Chuyện nhà Sơn Hà: Cái tôi quá lớn đã khiến hai anh em đường ai nấy đi
Một thỏa thuận ngầm định đã được đặt ra trong nội bộ của Sơn Hà, công ty của ông Sơn sẽ bán các sản phẩm dưới thương hiệu Sơn Hà từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc, còn công ty của ông Hà sẽ bán sản phẩm thương hiệu Sơn Hà từ Quảng Nam trở vào trong.
Trước một loạt câu hỏi của các cổ đông về lý do thương vụ thâu tóm Toàn Mỹ, Chủ tịch CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) Lê Vĩnh Sơn đã lần đầu có những chia sẻ về câu chuyện anh em trong quản trị doanh nghiệp.
Anh em cùng làm việc chung với nhau là một câu chuyện không hiếm trên thương trường. Không riêng Sơn Hà, dấu ấn gia đình còn xuất hiện trong rất nhiều những tập đoàn lớn trên thị trường, Kido, Tân Tạo hay Bitexco là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, những câu chuyện “hậu trường” trong quản trị doanh nghiệp là những điều ít khi được chia sẻ, phần vì họ là những người thân trong gia đình, phần về tư tưởng “chuyện trong nhà về đóng cửa bảo nhau”.
Dù vậy, những vấn đề này đã lần đầu được tiết lộ tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Quốc tế Sơn Hà mới tổ chức. Câu chuyện Sơn Hà giữa 2 anh em là ông Lê Vĩnh Sơn và ông Lê Hoàng Hà đã lần đầu hé lộ những ẩn tình trong hoạt động giữa 2 công ty Quốc tế Sơn Hà (SHI) và Sơn Hà Sài Gòn (SHA) – những câu chuyện về khúc mắc trong quản trị khi những thành viên trong gia đình cùng tham gia trong công ty.
Nói lại về sự hình thành của 2 “đế chế” Sơn Hà tại 2 miền đất nước, ban đầu thương hiệu Sơn Hà gắn liền với CTCP Quốc tế Sơn Hà – công ty do 3 cổ đông sáng lập là ông Lê Vĩnh Sơn (sở hữu 35,2% vốn tại thời điểm SHI lên sàn), ông Lê Hoàng Hà (sở hữu 28,8%) và ông Lê Văn Ngà – bố đẻ của ông Sơn và ông Hà (sở hữu 16%). Hay nói cách khác, thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng trên thị trường xuất thân là công ty gia đình được ghép bởi tên của 2 anh em Lê Vĩnh Sơn và Lê Hoàng Hà.
Sơn Hà gây dựng danh tiếng tại khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô ngày càng mở rộng, công ty đã tính đến việc xây dựng thị phần tại khu vực phía Nam, đây cũng là tiền thân của Sơn Hà Sài Gòn ngày nay. Năm 2004, chi nhánh Công ty TNHH Cơ Kim khí Sơn Hà được thành lập với vốn điều lệ 9 tỷ đồng, trực thuộc Quốc tế Sơn Hà. Sau nhiều lần đổi tên, đến cuối năm 2010 công ty này đã được chuyển thành CTCP Sơn Hà Sài Gòn với vốn điều lệ 80 tỷ.
Để đảm bảo sự thống nhất trong Sơn Hà, 2 anh em Lê Vĩnh Sơn và Lê Hoàng Hà chia nhau đứng đầu từng khu vực. Theo đó, ông Lê Vĩnh Sơn đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT của Quốc tế Sơn Hà (SHI) còn ông Lê Hoàng Hà giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Sơn Hà Sài Gòn (SHA) – cả 2 pháp nhân đều sản xuất và bán sản phẩm dưới thương hiệu Sơn Hà.
Quy mô của Sơn Hà Sài Gòn hiện vẫn còn khá nhỏ so với Quốc tế Sơn Hà. Đơn vị: Tỷ đồng
Cũng từ đây, một thỏa thuận ngầm định đã được đặt ra trong nội bộ của Sơn Hà, công ty của ông Sơn sẽ bán các sản phẩm dưới thương hiệu Sơn Hà từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc, còn công ty của ông Hà sẽ bán sản phẩm thương hiệu Sơn Hà từ Quảng Nam trở vào trong. Sự ngầm định này một phần để tách bạch thị trường, quyền lợi giữa 2 doanh nghiệp cùng sử dụng chung thương hiệu, phần vì sự phát triển song song của cả 2. Tuy vậy, đằng sau quyết định đưa ra “thỏa thuận ngầm” là sự tách bạch dần giữa 2 anh em khác nhau trong triết lý kinh doanh, cũng là 2 người lãnh đạo của 2 doanh nghiệp cùng hoạt động dưới thương hiệu Sơn Hà.
"Mối quan hệ giữa hai anh em trong gia đình vẫn rất tốt, nhưng hệ tư tưởng trong quản lý kinh doanh khác nhau, mỗi người đều có cái tôi riêng. Điều này khiến các quyết định của Sơn Hà dù to hay nhỏ đều rất khó đi đến sự thống nhất, và đây cũng là lý do cho quyết định tách bạch hoàn toàn giữa SHI và SHA", ông Sơn mở đầu phần nói chuyện.
Câu chuyện của Sơn Hà bắt đầu từ những ngày đầu lập nghiệp, ông Sơn cho biết ông và ông Hà đã đi cùng nhau nhiều năm. “Ban đầu khi công ty quy mô nhỏ, mỗi người một công việc được phân công rõ ràng, nhưng khi quy mô lớn dần lên tôi không còn kiêm nhiệm nhiều vai trò điều hành nữa mà để anh Hà cùng tham gia. Lúc này các quyết định cần sự thống nhất trong HĐQT, và cũng là lúc sự khác biệt về quan điểm xuất hiện”, ông Sơn chia sẻ.
SHI từng có nhiều quyết sách trong hoạt động kinh doanh nhưng không đạt được sự đồng thuận giữa 2 anh em Lê Vĩnh Sơn và Lê Hoàng Hà. “Có những vấn đề dù nhỏ nhưng để đi đến được quyết định cuối cùng chúng tôi phải họp đến mấy chục cuộc. Nhiều khi tôi phải dùng đến quyền phủ quyết của Chủ tịch HĐQT”. Theo ông Sơn, một trong những mâu thuẫn lớn nhất là hệ tư tưởng trong quản trị.
Một trong những vấn đề căng thẳng là trước đây Sơn Hà từng tính đến việc tái cấu trúc hoạt động, lúc này có 2 lựa chọn là hoạt động theo mô hình Holding như những tập đoàn lớn hoặc vẫn để 1 pháp nhân và quản lý theo từng mảng kinh doanh. Lúc này ông Sơn lựa chọn mô hình holding, nhưng ông Hà bảo vệ quan điểm duy trì 1 pháp nhân do lo ngại nhiều pháp nhân hoạt động dễ dẫn đến rủi ro. “Nhiều quyết định không đi đến được sự thống nhất đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty”, ông Sơn lý giải.
Hoặc như một vấn đề khác là phát triển kênh bán hàng – một yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất như Sơn Hà, tuy nhiên bản thân 2 người lãnh đạo cũng không tìm được tiếng nói chung. Theo ông Sơn, ông muốn phát triển hệ thống chi nhánh của riêng Sơn Hà để tránh sự phụ thuộc vào những nhà phân phối bên ngoài, nhưng ông Hà lại kiên định với mục tiêu phát triển kênh bán hàng qua nhà phân phối.
“Những nhà phân phối khi quy mô nhỏ có thể họ rất ‘nghe lời’, nhưng khi quy mô lớn hơn họ có thể chèn ép ngược lại đơn vị sản xuất và thay đổi về mặt tư tưởng. Tuy nhiên vấn đề này trong nội bộ Sơn Hà không đi đến sự thống nhất, thực sự rất căng thẳng”, ông Sơn chia sẻ.
Quyết định thoái nốt 30% vốn tại Sơn Hà Sài Gòn đã được Quốc tế Sơn Hà đưa ra hồi đầu năm, như bước đi cuối cùng để tách bạch hoạt động giữa 2 công ty “anh em” nhà Sơn Hà. Tuy nhiên, thỏa thuận ngầm về việc sử dụng thương hiệu trở thành rào cản cho sự phát triển độc lập giữa SHI và SHA.
“Thâu tóm Toàn Mỹ, lợi ích đầu tiên là danh phận để Quốc tế Sơn Hà tiến công vào thị trường phía Nam”, ông Sơn lý giải. Việc sử dụng thương hiệu Toàn Mỹ cũng là bước đi quan trọng để SHI cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm mang thương hiệu Sơn Hà do SHA sản xuất tại thị trường phía Nam, nhưng dưới một danh phận khác.
Theo ông Sơn, bản thân SHA cũng đã thâu tóm một thương hiệu khác là Toàn Thắng để sử dụng tấn công thị trường phía Bắc. “SHI và SHA đều tôn trọng thỏa thuận sử dụng thương hiệu giữa 2 công ty, nhưng bài toán tăng trưởng đều cần một thị trường lớn hơn”.
Dù Quốc tế Sơn Hà đã thâu tóm một thương hiệu bồn nước khác là Trường Tuyền hồi đầu năm, nhưng theo người đứng đầu SHI, Toàn Mỹ ở đẳng cấp hoàn toàn khác so với Sơn Hà và Trường Tuyền. Thương hiệu này được định vị ở phân khúc cao cấp với giá bán cao hơn từ 10 – 20% so với các sản phẩm của Sơn Hà và Trường Tuyền, bản thân Toàn Mỹ cũng gây dựng được vị thế tại khu vực Bình Dương và TP HCM.
Cho dù SHI và SHA, cũng như Lê Vĩnh Sơn và Lê Hoàng Hà có tách bạch hoàn toàn và trở thành đối thủ của nhau trên thương trường nhưng ông Sơn vẫn tin rằng cuối cùng Sơn Hà sẽ vẫn về một mối. “Câu chuyện hợp nhất Sơn Hà có lẽ sẽ là câu chuyện của 5, 10 năm nữa. Khi cả tôi và anh Hà đều có tuổi, khi cái tôi và cá tính của mỗi người trong chúng tôi không còn nữa thì khi đó hoạt động kinh doanh ở 2 miền có thể hợp lại thành một. Nhưng chắc chắn đó chưa thể là câu chuyện trong ngắn hạn”.
Trí Thức Trẻ