Chuyện thâm cung bí sử của gia tộc LG: Chủ tịch bị mẹ và chị em kiện đòi quyền thừa kế 1,5 tỷ USD chỉ vì không phải con ruột
Truyền thống chỉ ‘nhường ngôi’ cho con trưởng của gia tộc tập đoàn LG đang bị thách thức bởi những người phụ nữ nhà họ Koo.
Theo tờ Korea JoongAng Daily, gia tộc họ Koo nắm giữ tập đoàn LG tại Hàn Quốc gần đây đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông bằng cuộc chiến thừa kế giữa những người con của cố Chủ tịch Koo Boo Moo.
Thậm chí, ngay cả người vợ của vị chủ tịch quá cố là bà Kim Young Sik cũng tham gia vào cuộc chiến tranh giành tài sản này.
Cụ thể, bà Kim cùng 2 người con gái ruột của mình cùng cố chủ tịch Koo là cô Koo Yeon Gyung và Koo Yen Soo đã đâm đơn kiện Chủ tịch hiện tại Koo Kwang Mo nhằm đòi tái phân chia lại tài sản thừa kế của Chaebol trong top 5 lớn nhất Hàn Quốc.
Trong khi đó Chủ tịch Koo Kwang Mo thì nhấn mạnh quyền thừa kế đã được dàn xếp ổn thỏa từ 4 năm trước sau khi cố chủ tịch Koo Boo Moo qua đời, thông qua một bản thỏa thuận giữa các bên liên quan.
Tuy nhiên, bà Kim cùng 2 người con gái cho rằng họ đã bị lừa khi tin tưởng vào bản di chúc của cố chủ tịch Koo Boo Moo, để rồi sau này phát hiện nó không hề tồn tại.
Bởi vậy 3 mẹ con đã quyết định đưa vụ việc lên tòa án đề đòi quyền phân chia thừa kế theo luật pháp.
Phía luật sư của bà Kim cho hay theo quy định khi không có di chúc, tài sản của cố chủ tịch sẽ phải được chia theo tỷ lệ 1,5:1:1:1. Nghĩa là người vợ được nhận 1,5 phần tài sản và những người con nhận được 1 phần mỗi người.
Tổng tài sản mà cố chủ tịch Koo Boo Moo để lại theo ước tính vào khoảng 2 nghìn tỷ Won, tương đương 1,5 tỷ USD nhưng cả 3 mẹ con chỉ nhận được tổng cộng 500 tỷ Won.
Trong khi đó, Chủ tịch Koo Kwang Mo không những điều hành tập đoàn LG mà còn nhận được phần lớn tài sản thừa kế.
Sau khi Cố Chủ tịch Koo Bon Moo qua đời cách đây 5 năm, ông Koo Kwang Mo đã được thừa kế 8,8% cổ phần, tương đương 720 tỷ Won hay 552 triệu USD, qua đó nắm giữ tổng cộng 15,9% cổ phần để kiểm soát được LG.
Trái lại, người mẹ Kim Yeong Sik không nhận được cổ phần nào, còn 2 người chị em là Koo Yeon Kyung và Koo Yeon Soo nhận tương ứng 15 và 0,5% cổ phần.
Nếu tòa án phán quyết tuân theo yêu cầu từ phía 3 mẹ con bà Kim thì số cổ phần nắm giữ của Chủ tịch Koo hiện nay sẽ giảm từ 15,95% xuống chỉ còn 9,71%, còn bà Kim sẽ nắm giữ 7,96%, người chị gái nắm giữ 3,42% còn người em gái là 2,72%.
Thông tin trên đã làm chấn động giới tài phiệt Hàn Quốc khi những cuộc cạnh tranh tài sản trong giới Chaebol thời gian gần đây ngày càng nhiều.
Việc các thế hệ lãnh đạo gia tộc trước già yếu và qua đời nhưng chuyển giao không thành công cho lớp kế cận đã tạo nên nhiều hệ lụy.
Đầu tiên là vụ việc đấu đá của 2 anh em và bố con nhà Lotte, tiếp đó là vụ ly hôn của Chủ tịch SK khi công khai có con với bồ nhí và giờ là chuyện thừa kế nhà LG.
Phá vỡ truyền thống
Giới truyền thông Hàn Quốc cho hay khác với những Chaebol khác, tập đoàn LG có truyền thống cực kỳ nặng vấn đề con trai trưởng khi chỉ “truyền ngôi” cho người con trai đứng đầu chi chính.
Khác với người vợ và những người con gái của Cố chủ tịch Samsung Lee Kun Hee được tham gia lãnh đạo trong tập đoàn, những người phụ nữ trong gia tộc Koo hầu như không có quyền lực.
Cả bà Kim lẫn 2 người con gái ruột của mình đều không tham gia điều hành tập đoàn như những gia tộc Chaebol khác và đây được coi là một trong những lý do khiến Chủ tịch Koo Kwang Mo lên nắm quyền điều hành dù không phải con ruột.
Về huyết thống, ông Koo Kwang Mo thực tế là con trai ruột của Phó chủ tịch LG Electronics Koo Bon Neung, em trai của Cố chủ tịch Koo Boo Moo. Nói đơn giản Chủ tịch Koo Kwang Mo phải gọi cố chủ tịch là bác.
Tuy nhiên sau khi ông Koo Bon Neung qua đời trong một vụ tai nạn không rõ nguyên nhân, Cố chủ tịch Koo Boo Moo đã nhận nuôi Koo Kwang Mo.
Vị cố chủ tịch này chỉ có 2 người con gái và theo truyền thống phải “nhường ngôi” cho con trai cả mà ở đây là người con nuôi Koo Kwang Mo.
Năm 2019, tức 1 năm sau khi Cố chủ tịch qua đời, ông Koo trở thành vị chủ tịch trẻ tuổi nhất trong số các lãnh đạo Chaebol Hàn Quốc khi mới ở tuổi 41.
Tại thời điểm này, rất nhiều đồn đoán và thuyết âm mưu đã diễn ra về việc Chủ tịch Koo Kwang Mo ngầm chiếm tài sản gia đình Cố chủ tịch, nhưng các nhân viên LG lại cho rằng đây là một vị lãnh đạo tài năng, khiêm tốn.
Tuy nhiên điểm thu hút nhất của vị Chủ tịch “trẻ” này lại không phải khối tài sản khổng lồ hay cuộc tranh giành thừa kế mà là người vợ không môn đăng hộ đối của mình.
Tiếng gọi con tim
Thông thường, các thành viên gia tộc Chaebol ở Hàn Quốc sẽ lựa chọn cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối để đem về nhiều lợi ích kinh tế cũng như quyền lực.
Tiêu biểu nhất là “đám cưới thế kỷ” (Wedding of the Century) giữa người con trưởng Chey Tea Won của tập đoàn SK và cô Roh Soh Yeong, con gái gia tộc quyền lực về chính trị, tại Nhà Xanh-hay còn gọi là Phủ Tổng thống Hàn Quốc năm 1988.
Thế nhưng vị Chủ tịch LG Koo Kwang Mo này thì lại khác khi bất chấp định kiến, từ bỏ lợi ích để chạy theo tiếng gọi con tim.
Ông Koo đã lựa chọn hẹn hò và cưới người bạn gái Chung Hyu Jeong không hề môn đăng hộ đối. Người vợ này là con của một chủ doanh nghiệp thực phẩm nhỏ, quen biết nhau trong thời gian du học Mỹ 2004-2006.
Theo nhận xét của những người xung quanh, cặp đôi này có lối sống rất giản dị và thân thiện với những người xung quanh, bất chấp ông Koo được thừa hưởng khối tài sản tỷ USD.
Hầu như những buổi hẹn hò của cặp đôi được miêu tả là lãng mạn nhưng không hề sang chảnh hay hào nhoáng như giới Chaebol thường thấy.
Tất nhiên, cuộc tình này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ cả 2 phía gia đình.
Gia tộc Koo thì cho rằng cô dâu không môn đăng hộ đội và cách biệt quá xa về danh tiếng lẫn địa vị xã hội. Phía nhà gái thì không muốn con mình làm dâu nhà tài phiệt để rồi chịu nhiều áp lực, ấm ức và đấu đá.
Bất chấp những cản trở đó, cặp đôi đã làm một lễ cưới đơn giản vào năm 2009 một cách kín tiếng vì không muốn thu hút sự chú ý của truyền thông lẫn dư luận.
Hiện họ đã có với nhau 2 người con, 1 trai 1 gái và được cho là thực sự hạnh phúc.
Trớ trêu thay ngay khi Cố chủ tịch qua đời, những bất cập và đấu đá lại bắt đầu trỗi dậy với gia tộc Koo của đế chế LG.
*Nguồn: KoreaJoongAng Daily
Nhịp sống thị trường