Chuyến hồi hương 13.000 tỷ của đại gia 'gốc' Đông Âu Trần Đăng Chung
Triển khai bộ đôi dự án nghỉ dưỡng với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ một cách chuyên nghiệp, đúng tiến độ, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương sẽ giúp Milton Holding của doanh nhân Trần Đăng Chung tạo được dấu ấn tích cực trên con đường hồi hương về Việt Nam.
Hàng loạt thanh niên Việt Nam xuất sắc được đào tại Đông Âu, trong đó có Nga và Ukraine đã trở về và dành được thành công lừng lẫy trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Một số cái tên điển hình có thể kể đến như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cặp đôi ông Nguyễn Đăng Quang - ông Hồ Hùng Anh, ông Lê Viết Lam, ông Nguyễn Đức Chi. Dù có phần kém tiếng hơn, nhưng sẽ là thiếu sót khi không đề cập đến Trần Đăng Chung - doanh nhân sinh năm 1958.
Với ông Chung, trước ngày sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, ông là một công chức của Viện khoa học và kỹ thuật xây dựng cơ bản, thuộc Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước (tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay).
Nhóm du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam ngày ấy, nhiều người đã sớm đi buôn ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường. Để chính danh, họ thành lập các pháp nhân. Đó cũng chính là tiền đề sơ khởi cho những tập đoàn kinh tế của người Việt ở Nga và Đông Âu sau này, với ông Trần Đăng Chung là Milton Group.
"Milton Group được khơi nguồn từ những nghiên cứu sinh học tập bậc trên đại học tại xứ sở Bạch Dương. Trong quá trình học tập, các sáng lập viên đã bắt đầu gầy dựng sự nghiệp từ ngành thương mại may mặc – một trong những lĩnh vực giàu tiềm năng bấy giờ; rồi dần lấn sân sang sản xuất, đầu tư bất động sản và tiến đến xây dựng thương hiệu riêng. Hệ thống các nhà xưởng sản xuất hình thành và chuỗi cửa hàng bán lẻ mang tên Milton cũng được thiết lập rộng rãi. Thương hiệu Milton giờ đây đã khẳng định được uy tín, chất lượng và ưu thế khi tham gia phân phối trên trang thương mại điện tử lớn nhất tại Nga", trích lời giới thiệu của Milton Group.
Về phần mình, ông Chung cũng đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên Bang Nga.
Sau quá trình tích lũy, như nhiều doanh nhân gốc Đông Âu, ông Trần Đăng Chung đã tính đến việc hồi hương đầu tư. Dẫn lời trên truyền thông, vị đại gia quê Bình Lục, Hà Nam cho biết, trở về Việt Nam không chỉ là để mở rộng đầu tư, giảm thiểu rủi ro kinh doanh mà còn vì luôn đau đáu tình cảm với quê hương.
Phối cảnh dự án Milton Europa Village. Nguồn ảnh: Milton Holding.
2 dự án khủng đánh dấu sự trở về của đại gia họ Trần
Ngày 30/12/2011, ông Trần Đăng Chung đã sáng lập một pháp nhân tại Việt Nam là Công ty cổ phần Milton (Milton Holding) với nhằm kế thừa và mở rộng hoạt động của Milton Group tại Việt Nam, cùng tầm nhìn: "Phát triển kinh doanh đa lĩnh vực, có sự tương hỗ giữa các nghành nghề để tạo thành hệ sinh thái thương mại và nghỉ dưỡng mang thương hiệu Milton".
Cuộc hồi hương của ông Trần Đăng Chung bên cạnh nhờ sự giúp sức của những người thân trong gia đình, còn có sự đồng hành của ông Nguyễn Cảnh Sơn (Chủ tịch Eurowindow Holding) - một đại gia "gốc" Đông Âu đã trở về Việt Nam từ trước.
Tại ngày 25/11/2016, Milton Holding có quy mô vốn điều lệ 240 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đăng Chung là cổ đông lớn nhất, sở hữu 44,03% vốn điều lệ. Các cổ đông cá nhân họ Trần Đăng khác nắm giữ tới 41,97% vốn, bao gồm: ông Trần Đăng Tâm (6,88%), Trần Đăng Nam (15,14%), Trần Đăng Khanh (17,2%) và Trần Thị Hồng (2,75%).
Số cổ phần còn lại, tương đương 14% vốn điều lệ của Milton Holding, do CTCP Eurowindow Holding của anh em ông Nguyễn Cảnh Sơn – Nguyễn Cảnh Hồng nắm giữ. Cập nhật tới tháng 5/2019, quy mô vốn của Milton Holding đã được nâng lên mức 480 tỷ đồng.
Tháng 7/2017, Milton Holding góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Bản Giốc (Bản Giốc Invest) hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Thời điểm ban đầu, Bản Giốc Invest có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Milton Holding (70%), CTCP Công nghệ Tiến Phát (25%) và ông Nguyễn Toàn Thắng (5%). Tại đây, ông Trần Đăng Tâm (SN 1963) - em trai ông Trần Đăng Chung là người đại diện phần vốn của Milton Holding, đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc.
Về phần mình, Công ty Tiến Phát có mối quan hệ tín dụng khá chặt chẽ với TPBank, được thành lập vào vào tháng 7/2012. Tại ngày 24/1/2017 vốn điều lệ công ty này là 10 tỷ đồng, cổ đông gồm bà Phạm Thị Ngọc Trâm (10%), ông Huỳnh Tiến Hiếu (35%) và ông Nguyễn Đức Thành (55%).
Trở lại với Bản Giốc Invest, đây chính là chủ đầu tư Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc (Khu TTDLTBG) của Milton Holding.
Cụ thể, ngày 13/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 485/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc (Khu TTDLTBG) với mục tiêu phát triển dự án này thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng và của cả nước.
Ngày 17/8/2017 tại TP. Cao Bằng, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng với quy mô 156,7 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.200 - 2.700 tỷ đồng. Quy hoạch bao gồm 4 khu vực: Khu vực cảnh quan thác Bản Giốc; khu vực cảnh quan dọc theo sông Quây Sơn; khu vực cảnh quan sinh thái lâm nghiệp đồi núi; khu vực cảnh quan sinh thái nông nghiệp.
Theo kế hoạch, dự án được chia làm 3 giai đoạn đầu tư. Cụ thể, giai đoạn 1 (2017 - 2018) có tổng mức đầu tư khoảng 70 - 100 tỷ đồng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở du lịch, dịch vụ thiết yếu. Giai đoạn 2 (2019 - 2023) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700 - 1.000 tỷ đồng để đầu tư mới và nâng cấp các hệ thống cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ. Giai đoạn 3 (2024 - 2030), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng với mục tiêu hoàn thiện khu du lịch.
Milton Holding là nhà đầu tư được UBND tỉnh Cao Bằng lựa chọn giao xây dựng đề án đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, tại buổi làm việc ngày 16/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cũng nhất trí chủ trương cho Milton Holding khai thác động Ngườm Ngao thành chuỗi sản phẩm du lịch. Cập nhật tới tháng 9/2019, đề án xây dựng Khu TTDLTBG của Milton Holding đã được phê duyệt và doanh nghiệp này đang thi công các hạng mục giai đoạn 1.
Dự án đáng chú ý nhất của Milton Holding phải kể tới Làng du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Châu Âu (tên thương mại Milton Europa Village) quy mô hơn 82,2ha thuộc khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, Phú Quốc. Dự án này được ra mắt vào cuối năm 2016 với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, được quy hoạch thành các phân khu: Pullman Phu Quoc Beach Resort; Milton Grande Resort; Milton Pathway; Milton Palaces; Milton Plaza; Lagon Villa; Milton Park; The Chateau; Milton House.
Từ năm 2017, các quyền lợi phát sinh từ dự án đã được chủ đầu tư sử dụng làm tài sản đảm bảo tại Vietinbank.
Milton Holding làm ăn ra sao?
Giai đoạn 2016-2019, có thể do chưa ghi nhận doanh thu từ các dự án đang phát triển nên doanh thu thuần của Milton Holding (công ty mẹ) rất khiêm tốn, riêng năm 2019 chỉ vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng, lãi thuần 1,14 tỷ đồng. Trong khi đó tổng tài sản lại thể hiện sự tăng trưởng mạnh khi năm 2018 là 1.007 tỷ đồng thì đến cuối năm 2019 đã lên đến 2.017 tỷ đồng, nợ phải trả là 1.592 tỷ đồng.
Còn với Bản Giốc Invest, giai đoạn 2017-2019, công ty này chưa phát sinh doanh thu, riêng năm 2019 lỗ thuần ở mức 2,5 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản đạt 97,6 tỷ đồng.
Nhà đầu tư