MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện nghề bác sĩ thú y ở nông thôn: Cả ngày "lặn ngụp" trong chuồng gia súc, hy sinh giấc ngủ để cứu lấy gia tài của dân làng

03-09-2023 - 22:46 PM | Sống

Chuyện nghề bác sĩ thú y ở nông thôn: Cả ngày "lặn ngụp" trong chuồng gia súc, hy sinh giấc ngủ để cứu lấy gia tài của dân làng

Là bác sĩ thú y nông thôn, Long Tuấn có hai cánh tay được dân làng gọi là “thần khí”, một dùng để khám thai, một “tiêm đâu trúng đó”.

Trong thành phố, động vật được thêm một từ “cưng” thành “thú cưng”, thể hiện tình yêu của chủ sở hữu đối, đó là sự đồng hành tinh thần, chăm sóc lẫn nhau như người trong gia đình.

Ở nông thôn, động vật là nguồn thu nhập, một con lợn được niêm yết giá rõ ràng, cải thiện sinh kế của một gia đình.

Long Tuấn (tên đầy đủ: Long Điện Tuấn) là bác sĩ thú y nông thôn đã có hơn 30 năm kinh nghiệm. Anh chủ yếu cứu chữa gia súc trong trấn huyện, bao gồm thụ tinh, đỡ đẻ, chữa bệnh... Trong chuồng gia súc bốc mùi, Long Tuấn thường bị văng phân bò lên người: “ Trên người không dính chút phân, vậy sao có thể gọi là bác sĩ thú y?”.

Chuyện nghề bác sĩ thú y ở nông thôn: Cả ngày "lặn ngụp" trong chuồng gia súc, hy sinh giấc ngủ để cứu lấy gia tài của dân làng - Ảnh 1.

Long Tuấn - bác sĩ thú y nông thôn

"Thần y" của làng đang đến!

Là bác sĩ thú y nông thôn, Long Tuấn có hai cánh tay được dân làng gọi là “thần khí”, một dùng để khám thai, một “tiêm đâu trúng đó”.

Nói thật sự không ngoa, chỉ cần sờ và kiểm tra bằng tay, Long Tuấn có thể biết một con vật có đang mang thai hay không và cái thai đang ở trong tình trạng như thế nào.

Đã là bác sĩ thì tất nhiên phải có kỹ năng tiêm chích điêu luyện, song tiêm cho gia súc là chuyện khác hẳn so với người. Da bò rất dày, không có lực căn bản không đâm vào được, hơn nữa phải chích “một phát trúng ngay”, nếu lệch một chút cũng khiến con bò bị đau đớn và phát điên.

Trong quá trình tiêm cho gia súc thông thường, con vật sẽ được giữ chặt đầu và thân để bác sĩ có thể tiêm chính xác hơn. Còn Long Tuấn sẽ tiến lên nhẹ nhàng vuốt ve con vật, nói chuyện với nó, rồi bất ngờ tiêm vào. Con vật chưa kịp phản ứng thì mọi chuyện đã xong xuôi.

Chuyện nghề bác sĩ thú y ở nông thôn: Cả ngày "lặn ngụp" trong chuồng gia súc, hy sinh giấc ngủ để cứu lấy gia tài của dân làng - Ảnh 2.

Long Tuấn khám thai cho bò

Long Tuấn chọn nghề thú y xuất phát từ tình yêu động vật, nào có ngờ mới nháy mắt mà 30 năm đã trôi qua. Sinh ra ở huyện Ba Ngạn, tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc), Long Tuấn từ nhỏ đã thích động vật, trong nhà nuôi gà, nuôi lợn, còn có một con chó trông cửa.

Sau khi tốt nghiệp, Long Tuấn chuyển đến trấn Long Miếu, mở một hiệu thuốc thú y và đến tận nhà để khám bệnh.

Vật nuôi trong thành phố chủ yếu là người bạn được gửi gắm tinh thần của những người chủ. Nhưng ở nông thôn, động vật là miếng cơm manh áo, là nguồn thu nhập chính.

Tại trấn huyện mà Long Tuấn sống có hơn 10 hiệu thuốc thú y lớn nhỏ, trong đó chỉ có 4, 5 nhà thuốc cung cấp dịch vụ khám tại nhà. Anh bận rộn từ sáng đến tối mỗi ngày, trung bình phải di chuyển đến 15 hộ dân, mùa hè thường nhiều hơn.

Khám bệnh cho gia súc cũng giống như khám bệnh cho người, chú ý vào việc “nhìn, ngửi, hỏi, cắt”. Đầu tiên nhìn bề ngoài có triệu chứng gì, sau đó đi vòng một vòng xem chân có vấn đề gì không, mũi có giọt nước hay không, mí mắt khô hay ướt, phân tích nguyên nhân, điều trị triệu chứng. Mà người chăn nuôi bò quan tâm nhất chính là bò có thể mang thai hay không, muốn sinh con cái chất lượng thì phải có sự giúp sức của con người.

Chuyện nghề bác sĩ thú y ở nông thôn: Cả ngày "lặn ngụp" trong chuồng gia súc, hy sinh giấc ngủ để cứu lấy gia tài của dân làng - Ảnh 3.

Thụ tinh cho bò và khám thai đòi hỏi phải kiểm tra trực tràng, để có thể cảm nhận trực quan tình trạng cơ thể của gia súc, thông thường phải dùng tay móc phân bò sạch sẽ, ruột không có chướng ngại vật, thuận tiện hơn cho bác sĩ thú y để nắm bắt tình trạng tử cung. Công việc mà Long Tuấn thường làm mỗi ngày nhất chính là móc phân bò. Thế nhưng làm nhiều thành quen, anh đã xem cái mùi khó ngửi ấy là “không khí bình thường”.

Có lần con bê nhà hộ nuôi bò không ăn cỏ, mời Long Tuấn tới tận nhà kiểm tra. Long Tuấn chỉ đơn giản sờ vài cái liền nói, trong bụng con bê này có giun, phải phẫu thuật. Hộ dân không tin. Dân làng cũng hiếu kỳ vây đến xem.

Long Tuấn tiêm thuốc tê cho con bê, rồi mở phần ruột ra, quả nhiên có hơn 100 con giun. Hộ dân vỗ vai Long Tuấn liên tục hô to: "Thật sự là thần y”. Long Tuấn cúi đầu cười cười.

2. Từng là một bác sĩ thú y non nớt và tự mãn

Đừng nhìn hiện tại dân làng đều gọi Long Tuấn là "thần y", nhưng hơn 20 năm trước, anh cũng là một sinh viên mới ra trường không được chào đón.

Thời điểm đó, người dân không tin tưởng anh, rất ít mời anh về nhà khám gia súc. Mỗi ngày đi xe đạp ra ngoài để khám bệnh, nhiều nhất chỉ kiếm được vài chục NDT.

Long Tuấn rất thất vọng, cảm thấy mình dù gì cũng xuất thân chuyên khoa, thế mà người dân lại nghi ngờ năng lực của anh. Nhưng sau khi thăm khám thực tế, anh mới nhận ra thực hành khác một trời một vực với lý thuyết.

Long Tuấn vẫn còn nhớ một sai lầm của mình. Đó là 23 năm trước, anh đi khám bệnh gia súc của một trang trại lợn. Hơn mười con lợn sốt cao không hạ, trên người nổi vết đỏ. Dựa trên kiến thức lý thuyết, Long Tuấn phán đoán là do Circo virus (một bệnh còi cọc ở lợn), và kê đơn thuốc.

Nhưng tình trạng lợn có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, chủ trang trại vội vàng mời một bác sĩ thú y lớn tuổi khác, đã trị khỏi cho đàn lợn với “bệnh đóng dấu lợn”.

Long Tuấn rất xấu hổ, từ lúc đó trở đi, anh trở nên khiêm tốn cẩn thận, không còn tự kiêu tự mãn. Mỗi ngày khi không làm việc, anh lao đầu nghiên cứu sách vở, học đi đôi với hành, tay nghề cũng ngày một cứng cáp hơn.

Mặc kệ thời tiết như thế nào, thời gian nào, cho dù là nửa đêm, Long Tuấn đều sẵn sàng có mặt để khám bệnh cho động vật. Dần dần, anh chiếm được lòng tin của dân làng.

Cho đến hiện tại đã 50 tuổi, đôi khi anh còn cảm thấy mệt mỏi vì cuộc gọi mời đến nhà khám bệnh cho gia súc quá tải.

“Nghề thú y ở nông thôn không chỉ giúp tôi kiếm tiền, mà còn là cách để tôi có được sự bình an” , Long Tuấn nói.

Đi khám bệnh không tính phí, thu nhập Long Tuấn kiếm được chủ yếu là tiền thuốc, giá bán theo con số niêm yết trên thị trường.

Có khi Long Tuấn “tăng ca” đến nửa đêm, hơn 12 giờ mới về đến nhà, vừa nằm xuống thì điện thoại lại vang lên, lại tiếp tục mang dụng cụ đi khám bệnh, và rồi trời cũng sáng.

Dẫu thế, nhưng Long Tuấn cũng không tức giận, mệt mỏi nhưng đổi lại là niềm hạnh phúc, là sự yêu mến của dân làng. Cái cảm giác đi ra ngoài đường ai cũng nhìn mình vẫy tay chào hỏi, có gì ngon lại mang qua cho. Những nụ cười giản dị, thân tình này trở thành nguồn động lực vô bờ giúp Long Tuấn tiếp tục gắn bó với nghề.

Chuyện nghề bác sĩ thú y ở nông thôn: Cả ngày "lặn ngụp" trong chuồng gia súc, hy sinh giấc ngủ để cứu lấy gia tài của dân làng - Ảnh 4.

Dân làng tặng rau củ cho Long Tuấn

Người cha lạnh lùng và người chồng không có nhà

Dân làng rất tôn trọng Long Tuấn, khen anh là mẫu đàn ông tốt siêng năng và tài giỏi. Nhưng trong mắt con trai Tiểu Long, anh là một người cha “tệ”. Bây giờ nhìn lại, Tiểu Long chỉ dùng hai chữ để miêu tả mối quan hệ với bố: Lạnh nhạt.

Vì công việc bận rộn, Long Tuấn chưa bao giờ đón con tan học, trong ngày hai bố con cũng rất ít khi gặp mặt. Thường thì khi Tiểu Long rời giường, bố đã ra ngoài; khi cậu ngủ, bố còn chưa đi khám bệnh trở về.

Tiểu Long vô cùng chán ghét công việc thú y của Long Tuấn, từng cho rằng đó là nghề "hạ đẳng nhất", còn không bằng nông dân.

Giai đoạn đầu, Long Tuấn làm ăn không tốt, không có cửa hàng riêng, thường xuyên có dân làng dắt bò đến nhà tận khám bệnh, trong sân đầy mùi phân, khiến quần áo của Tiểu Long cũng bị ám mùi.

Bố là bác sĩ thú y khiến Tiểu Long bị xa lánh ở trường. Cậu từng thử nói chuyện với bố rằng mình bị bắt nạt ở trường, Long Tuấn chỉ coi là trò đùa giỡn giữa trẻ con nên không quan tâm. Tiểu Long từ đó cũng còn muốn không tâm sự với bố.

Chuyện nghề bác sĩ thú y ở nông thôn: Cả ngày "lặn ngụp" trong chuồng gia súc, hy sinh giấc ngủ để cứu lấy gia tài của dân làng - Ảnh 5.

Long Tuấn đi khám vào ban đêm

Điều khiến Tiểu Long khó có thể chịu đựng được nhất chính là bố thường đưa tay vào mông bò, khiến cậu cảm thấy ghê tởm. Long Tuấn chạm vào thức ăn, cậu rất ít khi động vào món ấy. Có lần Long Tuấn đưa cho con trai một cái bánh bao, cậu nhận nhưng không dám ăn.

Sau khi Tiểu Long lên cấp hai, Long Tuấn làm ăn tốt hơn, nhà chuyển đến trấn. Long Tuấn bận rộn hơn trước nên cho Tiểu Long đến trường nội trú. Sau đó, Tiểu Long thi đậu đại học Cáp Nhĩ Tân. Số lần bố con liên lạc nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay.

26 năm trôi qua, mối quan hệ giữa hai bố con đã trở nên bế tắc như vậy. Long Tuấn cũng cảm thấy có lỗi với con trai, cũng có lỗi với vợ mình rất nhiều.

Long Tuấn quen đi sớm về khuya, trách nhiệm chăm sóc gia đình tự nhiên “đổ lên đầu” vợ anh. Vợ anh làm việc trong một trường tiểu học địa phương, mỗi ngày sau giờ hành chính, cô còn phải dọn dẹp nhà cửa, làm việc nhà, quản lý đừng đồng ra đồng vào.

Có lần vợ anh suýt mất mạng vì sức khỏe kém trong khi anh đang đi khám bệnh cho gia súc. Cũng may có hàng xóm phát hiện, nếu không hậu quả có thể khiến anh ân hận cả đời.

Song, "Một con bò là nửa tài sản của người ta, có thể không đi khám sao, ngày đêm cũng phải đi", Long Tuấn nói.

Chuyện nghề bác sĩ thú y ở nông thôn: Cả ngày "lặn ngụp" trong chuồng gia súc, hy sinh giấc ngủ để cứu lấy gia tài của dân làng - Ảnh 6.

Mùa hè này, con trai Tiểu Long trở về nông thôn vì kinh doanh thất bại ở Cáp Nhĩ Tân. Long Tuấn vẫn vui vẻ đón chờ một lần nữa cùng sống chung với con trai dưới một mái nhà.

Tiểu Long cũng một lần nữa đi vào thế giới của Long Tuấn, trước đây anh chưa bao giờ theo bố đi khám bệnh, lần này anh có thể tận mắt và thành tâm quan sát cuộc sống của bố. Những vất vả dậy sớm về khuya, niềm yêu thương của dân làng, còn có đôi tay "khởi tử hồi sinh" cho những con vật, đều trở nên đáng yêu trong mắt Tiểu Long.

Tiểu Long từng hỏi Long Tuấn: “Bố có chuyên môn như vậy, vì sao không đến thành phố mở cửa hàng, chữa bệnh cho thú cưng, có thể kiếm được nhiều tiền hơn”.

Thật ra, Long Tuấn không phải không nghĩ tới, nhưng anh đã quen với cuộc sống ở trấn huyện này, anh thuộc tên từng hộ dân, quen thuộc từng cái cây ngọn cỏ. Mà ở đâu có quen thuộc thì có an tâm, xe cộ trong thành phố không hề hấp dẫn đối với anh.

Ban đêm, Tiểu Long thức đêm chơi game, bỗng nhiên nghe thấy điện thoại di động của bố vang lên, lại là một ca khám bệnh khẩn cấp. Tiểu Long ngồi ở ghế phụ, cốp xe tải chất đầy thuốc trị liệu, xe nổ máy chạy đi, chai lọ va vào nhau phát ra tiếng leng keng.

Nguồn: The Paper

Theo Trung Hạ

Phụ nữ mới

Trở lên trên