MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện kỳ lạ ở gia tộc sở hữu ngân hàng lớn thứ 2 Thái Lan: Tất cả con cháu đều không muốn thừa kế, chủ tịch chật vật tìm người nối nghiệp

10-04-2017 - 15:05 PM | Tài chính quốc tế

CEO ngân hàng lớn thứ 2 Thái Lan - Kasikornbank bỏ tới vùng đất cách xa hàng trăm cây so với thủ đô Bangkok để bảo vệ rừng và viết tiểu thuyết, nhưng ông vẫn chưa thể chọn ra ai là người kế nghiệp cho vị trí CEO của ngân hàng...

Những ngày nay, ông chủ Kasikornbank dành phần lớn thời gian để bảo vệ khu rừng gần ngôi làng Nan và quảng bá cho cuốn tiểu thuyết lãng mạn của ông thay vì tập trung vào việc điều hành hoạt động thường ngày của nhà băng lớn thứ 2 Thái Lan.

“Tôi còn nhiều cánh rừng phải lo lắng”, Banthoon Lamsan – CEO của nhà băng lớn thứ 2 Thái Lan – người tiếp quản vị trí này từ cha ông vào 25 năm trước nói trong một bài phỏng vấn tới tờ Bloomberg mới đây.

Trong khi Banthoon đang sống ở vùng ngoại ô gần biên giới Lào thì ở Bangkok, nhà băng lớn thứ 2 Thái Lan đang chật vật tìm người kế nghiệp. Banthoon – hiện 64 tuổi muốn nghỉ hưu. Không ai trong số 3 người con của ông muốn tiếp quản ngôi vị của cha và cũng chưa biết chắc liệu có bất kỳ ai trong số 3 vị chủ tịch hiện tại có thể được bổ nhiệm thay thế vị trí của Banthoon hay không.

“Vấn đề tìm người kế nghiệp trở nên mơ hồ bởi đây là ngân hàng lớn và chưa có bất kỳ kế hoạch nào về nhà lãnh đạo kế nghiệp tiếp theo”, theo Yupana Wiwattanakantang – Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore nói.

Có một điều chắc chắn là Kasikornbank sẽ trở thành nhà băng tiếp theo của Thái Lan không còn thuộc sở hữu của một gia tộc duy nhất. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, rất nhiều ngân hàng thuộc sở hữu gia đình tại khu vực Đông Nam Á bị sáp nhập do nợ xấu cao hoặc bị bán cho một công ty nước ngoài.

Trong một bài phỏng vấn, Banthoon tỏ ra tràn đầy hy vọng khi nói về viễn cảnh trao quyền kiểm soát ngân hàng cho một người ngoài – người đầu tiên không thuộc gia tộc Lamsam quản lý kể từ khi ngân hàng được thành lập vào năm 1945.

“Đó không phải là vấn đề”, theo Banthoon – trong chiếc mũ cao bồi cùng chiếc kính lớn nói. “Thực ra ban đầu tôi không muốn điều hành hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Là cha bắt tôi làm điều đó”.

Những quy định ngày càng thắt chặt và thay đổi trong ngành đồng nghĩa với việc những nhà lãnh đạo có kỹ năng cùng với sự thành thạo về tài chính quan trọng hơn các mối quan hệ gia đình.

“Ngày nay, nhiều ngân hàng không chỉ đối mặt với những đối thủ cạnh tranh trong nước mà còn cả những công ty không thuộc ngành ngân hàng nhưng lại đang muốn chiếm thị phần trong mảng cung cấp dịch vụ tài chính và hệ thống thanh toán như Alipay và Facebook. Đó là điểm mấu chốt quan trọng mà các lãnh đạo ngân hàng đang tiến tới rất gần”, theo Yupana.

Banthoon từ bỏ giấc mơ trở thành bác sỹ và quyết sẽ tìm ra những thú vui trong lĩnh vực ngân hàng khi ông tập trung vào giải quyết những thách thức liên quan tới quản lý và cấu trúc tổ chức.

“Thích thú hay không ư? Anh định nghĩa thế nào là thích thú? Tôi không thật sự đam mê với những giao dịch tài chính”.

Kasikornbank được thành lập bởi ông nội Banthoon vào khoảng thời gian kết thúc chiến tranh thế giới thứ II để giúp Thái Lan tái thiết lại nền kinh tế. Thành tựu lớn nhất của Banthoon là đưa ngân hàng vượt qua khủng khoảng năm 1997 vốn đã xóa bỏ một số lượng không nhỏ những ngân hàng thuộc sở hữu gia đình tại khu vực Đông Nam Á. Banthoon đi đầu trong việc giảm lượng cổ phần của gia đình Lamsam. Tỷ lệ sở hữu của gia đình này hiện chỉ ít hơn 5%, thuộc về rất nhiều thành viên gia đình khác nhau.

Được biết đến với phong cách quản lý không theo truyền thống, Banthoon tuyển những chuyên gia tư vấn nước ngoài, giúp giảm những khoản vay xấu trong suốt giai đoạn khủng hoảng và xây dựng văn hóa cho nhân viên – hiện tại là hơn 20.000 người. Banthoon đã giúp tăng tài sản của ngân hàng từ 14 tỷ USD lên 79 tỷ USD vào năm 2016.

Một nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của ngân hàng từ 10 năm trước đã chứng kiến mức lợi nhuận thu về 236% cho tới tháng 3 vừa qua bao gồm cả cổ tức. Đây là con số cực kỳ ấn tượng với mức 197% của các chỉ số chứng khoán của Thái Lan trong cùng giai đoạn.

Banthoon nói rằng dù dành nhiều thời gian tại Nan – một ngôi làng nhỏ cách 560 km từ Bangkok, ông vẫn chịu trách nhiệm với kết quả kinh doanh của ngân hàng và chỉ không điều hành hoạt động hàng ngày tại đây mà thôi. Ông cũng lên kế hoạch từ bỏ vị trí CEO khi đã thấy đủ tự tin tìm người kế nghiệp.

“Ngân hàng đang trong giai đoạn quan trọng. Tôi phải chắc chắn nó sẽ hoạt động bền vững và không sụp đổ sau khi tôi rời đi”.

3 vị chủ tịch ngân hàng (từ trái qua phải): Predee Daochai, Pipit Aneaknithi, and Kattiya Indaravijaya.
3 vị chủ tịch ngân hàng (từ trái qua phải): Predee Daochai, Pipit Aneaknithi, and Kattiya Indaravijaya.

Trong khi đó ở trụ sở chính của ngân hàng này – một tòa nhà cao 40 tầng có tầm nhìn ra bờ sông Chao Phraya – có 4 vị chủ tịch đang điều hành hoạt động hàng ngày – tất cả đều là những người kỳ cựu với ít nhất 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo. Ngày 3/4 một trong số đó là Teeranun Srihong – 51 tuổi đã từ chức.

3 chủ tịch còn lại là Predee Daochai – 58 tuổi quản lý rủi ro; Kattiya Indaravijaya – 51 tuổi phụ trách hoạt động tài chính và nguồn nhân lực. Pipit Aneaknithi – 49 tuổi kiểm soát hoạt động quốc tế của ngân hàng bao gồm chi nhánh tại Trung Quốc, Campuchia và Lào.

Hiện tại, Banthoon chưa chọn và cũng chưa cho biết ai sẽ là người được chọn là vị trí kế nghiệp CEO.

“Vẫn còn quá sớm để quyết định”, Banthoon nói. “Tôi vẫn giải quyết các vấn đề hàng ngày. Có rất nhiều yếu tố tạo nên một CEO tốt”.

Người kế vị tiếp theo sẽ không thể thay đổi chiến lược của ngân hàng, theo Giám đốc đầu tư Adithep Vanakriksha.

“Quan điểm của chúng tôi là kế hoạch nối ngôi đã có và lựa chọn là bổ nhiệm từ nội bộ. Và chúng tôi luôn tin tưởng vào đội ngũ quản lý hiện tại thay vì một cá nhân đơn lẻ nào đó”.

Có một điểm đáng chú ý trong quá trình chuyển giao quyền lực lần này là Banthoon còn là chủ tịch của ngân hàng. Ông đã tiếp nhận vị trí này vào năm 2013 khi người chú Banyong nghỉ hưu. Việc sắp xếp cho cả 2 vị trí này cần phải mất 6 năm dưới sự cho phép của Ngân hàng Trung ương Thái Lan với điều kiện ban giám đốc của ngân hàng độc lập.

Tới cuối năm 2019, Banthoon cần từ bỏ 1 trong những chức danh đó. Ông sẽ phải từ bỏ vị tí CEO và vẫn là chủ tịch “trong một khoảng thời gian”. “Tôi hy vọng không dài”.

Banthoon đã tới tỉnh Nam thường xuyên hơn kể từ năm 2010 khi ông mua lại một khách sạn cũ bằng gỗ và biến nó thành một phòng nghỉ cho thuê với giá từ 60 – 100 USD/đêm.

Năm 2013, ông đã xuất bản cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của một vị vua hư cấu theo trí tưởng tượng của ông và in cả bìa cuốn tiểu thuyết lên khắp các bức tường ở khu nhà nghỉ cho thuê.

Đến năm 2014, ông bắt đầu chiến dịch bảo vệ rừng địa phương, cùng với công chúa Maha Chakri Sirindhorn để nâng cao nhận thức và ngăn chặn phá rừng.

Ở căn nhà nhỏ phía sau khu nhà nghỉ, Banthoon bận rộn chuẩn bị một hội thảo với 800 người tham dự về sông Nam và những khu rừng quanh đó. Ông nói rằng hy vọng sự hiện diện của ông ở đây có thể ngăn chặn nạn phá rừng. Gần 30% diện tích rừng đã mất khi người dân chặt cây và trồng bắp cho bò ăn. Banthoon mô tả hành động này là “rất rất ngu ngốc” gây phá hoại nguồn tài nguyên của nước nhà.

“Thử thách đối với tôi là tới đây trước khi trở nên quá già”.

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

Trở lên trên