MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện kinh doanh của gia tộc giàu nhất Italia

11-08-2020 - 14:43 PM | Tài chính quốc tế

Michele Ferrero là người đã mang socola Nutella và socola hình quả trứng Kinder đến với toàn thế giới, biến một xưởng kẹo nhỏ của gia đình tại Italia trở thành một đế chế bánh kẹo toàn cầu với doanh thu hàng năm khoảng 10 tỷ USD.Giờ đây, con trai của ông, Giovanni Ferrero đang vạch ra con đường của riêng mình.

Theo hồ sơ công ty, giá trị tài sản của CTH, công ty đầu tư thuộc sở hữu của Giovanni Ferrero, đã tăng 40% lên 2,8 tỷ euro ( khoảng 3,3 tỷ USD) trong năm 2019, một phần nhờ thương vụ mua lại tập đoàn Bánh quy bơ Kelsen Đan Mạch. Theo CTH, thương vụ được thực hiện với mục tiêu bảo tồn khối tài sản của gia tộc giàu nhất Italia thông qua việc đầu tư ra khỏi ngành sản xuất kẹo truyền thống.

Theo giám đốc CTH đồng thời cũng là người giúp quản lý tài sản của gia đình Ferrero, ông Guido Giannotta, với thương vụ này, tỷ phú Giovanni hy vọng sẽ “tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường bánh kẹo đóng gói.”

Một động thái như vậy cũng là "một giải pháp giảm thiểu rủi ro quan trọng, cả về danh mục đầu tư sản phẩm và tiếp cận thị trường địa lý,” ông Guido cho biết thêm.

Cũng giống như gia đình Ferreros, nhiều tỷ phú giàu có nhất thế giới cũng đang thực hiện việc đa dạng hóa tài sản khi tìm cách tăng cường sự giàu có qua các thế hệ. Ông chủ của Zara Amancio Ortega – tỷ phú giàu nhất Tây Ban Nha đã đầu tư một phần lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh tập đoàn thời trang Inditex SA vào lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, đồng sáng lập Microsoft Bill Gates cũng đầu tư vào một loạt các lĩnh vực như đường sắt, nông nghiệp, xây dựng…

Chuyện kinh doanh của gia tộc giàu nhất Italia - Ảnh 1.

Tỷ phú Giovanni Ferrero. Ảnh: Bloomberg.

Cửa hàng bánh ngọt

Việc kinh doanh của gia đình Ferreros bắt đầu từ một cửa hàng bánh ngọt nhỏ ở miền Bắc Italia. Để giải quyết vấn đề thiết hụt nguồn cung cacao, nhà Ferreros đã nghĩ cách dùng hạt phỉ để thay thế. Sau Thế chiến II, cửa hàng nhỏ đã phát triển thành một công ty sản xuất bánh kẹo với xưởng sản xuất và văn phòng ở cả trong nước lẫn quốc tế. Những năm 1960, công ty cho ra đời các nhãn hàng kẹo Nutella, trứng socola Kinder và kẹo thanh Tic Tac, sau đó tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm của mình, bao gồm cả dòng sản phẩm kẹo viên socola nổi tiếng Ferrero Rocher.

Công ty CTH được thành lập năm 2016. Ngoài cổ phần của tập đoàn Kelsen (Đan Mạch), CTH còn sở hữu công ty sản xuất bánh quy Delacre của Bỉ, công ty sản xuất kẹo Ferrara của Mỹ. Ngoài lĩnh vực bánh kẹo, tập đoàn Ferrero còn đầu tư vào các sản phẩm mới. Mới đây nhất, năm 2019, Ferrero đã hoàn thành thỏa thuận mua lại công ty kinh doanh đồ ăn nhẹ trái cây Kellogg trị giá 1,3 tỷ USD.

Giovanni Ferrero, 55 tuổi, hiện là giám đốc điều hành tập đoàn Ferrero và nắm giữ cổ phần điều hành của tập đoàn Alba có trụ sở Italia. Theo Bloomberg, công ty này hiện có giá trị 23 tỷ USD, chiếm gần 70% trong tổng số tài sản ròng 32,9 tỷ USD của gia đình Ferreros.

Duncan Fox, nhà phân tích sản phẩm tiêu dùng tại Bloomberg Intelligence nhận định, việc đầu tư vào dòng sản phẩm bánh quy “là điều dễ hiểu, bởi cả hai thứ bánh quy và socola đều có chỗ trong dạ dày của chúng ta.” Cũng theo ông Duncan, nếu như có được sự đổi mới phù hợp, việc sản xuất cả hai loại bánh kẹo này sẽ giúp nhà  Ferreros có được quyền phân phối rộng lớn hơn.

Theo Bloomberg

Theo Đỗ Hiền

Người đồng hành

Trở lên trên