Chuyên gia Yuanta: Cổ phiếu Ngân hàng và Bất động sản sẽ thay nhau "dẫn sóng" thị trường trong thời gian tới
Theo chuyên gia, việc tìm kiếm lợi nhuận trong năm nay sẽ khó hơn so với năm 2021, điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải lựa chọn kỹ cổ phiếu với hai yếu tố lọc phù hợp với giai đoạn lạm phát và lãi suất tăng trong năm 2022 (1) định giá thấp (2) duy trì tăng trưởng tốt.
Chứng khoán có thể bứt phá nhờ ba động lực chính
Chia sẻ tại toạ đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 dựa trên ba yếu tố.
Thứ nhất, tăng trưởng lợi nhuận chính là động lực cơ bản trọng yếu. Theo Bloomberg, các bên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 25% so với năm 2021 và dự báo của Yuanta Việt Nam là 21%. Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 với mức tăng trưởng nền thấp trong năm 2021.
Tuy để dự báo mức tăng trưởng so với cùng kỳ một cách chính xác là rất khó khăn, nhưng bức tranh tổng thể đối với tăng trưởng lợi nhuận là rất tích cực xét trong tình hình vĩ mô và kinh tế ổn định.
Thứ hai, thanh khoản thị trường cũng sẽ duy trì ổn định. Lãi suất tiền gửi có thể vẫn ở mức thấp trong năm 2022 do chính sách tiền tệ vẫn còn nới lỏng và chủ yếu tập trung vào tính bền vững trước tác động tiêu cực của đại dịch.
Theo chuyên gia Yuanta, thanh khoản thị trường tăng mạnh là một điểm sáng và đà tăng vẫn chưa kết thúc: Giá trị giao dịch bình quân tính theo ngày trong tháng 11 là 1.8 tỷ USD - một kỷ lục mới, giúp xác nhận sức mạnh động lượng của thị trường.
Thứ ba, tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân có thể vẫn sẽ tích cực đối với thị trường chứng khoán do giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong năm 2022.
Vị chuyên gia kỳ vọng VN-Index vào cuối năm 2022 có thể chạm mốc 1.898 điểm, tương ứng với mức tỷ suất sinh lời trong 12 tháng là 29%. Ông Minh cho rằng đây là mức hợp lý khi xem xét đến những giả định tích cực về điều kiện thị trường (tức là mức tăng trưởng lợi nhuận, thanh khoản và tâm lý thị trường) được đưa ra trước đó.
Cơ hội đầu tư
Theo đánh giá của ông Minh, cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ không còn quá dễ dàng. Tuy các chỉ số tiếp tục tăng nhưng việc tìm kiếm lợi nhuận sẽ khó hơn so với năm 2021, điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải lựa chọn kỹ cổ phiếu với hai yếu tố lọc phù hợp với giai đoạn lạm phát và lãi suất tăng trong năm 2022 (1) định giá thấp (2) duy trì tăng trưởng tốt.
"Tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản được xem là hai nhóm ngành có thể thay thế nhau dẫn dắt đà tăng của thị trường trong năm 2022. Ngoài ra, ngành tiêu dùng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 với mức nền thấp trong năm 2021", vị chuyên gia đánh giá.
Đối với nhóm ngân hàng, ông Nguyễn Thế Minh kỳ vọng tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ mạnh mẽ hơn so với năm 2021, ở mức trên 14% khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, ông Minh đánh giá NHNN sẽ duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022, với lãi suất có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ (CPI năm 2022 là 4%).
Ngoài ra, các ngân hàng cần tăng vốn để cải thiện bộ đệm vốn trong năm 2022 để duy trì tăng trưởng tín dụng trong khi vẫn đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn vốn. Đặc biệt, tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài tại một số NHTMCP tư nhân có thể thay đổi trong năm 2022 nhờ cam kết của Việt Nam với Liên minh châu Âu khi EVFTA có hiệu lực cho phép 2 tổ chức tín dụng Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam.
Mặt khác, chuyên gia cũng dự báo tỷ lệ nợ xấu mới hình thành sẽ đạt đỉnh trong năm 2022 vì Thông tư 14 hiện cho phép kéo dài thời gian trả nợ của các khoản vay tái cơ cấu đến ngày 30/6/2022. Các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng sẽ chịu nhiều rủi ro sau thời điểm này.
Nhóm bất động sản: Kỳ vọng lợi nhuận hồi phục trong năm 2022
Theo ông Minh dự báo, kết quả tài chính năm 2022 của nhóm bất động sản sẽ phụ thuộc vào các dự án được chào bán trong 6 tháng đầu năm nay. Yuanta Việt Nam ước tính giá trị của các sản phẩm thấp tầng sẽ chiếm phần lớn trong tổng lượng chào bán năm 2022.
Theo đó, luận điểm đầu tư nhóm bất động sản sẽ tập trung vào sức khỏe tài chính mạnh và danh mục quỹ đất sở hữu các dự án có tiềm năng cao
"Tôi vẫn duy trì thiên hướng thận trọng và ưa thích các công ty có nền tảng cơ bản chất lượng trong bối cảnh tình hình tinh kế còn chưa ổn định dưới tác động của COVID. Tuy nhiên, trong trường hợp các hạn chế đi lại không còn được áp dụng trên diện rộng, các công ty phát triển BĐS sẽ nắm giữ một vị thế tốt để có thể dẫn dắt thị trường tăng cao hơn trong năm 2022", ông Minh đánh giá.
Bên cạnh ngân hàng và chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh kỳ vọng cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại trong năm 2022 tạo đà tăng trưởng cho cổ phiếu nhóm ngành này. Nền kinh tế Việt Nam đang dần mở cửa trở lại sau khi bị gián đoạn bởi làn sóng COVID bùng nổ hồi quý 3/2021, quá trình này được hỗ trợ bởi công tác tiêm chủng vaccine trên diện rộng trong thời gian gần đây và trong thời gian sắp tới. Trong dài hạn, Yuanta Việt Nam có quan điểm tích cực đối với các doanh nghiệp có kinh doanh online trong nước, vốn đã và đang hoạt động rất tốt.