Chuyến hành hương lớn nhất thế giới hóa thảm kịch với cái chết của ít nhất 900 tín đồ, gia đình hoang mang tìm người thân mất tích
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 900 tín đồ tử vong trong chuyến hành hương Hajj năm 2024 - một trong những chuyến hành hương lớn nhất thế giới tới thánh địa Macca (Ả Rập Saudi).
Những thảm kịch trong chuyến hành hương lớn nhất thế giới của các tín đồ
Mỗi năm, hàng triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đều bắt đầu chuyến hành hương Hajj đến Mecca ở Ả Rập Saudi. Nơi đây được coi là thành phố linh thiêng nhất đối với người Hồi giáo và Hajj là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi. Chính vì điều này mà tất cả người Hồi giáo đều phải hoàn thành lễ hành hương này ít nhất một lần trong đời nếu có đủ khả năng về thể chất và tài chính.
Tuy nhiên, những cuộc hành hương lớn này cũng khiến các tín đồ phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm về sức khoẻ. Cuộc hành hương Hajj năm 2024 đã bị lu mờ bởi bi kịch với cái chết của ít nhất 900 người - phần lớn là do kiệt sức vì nóng và các biến chứng liên quan.
(Ảnh: Reuters)
Đây không phải lần đầu tiên thảm kịch diễn ra tại chuyến hành hương Hajj.
Một trong những bi kịch tàn khốc nhất xảy ra vào năm 2015 trong nghi lễ "Rami al-Jamarat" ở Mina, gần Mecca. Nghi lễ này liên quan đến việc những người hành hương ném đá vào những cây cột tượng trưng cho ma quỷ.
Do tình trạng chen lấn của nhiều nhóm người hành hương di chuyển theo các nhóm ngược nhau dẫn đến thảm kịch. Hơn 2.400 người đã thiệt mạng và biến sự kiện này trở thành một trong những thảm họa nguy hiểm nhất trong lịch sử lễ Hajj.
Ảnh: NDTV
Một sự kiện xảy ra vào năm 1990, tại đường hầm dành cho người đi bộ Al-Ma'aisem gần Mecca dẫn đến thánh địa. Do sự cố hệ thống thông gió và lượng người hành hương khổng lồ đã gây ra tình trạng ngột ngạt bên trong đường hầm khiến 1.426 người thiệt mạng.
Trong nửa thế kỷ qua, hơn 9.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc tụ họp tôn giáo lớn, trong đó có hơn 5.000 trường hợp xảy ra trong lễ Hajj tại Ả Rập Saudi.
Các tín đồ trong lễ hành hương (Ảnh: AP)
Các gia đình lo lắng tìm người mất tích
Mabrouka bint Salem Shushana người Tunisia, ở độ tuổi 70, đã mất tích kể từ ngày 15/6 tại Núi Arafat. Chồng của bà, ông Mohammed chia sẻ, do không có giấy phép hành hương Hajj chính thức nên bà đã không thể trú trong những địa điểm nghỉ ngơi có máy điều hoà dành cho các tín đồ hành hương.
"Bà ấy đã già lắm rồi, sức khoẻ rất yếu và chẳng có chỗ để ngủ dưới thời tiết nóng bức" ông nói "Tôi đã tìm bà ấy khắp các bệnh viện nhưng đến giờ (ngày 19/6) vẫn không có bất cứ manh mối nào."
Những người hành hương Hồi giáo tập trung trên Núi Arafat hay còn gọi là núi của lòng thương vào ngày 15/6/2024 (Ảnh: Reuters)
Trên các trang MXH cũng tràn ngập hình ảnh tìm người mất tích và yêu cầu cung cấp thông tin tìm kiếm. Ghada Mahmoud Ahmed Dawood, một người hành hương Ai Cập mất tích từ ngày 15/6 cũng đang được bạn bè và gia đình tìm kiếm khắp nơi.
"Tôi nhận được cuộc gọi từ con gái của bà ấy ở Ai Cập. Cô ấy đã cầu xin tôi đăng bài lên Facebook để nhờ những người xung quanh có thể quan sát và giúp đỡ tìm mẹ của mình " một người ở Ả Rập Saudi cho biết.
"Tin tốt là cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy tên bà trong danh sách những người đã tử vong. Điều này khiến chúng tôi có thêm hy vọng bà vẫn còn sống".
Những người hành hương phải đối mặt với nhiệt độ 50°C (Nguồn: AP)
Tại sao chuyến hành hương Hajj lại nguy hiểm đến vậy?
Với hàng triệu người hành hương hội họp tại một khu vực hạn chế, khả năng xảy ra tai nạn do chen lấn là rất cao. Điều này có thể càng trở nên tồi tệ hơn bởi những cảm xúc quá khích khi thực hiện các nghi lễ tâm linh.
Một yếu tố khác là độ tuổi của những người hành hương. Những người này chủ yếu là người lớn tuổi, đã dành dụm tiền nhiều năm mới có đủ để trang trải chi phí cho chuyến hành hương dài này. Độ tuổi cao khiến họ đặc biệt dễ bị tác động bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nắng nóng gay gắt, thời gian đi bộ kéo dài và sự căng thẳng về thể chất khi thực hiện các nghi lễ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
(Ảnh: Reuters)
Cùng với đó, việc tập trung đông người cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như SARS, cúm gia cầm, bệnh viêm màng não cầu khuẩn...
Thời gian của cuộc hành hương Hajj được quy định theo âm lịch Hồi giáo, đồng nghĩa với việc nó có thể diễn ra vào các mùa khác nhau trong chu kỳ 33 năm. Hiện tại, Hajj đang được tổ chức trong những tháng mùa hè, dẫn đến nguy cơ nắng nóng cực độ. Nhiệt độ Ả Rập Saudi vô cùng khắc nghiệt. Trong cuộc hành hương năm nay, nhiệt độ nơi đây tăng vọt lên 50°C - đạt mức nhiệt kỷ lục.
Những người hành hương được khuyến khích sử dụng ô và giữ nước (Nguồn: AAP)
Đời sống và pháp luật