MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện người Hàn trên đất Việt: 10 đồng xuất khẩu thì Samsung 'cáng đáng' 2, thâm hụt thương mại từ Hàn Quốc cũng nhiều nhất

Xuất khẩu chúng ta phụ thuộc gần 1/5 vào Samsung, còn nhập khẩu thì nay thâm hụt với Hàn Quốc cũng là lớn nhất.

Một điểm sáng của kinh tế trong Việt Nam trong quý II/2017 phải được kể đến chính là hoạt động giao thương quốc tế.

Cụ thể, các số liệu được công bố mới đây từ Tổng cục Thống kê đã chứng minh điều đó: Nhập khẩu tăng 26,8% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cũng tăng 24,5%, góp phần giảm bớt thâm hụt thương mại. Đây đồng thời cũng là những mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thế nhưng, đứng đằng sau câu chuyện về những con số thống kê xuất nhập khẩu ấn tượng của Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 lại chính là những người Hàn Quốc.

Nhìn vào cả 2 đầu xuất khẩu và nhập khẩu, chúng ta đều thấy sự đóng góp lớn của các siêu tập đoàn xứ sở kim chi trong cán cân xuất nhập khẩu.

Chuyện cũ xuất khẩu: Việt Nam xuất 10 phần thì FDI xuất 7 phần, 2 phần do Samsung 'cáng đáng'

Mức tăng 24,5% của xuất khẩu được đóng góp hầu hết các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam vẫn thường xuất ra nước ngoài.

Cụ thể, Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện đạt 20,1 tỷ USD (tăng 18,3%); điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,3 tỷ USD (tăng 42,3%) hay máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cũng đạt 6,1 tỷ USD (tăng 36,3%). Điều đáng nói, trong số 3 mặt hàng nói trên, những người Hàn Quốc đã đóng góp phần lớn vào 2 mặt hàng: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện.

Là người công bố báo cáo, Viện trưởng- Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đề cập thẳng tới Samsung, chứ không phải một doanh nghiệp thuần Việt nào, như một gã khổng lồ đang cáng đáng cả nền xuất khẩu Việt Nam:

"Chúng ta cần nhìn nhận rằng tăng trưởng xuất khẩu như vậy đến rất nhiều từ khu vực FDI, đặc biệt là một số đại doanh nghiệp như Samsung".

Đồng thời, Báo cáo trên cũng chỉ rõ rằng sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong quý II thể hiện sự phụ thuộc của chúng ta vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có những doanh nghiệp rất lớn đến từ Hàn Quốc như Samsung, Lotte...

"Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung" - Báo cáo chỉ ra.

Phân tích trên khá trùng hợp từ những số liệu xuất nhập khẩu mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó, hết nửa năm 2017, trong 40 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam thì một mình Samsung chiếm đến 22,7%.

Màu xanh: Khu vực FDI. Màu đỏ: Khu vực trong nước

Màu xanh: Khu vực FDI. Màu đỏ: Khu vực trong nước

"Xuất khẩu để tạo ra thặng dự thương mại cho nền kinh tế trong nước, vì thế xuất khẩu bị quá phụ thuộc vào các 'ông to' nước ngoài thì rõ ràng là một điều không tốt. Đây cũng là điều mà Tiến sĩ Thành bày tỏ lo ngại. Hiện nay, khối nước ngoài đã vượt qua hơn 72% xuất khẩu cả nước.

Lo ngại của vị viện trưởng VEPR không phải là không có cơ sở. Nếu nhìn lại số liệu từ báo cáo suốt cả khoảng thời gian dài thì có thể thấy mức phụ thuộc của Việt Nam đã tăng lên gấp đôi chỉ trong vài năm.

Năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% thì đến năm 2016 đã chiếm 70,2%, nửa đầu năm 2017 chiếm 72,4%.

"Các thành tựu của nền kinh tế Việt Nam đến đều từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực trong nước thì chưa có sự tiến bộ đáng kể. Khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực FDI, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng" - ông Thành kết luận.

Nhập khẩu: Từ Trung Quốc, chuyển sang phụ thuộc Hàn Quốc liệu có thực sự tốt?

Ở đầu nhập khẩu, một hiện tượng mới cũng đã diễn ra: Nhập khẩu Việt Nam thoát phụ thuộc Trung Quốc nhưng chuyển hướng sang thâm hụt với Hàn Quốc. Các số liệu đã chỉ ra rằng thâm hụt thương mại Việt Nam với Hàn Quốc đã vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Trong sáu tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2% cùng kỳ, trong khi nhập khẩu Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỷ USD. Từ đó, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc ở mức 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD từ Trung Quốc.

“Đây là điều chưa từng có trong lịch sử thương mại”, TS. Nguyễn Đức Thành nhận xét trong buổi công bố Báo cáo.

Hàn Quốc vươn lên là nước châu Á có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam

Hàn Quốc vươn lên là nước châu Á có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam

Nhìn vào các biểu đồ, thực ra có thể thấy chuyện chuyển từ 'phụ thuộc vào Trung Quốc' sang 'phụ thuộc vào Hàn Quốc' đã 'âm ỷ' ngay từ những năm 2014. Tại thời điểm đó, VEPR đưa ra lý giải rằng doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển hơn nên dịch chuyển nguồn nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc sang các nước phát triển hơn, có chất lượng hơn như Hàn Quốc.

Đồng thời, Hàn Quốc là nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất nên họ có xu hướng nhập khẩu máy móc thiết bị từ nước sở tại. Cho đến lúc này đây là điều “điều chưa từng có” như nhận xét của Tiến sĩ Thành. "Điều này có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới”, ông dự báo thêm.

Trạng thái chuyển từ 'thoát Trung' sang 'phụ thuộc Hàn Quốc' liệu có phải là tín hiệu tốt? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có mặt tại buổi công bố báo cáo trên cho rằng đây có thể trở thành một 'trần cản' đối với các doanh nghiệp Việt.

"Vì Hàn Quốc họ đang làm những ngành tiên tiến hơn chúng ta, do đó, khi doanh nghiệp Việt muốn vươn lên thì lại bị chặn lại. Nếu như trước đây, doanh nghiệp Việt bị chặn bởi Trung Quốc nhưng họ chỉ đưa ra được mặt hàng chất lượng tương đương chúng ta, còn Hàn Quốc lại cao hơn vài bậc”- bà Lan nói.

Theo Vũ Hán

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên