MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển quyền sát hạch GPLX về Bộ Công an: Đại biểu QH đề nghị cân nhắc việc 'chuyển vai'

16-09-2020 - 14:35 PM | Xã hội

Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian qua chúng ta đã thực hiện xã hội hóa việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đã được thực hiện tốt. Nếu xã hội làm tốt thì nên ủng hộ và nhà nước không nên “ôm” vào. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị cần đánh giá kỹ tác động khi chuyển các trung tâm thực hiện nhiệm vụ này sang cơ quan công an.

Đề nghị xây dựng hai phương án

 Sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc đào tạo, cấp phép lái xe thuộc bộ nào quản lý tiếp tục là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại phiên họp.

 Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung làm thay đổi trách nhiệm đang thực hiện như quy định thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an; lược bỏ thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGTĐB của Thanh tra Giao thông.

 Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các ý kiến trên và đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai luật, không để chồng chéo, trùng lắp.

 Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Thường trực Ủy ban QPAN thấy rằng, từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ (2001 và 2008) và được thực hiện ổn định. Bộ GTVT đã cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động này; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; bên cạnh đó, vẫn còn một số bất cập về chất lượng đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và theo dõi thi hành pháp luật về an toàn giao thông đối với người lái xe.

 Theo cơ quan thẩm tra, quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông (kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe), liên quan trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nên khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp; đồng thời, giao Bộ Công an để thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông; quản lý hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX.

 Nội dung này cũng đã được Chính phủ thảo luận và thống nhất quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xây dựng 2 phương án: quy định Luật này (phương án 1) hoặc quy định trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (phương án 2).

 “Bản chất của vấn đề là xác định Bộ nào quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi GPLX và Bộ GTVT đã thống nhất trình Quốc hội phương án 1. Thường trực Ủy ban nhất trí với phương án 1 mà Chính phủ đã thống nhất và giao Bộ Công an quản lý nhà nước nội dung nêu trên, vì nội dung này thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ”, ông Việt cho hay.

 Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức biên chế, kinh phí thực hiện, tính hiệu quả của cả 2 phương án nêu trên và kinh nghiệm các nước quản lý nội dung này. Đây là vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, nên cơ quan thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

 Chấm điểm các tổ chức sát hạch

Tuy nhiên, qua thảo luận cho ý kiến, một số đại biểu đề nghị cân nhắc về việc “chuyển vai” này.

Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian qua chúng ta đã thực hiện xã hội hóa việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đã được thực hiện tốt. Nếu xã hội làm tốt thì nên ủng hộ và nhà nước không nên “ôm” vào. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị cần đánh giá kỹ tác động khi chuyển các trung tâm thực hiện nhiệm vụ này sang cơ quan công an.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị những vấn đề gì mới cần phải rất thận trọng. Việc giao quyền quản lý từ bộ này sang bộ kia phải có tổng kết, lấy ý kiến ĐBQH thậm chí xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Bà Nga đồng ý trình ra Quốc hội để xin ý kiến.

 Giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, việc đào tạo lái xe hiện nay đã xã hội hóa, chúng ta có những quy định để hoạt động theo xã hội hóa. “Họ muốn học đâu, ai đào tạo cũng được, người ta muốn đăng ký sát hạch ở đâu cũng được. Chúng tôi sẽ tổ chức sát hạch và đưa ra tiêu chí sát hạch để đảm bảo người tham gia giao thông an toàn”, ông Ngọc cho hay.

 Lãnh đạo Bộ Công an cũng cho biết, sẽ áp dụng các giải pháp tiên tiến của các nước đó là chấm điểm các tổ chức sát hạch và công bố để họ rút kinh nghiệm tốt hơn. “Cấp GPLX, chúng tôi sẽ đảm bảo hạn chế tối thiểu việc bằng lái giả, giấy phép giả. Hiện tôi đang chỉ đạo các chuyên án bao phủ trên một số tỉnh”, ông Ngọc nhấn mạnh.

 Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ thống nhất trình Luật này vào kỳ họp Quốc hội thứ 10. Riêng về quy định quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi và thu hồi GPLX, còn ý kiến khác nhau.

 “Bản chất của vấn đề là xác định bộ nào quản lý nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung này liên quan đến công tác quản lý nhà nước, Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong tổ chức điều hành, phân công nhiệm vụ. Việc giao cơ quan quản lý phải có thẩm định, đánh giá kỹ, nhất là vấn đề liên quan tổ chức bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước. Đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm và Quốc hội sẽ xem xét quyết định”, ông Đỗ Bá Tỵ kết luận.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên