Chuyện làm trạm sạc của các hãng xe điện Việt: VinFast mở 150.000 cổng sạc, Dat Bike nhờ khách hàng... tự xây 80 điểm, Selex Motors khỏi cần xây trạm
Mạng lưới trạm sạc, đổi hoặc thuê pin cũng trở thành mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái xe điện, ảnh hưởng đến khả năng bao phủ, mở rộng thị trường của các hãng xe điện trên thị trường.
- 25-05-2023Từng bán chạy nhất thế giới, chiếc xe điện mini được người Việt ngóng chờ cũng phải “chao đảo” trước cuộc đua giảm giá - doanh số giảm mạnh tại chính sân nhà
- 25-05-2023Mẫu xe chuẩn bị trình làng ở Việt Nam bất ngờ giảm giá - cuộc chiến xe điện mini nóng dần từng ngày
- 24-05-2023Cuộc chiến giá cả đã khốc liệt, giá của nguyên liệu này còn tăng 60% chỉ trong 1 tháng khiến ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc chao đảo
Trong khi thị trường ô tô điện tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai thì xe máy điện không còn là điều mới lạ. Dù xe máy xăng vẫn đang chiếm số lượng áp đảo nhưng thời gian gần đây, thị trường xe máy điện trong nước ngày càng “nóng” và sôi động hơn nhờ xu hướng chuyển đổi sang xe điện trên thế giới, và đặc biệt là sự tham gia của nhiều tân binh có tiềm lực trên thị trường.
Đối với xe máy điện, nếu như trước kia người sử dụng gần như chỉ có lựa chọn sạc xe tại nhà thì giờ đây, các nhà sản xuất mới đều tập trung xây dựng mạng lưới trạm sạc/thay pin, để tăng sự thuận thiện, hạn chế các sự cố hết điện giữa đường cho người sử dụng trong quá trình di chuyển.
Mạng lưới trạm sạc, đổi hoặc thuê pin cũng trở thành mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái xe điện, ảnh hưởng đến khả năng bao phủ, mở rộng thị trường của hãng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất xe điện do chi phí đầu tư lớn.
Vậy những tên tuổi nổi bật, mới nổi trong thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang phát triển hệ thống trạm pin như thế nào?
VinFast – thương hiệu có tiềm lực mạnh nhất, đã bước chân vào thị trường xe máy điện từ tháng 11/2018, với dòng xe đầu tiên mang tên VinFast Klara. Cùng với việc phát triển ô tô điện, VinFast đã mạnh tay chi tiền đầu tư mạng lưới trạm sạc và thuê pin trên khắp cả nước. Hiện thương hiệu này sở hữu hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện tại 63 tỉnh thành.
Các trụ sạc được đặt tại vị trí đỗ xe công cộng mà không làm thay đổi công năng của bãi đỗ xe. Thiết bị sạc do VinFast sản xuất, chế tạo với hình thức hiện đại, tuân thủ theo tiêu chuẩn của Châu Âu về an toàn điện. Thời gian sạc đầy tiêu chuẩn khoảng 4 giờ.
Chủ xe máy điện VinFast có thể quản lý lịch trình, chi phí sạc và thanh toán qua ứng dụng do VinFast cung cấp. Hiện hãng này đang tính đơn giá sạc ô tô điện, xe máy điện là 3.117 VNĐ/kWh (tương đương Đơn giá điện bậc 5 giá do Bộ Công Thương công bố ngày 20/03/2019 - Số 648/QĐ-BCT).
Ngoài ra, VinFast cũng cung cấp dịch vụ cho thuê pin với phí thuê từ 149.000 đồng đến 350.000 đồng/tháng.
Với Dat Bike , một startup nổi bật từ sau cuộc thi Shark Tank Việt Nam, thay vì sản xuất các xe máy điện thông thường, Dat Bike tập trung sản xuất dòng mô-tô điện với thiết kế mạnh mẽ, bụi bặm hơn. Startup này đã gọi được tổng cộng khoảng 16 triệu USD và được định giá khoảng 32 triệu USD. Nhà sáng lập kiêm CEO Dat Bike – ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết công ty tăng trưởng doanh thu 10 lần/năm.
Hiện Dat Bike có 3 showroom tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Với hệ thống trạm sạc, công ty này đang xây dựng mạng lưới bao gồm các điểm do Dat Bike triển khai và do chính người dùng tự phát triển. Theo tìm hiểu, hiện có 5 điểm sạc do Dat Bike triển khai, chủ yếu tại TP.HCM.
Trong khi đó, nhờ tạo được mối liên hệ gần gũi với khách hàng mà Dat Bike có tới 80 điểm sạc do chính khách hàng tự kết nối với các nhà dân, quán cà phê, khách sạn,… để cho phép sạc xe. Tại những địa điểm này, có nơi cung cấp sẵn bộ sạc, có nơi không. Chi phí sạc điện cũng do chủ từng địa điểm quyết định.
Hồi tháng 8/2022, Dat Bike còn triển khai trạm sạc pin siêu tốc, có khả năng sạc cho quãng đường 100 km chỉ trong 20 phút. Hãng khẳng định đây là tốc độ sạc xe máy điện nhanh chưa từng có tại Việt Nam. Tuy nhiên gần đây, Dat Bike thông báo đóng điểm sạc này do mặt bằng bị thu hồi.
Một “tay chơi” mới trên thị trường xe máy điện khác là Selex Motors . Thương hiệu này chỉ tập trung phát triển dòng xe máy dành riêng cho giao vận. Thời gian gần đây, Selex Motors gây chú ý khi liên tiếp hợp tác cùng các ông lớn như Lazada, Baemin, Grab,… để thử nghiệm chuyển đổi sang giao hàng bằng xe điện.
Selex Motors có phần khác biệt ở chỗ không xây dựng các trạm sạc mà thay vào đó là các trạm đổi pin. Đơn vị này hiện đã triển khai được 51 điểm đổi pin, trong đó có 24 điểm tại TP.HCM. Tại đây, chủ xe có thể dễ dàng thay pin trong vòng 2 phút.
Hãng cho biết chi phí đổi pin thấp hơn giá xăng từ 25-35% tính trên cùng một quãng đường đi được. Cụ thể, chi phí đổi pin phụ thuộc vào độ dài quãng đường đã đi và số lượng pin, dao động trong khoảng 650.000 – 1.475.000 đồng. Trong khi đó, chi phí thuê pin từ 180.000 – 450.000 đồng/tháng.
Mạng lưới đổi pin của Selex Motors là mạng lưới đổi pin dùng chung đầu tiên ở Đông Nam Á. Với công nghệ bản quyền, pin của Selex có thể tương thích và sử dụng bởi khoảng 70% xe máy điện trên thị trường. Do đó mạng lưới đổi pin của Selex Motors có thể được chia sẻ và dùng chung bởi khách hàng sử dụng xe của các hãng khác nhau.
Ngoài ra, thị trường cũng mới chào đón thêm một nhân tố mới là xe điện Evgo do Tập đoàn Sơn Hà sản xuất. Tập đoàn này đã ký kết hợp tác với VinES – công ty sản xuất pin thuộc Vingroup để phát triển các mẫu pin phù hợp với thiết kế các mẫu xe Evgo. Xe máy điện Evgo cũng sẽ dùng chung trạm sạc của VinFast.
Nhịp sống thị trường