MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ít biết về thầy Văn Như Cương qua lời người đồng sáng lập trường Lương Thế Vinh

09-10-2017 - 11:13 AM | Sống

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đã có những chia sẻ về người bạn "vong niên" Văn Như Cương.

Khát vọng sống mãnh liệt của thầy Văn Như Cương

Chia sẻ với PV, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đã bày tỏ sự bàng hoàng, xót xa khi nghe tin PGS Văn Như Cương , Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, một nhà giáo dục nổi tiếng, người bạn của ông mới qua đời vào sáng nay.

"Anh Văn Như Cương sinh năm 1937 còn tôi sinh năm 1949, cùng là tuổi sửu nên giữa chúng tôi không chỉ là tình anh em, bạn bè trong công việc mà còn là hai người bạn vong niên.

Ba năm nay, anh đã phải vật lộn, chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo nhưng với sự nỗ lực, tinh thần dũng cảm của bản thân và giúp đỡ của các bác sĩ, thầy thuốc, gia đình, thầy trụ được đến bây giờ, đó là niềm vui, hạnh phúc.

Tuy nhiên, sự ra đi của anh, một con người nổi tiếng, uyên thâm nhưng rất dí dỏm, hết lòng vì học sinh vẫn là một cái sốc cho người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũng như các thế hệ học sinh ở Đại học, phổ thông nói chung và của trường Lương Thế Vinh nói riêng", thầy Khang bày tỏ.

Đồng thời, thầy Khang cũng nhấn mạnh: "Dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng khát vọng sống, cống hiến trong thầy vẫn rất mãnh liệt và tôi cũng muốn nói rằng, thầy đã sống, cống hiến hết mình cho giáo dục, học sinh và chiến đấu mạnh mẽ với bệnh tật như cái tên Văn Như Cương của mình".


Thầy Nguyễn Xuân Khang.

Thầy Nguyễn Xuân Khang.

Hai người thầy sáng lập trường Lương Thế Vinh

Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cũng kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc giữa ông và PGS Văn Như Cương khi cùng nhau xây dựng trường THPT Lương Thế Vinh là trường phổ thông ngoài dân lập đầu tiên trên cả nước vào năm 1989.

Cụ thể, năm 1988, PGS Cương và thầy Khang đã có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là GS.VS Phạm Minh Hạc xin thành lập một trường THPT ngoài tư thục và được Bộ trưởng rất đồng tình, tạo điều kiện tổ chức Hội nghị của Bộ để xem xét.

Vào ngày 11/8/1988 tại Lê Thánh Tông (Hà Nội), Hội nghị đã được diễn ra. Sau khi hai thầy trình bày đề án, Hội nghị đã nhất trí ủng hộ và giao trong vòng 1 tuần phải thực hiện 3 điểm là đặt tên trường, địa điểm thành lập và đội ngũ giáo viên.

"Đó là 3 điều cơ bản của trường học và chúng tôi nhận nhiệm vụ đó, rất phấn khởi. Ngay khi buổi trưa họp xong, tôi và anh Cương đã ra quán phở Thìn ở phố Lò Đúc ăn phở rồi hội ý với nhau những điều vừa được giao.

Hai anh em đã thống nhất, sáng hôm sau, mỗi người đưa ra một tên và địa điểm thành lập trường sẽ do tôi lo.

Đồng thời, điều thứ 3 thì hai anh em thống nhất là vào thời điểm đó, giáo dục chưa được phát triển, giáo viên rất thừa nên việc tuyển chọn giáo viên không quá khó khăn", thầy Khang nhớ lại.

Cũng theo thầy Khang, sáng hôm sau, hai thầy gặp nhau và thầy Khang thông báo việc đã được trường ĐH Tổng hợp (cũ) ủng hộ, sẵn sàng cho thuê một phần địa điểm trường cũng như phòng thí nghiệm để mở trường.

"Điều thứ hai về đặt tên trường thì tôi đưa ra nên đặt tên trường là Lương Thế Vinh vì trước tiên không trùng với các trường đã có ở Hà Nội cũng như nhiều nơi khác.

Thứ hai, ông Lương Thế Vinh có thể gọi là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam, trong khi cả tôi và anh Cương đều làm về khoa học tự nhiên nên được đặt tên cụ là niềm vinh hạnh, chưa kể, cụ là người có nhiều giai thoại đi sâu vào đời sống tinh thần của trẻ nhỏ...

Anh Cương nói hay quá và đồng ý lấy tên trường là Lương Thế Vinh", thầy Khang chia sẻ thêm.

Sau khi thống nhất và được UBND TP Hà Nội ủng hộ thì theo thầy Khang lại vướng một vấn đề, đó là phải có quy chế để quản lý loại hình trường dân lập này.

"UBND TP Hà Nội sau đó, đã có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy chế vì không chỉ một trường này mà sẽ còn nhiều trường khác ra đời. Gần nửa năm sau thì Bộ đã ban hành được quy chế tạm thời về các trường phổ thông dân lập.

Sau khi có quy chế, vào ngày 1/6/1989, UBND TP Hà Nội cho phép thành lập trường THPT dận lập Lương Thế Vinh và có hai quyết định công nhận PGS Văn Như Cương làm Hiệu trưởng còn tôi làm Hiệu phó.

Tháng 9 năm đó, chúng tôi tiến hành khai giảng năm học đầu tiên và đến nay đã được gần 30 năm. Đó là quãng thời gian với nhiều gắn bó, kỷ niệm sâu sắc giữa hai anh em", thầy Khang kể.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cũng cho biết thêm, sau này, khi hai người không còn công tác cùng nhau nhưng những kỷ niệm đó vẫn mãi in đậm trong thầy.

"Trước sự ra đi mãi mãi của thầy, tôi muốn gửi lời chia sẻ sâu sắc tới gia đình, thầy cô, các thế hệ học trò. Đồng thời, tôi mong những gì thầy để lại sẽ tiếp tục được phát triển hơn nữa. Mong thầy sẽ thanh thản", thầy Khang nói trong xúc động.

Theo Hoàng Đan

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên