Chuyện lan đột biến và chó Nhật Bản
Thời gian này đang rộ lên chuyện lan đột biến được truyền tay bán mua với giá trị tiền cao ngất ngưởng. Ôi chao là những đồn thổi, nào vài trăm triệu, vài tỉ đồng một gốc lan bé tí hiu, lại có những giao dịch mua bán lan đột biến lên đến hàng mấy chục tỉ đồng…
- 31-03-2021Bóc mẽ lan đột biến tiền tỷ
- 31-03-2021Lan đột biến giá trăm tỷ có sự thao túng tạo giao dịch ảo?
- 30-03-2021Bán nhà, vay nợ để “lướt sóng” lan đột biến
Lướt mạng xem, thấy nhiều bài báo trên nhiều tờ điện tử, cũng đầy những thông tin các kiểu. Có nhiều bài, tác giả nói chuyện gặp gỡ những chủ vườn lan, rồi có cả những tên tuổi là chuyên gia có chức sắc và nhãn mác đàng hoàng trong lĩnh vực canh tác nông nghiệp. Các bài viết đều kích thích người đọc theo nhiều hướng tiếp cận. Tựu trung lại, có ba ý: Một là vì sao lan đột biến lại đắt? Hai là cách trồng, nhân giống lan đột biến ra sao? Ba là nêu ra việc nhiều người thu lợi đến sửng sốt vì kinh doanh lan đột biến và cho đây là một lĩnh vực có thể đầu tư để làm ăn kinh tế, thu tiền lãi lớn. Cái "chết người" chính là nằm ở ý thứ ba này.
Một cành lan đột biến được rao bán. Ảnh: internet
Giờ ngồi ngẫm nghĩ, thử phân tích xem vì sao lại "chết người" ở ý thứ ba.
Thứ nhất, những hình ảnh hoa lan đột biến đưa lên để phân tích cũng là đẹp thật. Và người ta bảo nó đẹp vì nó là… đột biến, không dễ có, không dễ gặp, không thường biến... Nhưng tôi là người đã từng ở mãi trên núi cao, đã từng đi nhiều cánh rừng để kiếm phong lan từ hồi còn trẻ trâu, tôi thấy đa số hoa phong lan tự nhiên đều… đẹp.
Phong lan thường biến cũng rất đẹp. Có lúc cái đẹp còn nằm ở sự bát ngát, xum xuê, sung mãn đến khó tin là một giống cây không mọc trên đất trước mắt mình. Hoa phong lan tự nhiên đẹp vì nó ở nhiều dạng, nhiều kiểu kết cấu khác nhau. Chứ không như loại địa lan, loại lan Tàu trồng công nghiệp nở đầy hoa, bán cũng đắt, người ta hay gửi biếu tặng các mối quan hệ dịp Tết. Cái thứ hoa ngàn ngạt, tức mắt, giống nhau như vẽ ấy, với một người đã từng say đắm vẻ đẹp đầy sức sống rất tự nhiên của phong lan rừng là tôi, thì dứt khoát là không đẹp, hoặc cùng lắm, chỉ là đẹp… vừa thôi.
Ý thứ hai là cách trồng, nhân giống lan đột biến. Thì cũng như lan thường biến thôi: Nhân giống hữu tính (bằng hạt), nhân giông vô tính bằng cách cắt giâm các đốt cây (kie) và nhân giống bằng nuôi cấy mô (invitro). Cũng phải bảo vệ, chống sên ăn, chuột cắn và chú ý các điều kiện về độ ẩm, ánh sáng, nguồn gió cho phù hợp với từng giống lan khác nhau… Ai trồng lan, chơi lan cũng có thể làm được, không nhất thiết phải là đại gia giàu có hay thành đạt vào hàng chức sắc. Tất nhiên lan là giống cây hoa khó tính vào bậc nhất. "Quân tử chi lan", "Vua chơi lan, quan chơi trà" cơ mà.
Và thứ ba, việc đưa ra ý kiến kinh doanh lan đột biến hiện là một lĩnh vực có thể đầu tư, kiếm tiền lớn. Tôi nói ý này "chết người" là bởi nghe tin có người quen, hoàn cảnh kinh tế đang ngặt nghèo, lại đang tính đi vay tiền lớn của bạn bè để mua lan đột biến nhằm kinh doanh. Đọc trên báo, thấy nói một kie (đốt) lan đột biến có giá một tỉ, mua về nhân giống ra, một thời gian sau, nó phát triển đến 7, 8 đốt, lại cắt ra bán, một tỉ thành ra 7 đến 8 tỷ. Thế thì đúng là như trúng Vietlott rồi còn gì nữa? Nhất là mấy anh chị giáo viên, nhà báo, đã từng biết chơi lan, chưa tính đâu ra tiền lớn, thì còn ham đến đâu nữa.
Tôi nhớ lại chuyện phong trào nuôi chó Nhật ở Hà Nội mấy chục năm trước đây. Trời ơi, cứ như ma làm ấy. Ở đâu ra cái tin là chó Nhật được người bên Tàu mua giá rất cao, mấy triệu, mấy chục triệu (hồi ấy) là một khoản tiền rất lớn. Có nhiều gia đình nuôi chó Nhật thắng lớn. Một con đẻ ra 5, 6 con, có người đến mua ngay, giá cao ngất ngưởng. Rồi lại đẻ tiếp, lại có người đến mua giá cao.
Sau rồi tràn lan mua chó Nhật về nuôi. Đến một thời điểm, tất cả dừng lại vì chẳng có ai mua nữa. Hóa ra, ban đầu vì cái tin chó Nhật bán được giá cao, người đi mua đều là người mua về nuôi, đến khi bão hòa, chẳng có chuyện xuất bán được, thì cùng trắng tay. Những người nuôi ban đầu bán được cho người nhảy vào nuôi sau, rồi cứ thế tiếp diễn, cho đến khi trắng phớ mắt ra vì thực sự chả có ai mua để mang đi xuất bán cho bên Tàu chơi cả.
Chính nhà tôi, cô vợ giáo viên, anh chồng nhà báo, dốc hết gia sản mấy triệu bạc ra tậu lấy một con, rồi thịt thà, đường sữa, bóp mồm bóp miệng hai đứa con thơ mà dành cho chó Nhật chén để nó nhanh lớn, nhanh đẻ con, nghĩ đợi giàu rồi thì tha hồ mà sướng. Một thời gian ngắn sau thì bạc mặt. Con chó Nhật ấy đem cho không ai lấy, thả ra đường không ai bắt, lại không chịu bỏ đi, cứ quay về… Tức quá, mang về làng, bảo bố mẹ nuôi hộ. Bố tôi nuôi một thời gian, thấy cho ăn thì vất vả, hay rên ư ử, lại chả thể mong nó lớn để làm bữa rựa mận, cuối cùng đành hóa kiếp nó, đem chôn ở góc vườn…
Giờ không khéo vụ lan đột biến này cũng giống như vụ chó Nhật hồi nào! Thì cứ thử nghĩ xem, thị trường tiêu thụ lan đột biến giá cao chót vớt ấy ở đâu ra, hay chỉ là mấy người tin vào như tôi tin nuôi chó Nhật mua bán sang tay với nhau để rồi đến lúc bão hòa, tiền mất mà đau điếng. Thà rằng là mấy chủ nhà vườn cây hoa lớn trồng chơi, bán chơi, có lỗ cũng cân đối được, chứ dân thu nhập trung bình, vay và dồn tiền kinh doanh lan đột biến thì dễ ngả ngửa ra lắm. Ngã ngửa ra rồi, thì lại hận hoa phong lan, cả đột biến lan sang thường biến, đổ tiếng tội nghiệp cho một loài hoa cao sang, đẹp đẽ, thì chả ra làm sao cả!
Nhà đầu tư