MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện ở 5 'gã khổng lồ' công nghệ Mỹ: Founder lần lượt rời vị trí CEO, chỉ một người vẫn ngồi 'ghế nóng'

04-02-2021 - 17:52 PM | Tài chính quốc tế

Chuyện ở 5 'gã khổng lồ' công nghệ Mỹ: Founder lần lượt rời vị trí CEO, chỉ một người vẫn ngồi 'ghế nóng'

Thời điểm Jeff Bezos rời khỏi vị trí CEO của Amazon vào quý III năm nay, Mark Zuckerberg sẽ trở thành nhà sáng lập cuối cùng vẫn giữ vai trò giám đốc điều hành trong số 5 "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ.

Chuyển giao vị trí và quyền lực ở các công ty công nghệ lớn

Năm 2011, Steve Jobs – nhà sáng lập của Apple chuyển vị trí CEO cho Tim Cook khi sức khỏe ngày càng giảm sút do căn bệnh ung thư. Microsoft bổ nhiệm vị trí CEO cho Staya Nadella vào năm 2014 khi Steve Ballmer nghỉ hưu và người sáng lập Bill Gates rời vị trí Chủ tịch HĐQT. Alphabet, công ty mẹ của Google cũng điều chuyển vị trí này từ người đồng sáng lập Larry Page cho Sundar Pichai vào năm 2019.

Và giờ đây, Amazon vừa công bố vị trí CEO của Bezos sẽ được thay thế bởi Andy Jassy - một nhân sự lâu năm của công ty – người có công xây dựng AWS, mảng kinh doanh điện toán đám mây đem lại lợi nhuận lớn cho Amazon trong năm đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, Zuckerberg đã nắm quyền điều hành Facebook liên tục kể từ khi đồng sáng lập công ty vào năm 2004. Và Mark cũng chính là người cuối cùng giữ vị trí CEO ở công ty mình sáng lập trong số 5 công ty công nghệ lớn của Mỹ (Apple; Microsoft; Alphabet; Amazon và Facebook).

Chuyện ở 5 gã khổng lồ công nghệ Mỹ: Founder lần lượt rời vị trí CEO, chỉ một người vẫn ngồi ghế nóng - Ảnh 1.

Jeff Bezos và Mark Zuckerberg. Ảnh: Getty Images



Không giống như những nhà lãnh đạo khác - bao gồm cả Bezos - Zuckerberg nắm giữ đa số quyền biểu quyết đối với cổ phiếu Facebook. Điều này giúp cho Mark có toàn quyền lãnh đạo công ty nếu thấy phù hợp mà không phải lo lắng về ý kiến của các cổ đông. Bất kỳ cổ đông nào không đồng ý với hướng đi của Zuckerberg đều chỉ có một lựa chọn: Bán cổ phiếu của họ.

Thuận lợi này giúp Zuckerberg bắt tay vào các dự án dài hạn và thực hiện chúng miễn là ông thấy phù hợp. Đặc biệt với trường hợp của Oculus, công ty thực tế ảo mà Facebook đã mua với giá 2 tỷ USD vào năm 2014. Sau 7 năm, Oculus vẫn chưa đạt được thành công như Facebook đã hình dung khi mua lại. Tuy nhiên, do không bị áp lực từ cổ đông, Zuckerberg có thể tiếp tục thực hiện dự án "con cưng" của mình. Tầm nhìn và khả năng của Mark đã giúp cho Facebook phát triển vượt bậc như ngày hôm nay. Mark Zuckerberg đã đưa ra nhiều quyết định đúng đắn với việc phát minh ra News Feed vào năm 2006, thông qua việc mua lại Instagram và WhatsApp cũng như việc sao chép tính năng Story mà Snapchat đã đổi mới vào năm 2016 của Instagram.

Và không có dấu hiệu nào cho thấy Zuckerberg, ở tuổi 36, sắp rời vị trí CEO của Facebook.

Dấu ấn của những người kế nhiệm

Apple, Microsoft và Alphabet đều chứng kiến doanh thu và giá cổ phiếu của họ tăng trưởng với các nhà lãnh đạo mới nhất của họ.

Apple: Dưới thời Tim Cook, giá cổ phiếu của Apple đã tăng hơn 10 lần, từ 13,44 USD vào tháng 8/2011 lên 134,99 USD hôm 2/2/2021, trong khi doanh thu tăng hơn 153% từ 108,2 tỷ USD năm 2011 lên 274,5 tỷ USD vào năm 2020.

Nhưng sự đổi mới đã không diễn ra với tốc độ tương tự. Trong nhiệm kỳ thứ 2 của Jobs tại công ty từ năm 1996 đến năm 2011, Apple đã có một thời kỳ đổi mới nhanh chóng, với sự ra đời của iMac, Apple Stores, iPod, iPhone và iPad. Tuy nhiên, dưới thời Cook, danh mục sản phẩm mới chính duy nhất của công ty là Apple Watch. Nhưng Cook đã mang lại sự ổn định.

Microsoft: Giá cổ phiếu của Microsoft dưới thời Nadella đã tăng hơn 7 lần, từ 36,25 USD vào tháng 2/2014 lên 239,51 USD hôm 2/2/2021 trong khi doanh thu tăng gần 62% từ 77,8 tỷ USD năm 2014 lên 125,8 tỷ USD vào năm 2020.

Microsoft đã không giới thiệu bất kỳ sản phẩm nổi tiếng mới nào dưới thời Nadella nắm giữ nhưng Nadella đã giám sát sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh của công ty, từ bán phần mềm và giấy phép hệ điều hành sang bán đăng ký phần mềm như một dịch vụ. Đặc biệt, công ty đã phát triển mảng kinh doanh điện toán đám mây Azure - được dự đoán có thể vượt qua Apple và Office để trở thành sản phẩm lớn nhất của công ty tính theo doanh thu trong năm 2022.

Alphabet: Pichai mới tiếp nhận vị trí CEO vào năm 2019 nhưng giá cổ phiếu của Alphabet đã tăng 48% từ 1.294,74 USD trong tháng 12/2019 lên 1.919,12 USD hôm 2/2/2021. Doanh thu của công ty tăng gần 13%, từ 161,9 tỷ USD năm 2019 lên 182,5 tỷ USD vào năm 2020.

Pichai đã không có quá nhiều thời gian để đổi mới kể từ khi nắm giữ vị trí CEO. Thay vào đó, ông dành phần lớn sự quan tâm của mình vào việc cải thiện mối quan hệ với người lao động, đối phó với hệ quả của dịch Covid-19 và quản lý các cuộc chiến pháp lý của công ty. Nhân viên của của Alphabet đánh giá Pichai là một lãnh đạo có tính ổn định và chuyên môn sâu.

Theo Trang Trang

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên