liệu sản phẩm trong nước sẽ thế nào… Nói rộng ra, quy định về an toàn thực phẩm của nước ta so với các nước khác có thấp hơn không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ethylen oxide không phải là phụ gia thực phẩm, nên không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm là điều không tranh cãi gì nữa.

Nhưng còn dùng ethylen oxide để khử khuẩn nông sản, gia vị… thì sao? Hiện nay chỉ có châu Âu, Mỹ và Canada cấm tiệt, nhưng hầu hết các nước khác lại cho phép. Việt Nam nằm trong số này.

Ireland thuộc châu Âu. Acecook xuất mì gói và miến gói sang Ireland bị "thổi còi" vì vi phạm luật chơi của Châu Âu về ethylen oxide. Còn mì gói Hảo Hảo ở Việt Nam, không có giới hạn về ethylene oxide thì khó lòng bắt bẻ kẽ hở về an toàn.

Quy định về an toàn thực phẩm ở mỗi quốc gia khác nhau, tùy vào đặc tính tiêu dùng của dân bản địa, khả năng kiểm soát… Rất khó so sánh để nói luật an toàn quốc gia này gắt hơn luật quốc gia kia, rồi kết luận là nước này chăm lo sức khỏe cho người dân tốt hơn nước khác.

Chẳng hạn, vụ tương ớt Chinsu dùng chất bảo quản benzoate bị cấm ở Nhật, phải thu hồi sản phẩm hồi năm ngoái. Nhưng châu Âu và Mỹ lại không cấm dùng benzoate trong tương ớt, kể cả Việt Nam.

Vấn đề là thực thi quy định về an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, chứ không phải là quy định nước nào gắt gao hơn. Vì mức giới hạn, dù là quy định nào, cũng đều cách rất xa, nhỏ hơn cả trăm lần so với ngưỡng có thể gây hại cho sức khỏe.

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Vụ việc mì Hảo Hảo bị thu hồi, người tiêu dùng cứ tiếp tục... ăn mì gói - Ảnh 2.

Bao bì sản phẩm mì Hảo Hảo, một trong 2 sản phẩm của Acecook nằm trong danh sách thu hồi của FSAI.

PV: Xin ông cho biết quy định về giới hạn Ethylene Oxide ở nước ta có khác so với các nước khác không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không cách nào loại bỏ hoàn toàn ethylen oxide cả. Do đó, các nước dù cấm dùng ethylen oxide để trong nông sản, cũng phải đưa ra mức tối đa cho phép. Mức giới hạn ethylen oxide tùy thuộc vào loại sản phẩm, chẳng hạn với châu Âu

Gia vị, trà, ca cao do sử dụng rất ít nên được phép ở mức cao nhất: 0,1 mg/kg.

Các loại hạt có dầu quy định gắt hơn với mức 0,05 mg/kg.

Các thực phẩm được tiêu thụ nhiều hơn như trái cây, mứt, rau, ngũ cốc ở mức gắt gao nhất: 0,02 mg/kg.

Quy định của Mỹ và Canada cũng tương tự, khác nhau một chút tùy loại sản phẩm.

Còn Việt Nam và nhiều nước khác không có quy định ngưỡng tối đa với ethylen oxide.

PV: Cuối cùng, ông có thể cho biết, với những vụ việc tương tự như vụ việc này, người tiêu dùng nên ứng xử ra sao để tránh hoang mang và đảm bảo được quyền lợi của mình?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Việc thu hồi sản phẩm do không đáp ứng quy định ở nước ngoài là chuyện xảy ra hàng ngày… ở huyện. Tôi đọc thường xuyên tạp chí an toàn thực phẩm, không số nào không có danh sách dài lê thê sản phẩm bị thu hồi. Dán nhãn sai cũng phải thu hồi. Họ làm rất nghiêm ngặt.

Mì gói, dù mất cân bằng về dinh dưỡng vì nhiều bột nhiều béo, ít xơ ít đạm…, nhưng lại là món ăn phổ biến của người dân, nhất là trong lúc giãn cách về đại dịch.

Từ hôm qua đến giờ, tôi nhận được rất nhiều email, tin nhắn, gửi cả đường link những status của mấy ông bà KOLs trên facebook. Bênh vực có, lên án có… Những status này chỉ có văn vẻ, hùng biện, chứ chuyên môn về an toàn thì không, nên lập luận rất... bựa. Họ đều có mục đích đằng sau những status đó cả.

PV: Xin phép được cắt ngang. Tôi xin hỏi ngoài lề một chút, ông có ăn mì ăn liền không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có chứ, nhưng không ăn thường xuyên. Sài Gòn giãn cách, nên ăn mì gói hơi nhiều hơn một chút. Cả 2 tháng nay không ra ngoài, không biết mùi phở ra sao, nên đôi khi xài cả phở gói cho đỡ nhớ… phở.

Tóm lại, người tiêu dùng nên bình tĩnh, lắng nghe ý kiến của giới chuyên môn và kết quả kiểm tra an toàn. Trong khi chờ đợi, cứ tiếp tục ăn mì gói thoải mái. Nhớ thêm rau, trứng… và bớt gói bột nêm lại vì khá mặn.

Bích Hiền

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên