MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Chủ tịch Quốc hội thành công ngoài mong đợi

12-09-2021 - 20:50 PM | Xã hội

Chuyến thăm làm việc tại 3 nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã thành công tốt đẹp, vượt dự kiến, đạt được nhiều kết quả thiết thực có ý nghĩa.

Trưa 12/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 05-11/9/2021.

Có thể khẳng định, chuyến chuyến thăm làm việc tại 3 nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã thành công tốt đẹp, vượt dự kiến, đạt được nhiều kết quả thiết thực có ý nghĩa, đóng góp cho việc tăng cường đối ngoại đa phương, cũng như trong quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước.

Rời Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố lớn, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã mang trọng trách hết sức lớn lao, đó là đẩy mạnh hợp tác với các nước trong Nghị viện châu Âu; ngoại giao kinh tế trong và sau đại dịch, đặc biệt là thúc đẩy việc thực thị hiệp định EVFTA, vận động các nước thông qua Hiệp định EVIPA và tiến hành ngoại giao vaccine.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi được kiện toàn bộ máy nhà nước, thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam tại diễn đàn nghị viện đa phương, tăng cường tin cậy chính trị, làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với nghị viện các nước.

Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn ngoại giao nghị viện

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19. Nước chủ nhà đã rất nỗ lực tổ chức hội nghị nhằm khơi dậy các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương vốn đang bị đóng băng thời gian qua. Hội nghị có sự tham dự của 110 Chủ tịch Quốc hội và 4 Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có 3 bài phát biểu quan trọng trực tiếp trong các phiên toàn thể và phiên chuyên đề, có 2 bài phát biểu gửi đến Hội nghị, các bài phát biểu được lãnh đạo nghị viện các nước đánh giá cao.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, Việt Nam luôn xác định không đánh đổi môi trường cũng như sức khỏe của người dân để lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, mà luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam xác định con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển, trong đó, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để phát triển bền vững. Hướng tới mục tiêu đó, Quốc hội Việt Nam đã thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về chuyển đổi mô hình kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý, tái chế, tái sử dụng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có lịch tiếp xúc song phương dày đặc với các đối tác rất quan trọng của Việt Nam ở khắp các châu lục để cùng nhau bàn bạc giải quyết những vướng mắc trong quan hệ giữa hai nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, trong các cuộc tiếp xúc với Nghị viện các nước, phía bạn đều đánh giá cao những cố gắng của Quốc hội Việt Nam trong việc phát triển quan hệ nghị viện với các nước, đồng thời cho rằng, quan hệ nghị viện là một kênh rất quan trọng.

"Đặc biệt là ngoại giao nghị viện trong giai đoạn hiện nay đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa là thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ kết nối giữa nhân dân các nước đối tác. Đối với EU, chúng ta là quan hệ đối tác toàn diện nhưng lại mang tính chiến lược nên nghị viện của cả hai bên có thể đóng góp. Chủ tịch EP cũng rất sẵn sàng hưởng ứng đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là làm sao thiết lập một cơ chế để mà hai nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam tăng cường quan hệ để đóng góp vào sự phát triển" - ông Vũ Hải Hà nhấn mạnh.

Về quan hệ song phương với Vương quốc Bỉ và Cộng hòa Phần Lan, chuyến công tác này cũng đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, đây là những đối tác quan trọng hàng đầu có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ với Việt Nam. Theo thứ trưởng Bộ ngoại giao Tô Dũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có các cuộc thăm làm việc với hơn 20 lãnh đạo cao cấp của các nước và trao đổi về các vấn đề rất cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Liên minh châu Âu cũng như các nước châu Á.

Các nhà lãnh đạo của châu Âu đều coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, coi đây là cơ hội hết sức quý để các nhà lãnh đạo trực tiếp trao đổi với nhau về nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Trong đó, nhấn mạnh, coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược cũng như đối tác quan trọng với Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các nước trong Liên minh châu Âu

Chuyến thăm làm việc tại châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không chỉ làm sâu sắc mối quan hệ nghị viện mà còn có trọng trách gặp lãnh đạo cấp cao nhất của Liên minh châu Âu, Nghị viện châu Âu bàn bạc, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, đây là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại các cuộc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu, hai bên quyết tâm đưa quan hệ đối tác toàn diện có ý nghĩa chiến lược giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới. Đồng thời có nhận thức rất sâu sắc về việc thúc đẩy nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Hiện mới chỉ có 8/27 nước phê chuẩn.

"Hai bên đã có nhận thức sâu sắc và đề nghị các doanh nghiệp thúc đẩy nghị viện các nước thành viên thì chúng ta sớm phê chuẩn hiệp định. Chúng tôi ví EVFTA và EVIPA như hai cánh của con chim, hai hiệp định này phải song hành với nhau thì chúng ta mới có thể bay cao, bay xa được. Trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương với các đối tác hàng đầu thế giới như CPTPP, RCEP, nếu chậm trễ phê chuẩn EVIPA thì sẽ khó bắt kịp xu hướng đầu tư kinh doanh, nhất là khi phục hồi kinh tế sau đại dịch của khu vực và thế giới" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến công tác này, còn có các bộ trưởng các bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã có nhiều hoạt động như gặp các đối tác để xúc tiến thương mại đầu tư, nhằm thúc đẩy quan hệ với châu Âu cả về chính trị, đầu tư, thương mại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Bộ trưởng đã gặp gần 50 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn hàng đầu của châu Âu hoạt động tại nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo,  chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đây là những lĩnh vực hết sức cần thiết mà Việt Nam đang có chủ trương khuyến khích để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thông qua các hoạt động này, đã có nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết lên tới hàng tỷ USD. "Đặc biệt ấn tượng lần này cho thây sự coi trọng của các doanh nghiệp châu Âu đối với thị trường Việt Nam khác hẳn với tất cả các lần trước. Bạn đã coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và coi Việt Nam như là một người bạn lớn, đối tác tin cậy. Thứ hai là cũng xuất phát từ tình cảm những thiện chí đó, họ đang cơ cấu lại đầu tư, đây là dịp rất tốt để chúng ta có thể đón nhận được cơ hội đầu tư từ các doanh nghiệp lớn của châu Âu. Bạn đã luôn thể hiện thiện chí, khi cho chúng ta được tiếp cận, chuyển giao công nghệ. Đây là vấn đề hết sức mới mà trước đây là rất hiếm khi các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam lần này" - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 1 năm thực hiện EVFTA, ngoài những kết quả đã đạt được rất đáng ghi nhận, qua các cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác, xu thế sẽ có nhiều các mặt hàng nông nghiệp, nông sản của Việt Nam vào được thị trường châu Âu trong tương lai gần. Ngoài ra, những sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, hàng điện tử cũng là mặt hàng được thị trường châu Âu ưa chuộng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cũng như cộng đồng doanh nghiệp của châu Âu nói chung và của 3 nước, Đoàn công tác đều nhấn mạnh những kết quả 1 năm qua, thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, đồng thời cũng nhân cơ hội này thì Đoàn công tác đã làm rõ nhiều vấn đề mà các đối tác cũng như các doanh nghiệp quan tâm, liên quan đến  cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do. Trong cuộc tiếp xúc, chục doanh nghiệp đều bày tỏ nguyện vọng sớm được đầu tư tại Việt Nam.

Thông điệp của Việt Nam mang đến các doanh nghiệp châu Âu lần này là nếu đầu tư vào Việt Nam, không phải chỉ là tìm đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam mà còn hướng tới hơn 600 triệu người dân của khu vực ASEAN và rộng hơn là với 5 tỷ dân của khu vực châu Á. Bởi, Việt Nam là thành viên đầy đủ của 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Điều này đã được lãnh đạo các nước trong Liên minh châu Âu ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ tại lĩnh vực ngoại giao kinh tế lần này là trao đổi với các thành viên trong Liên minh châu Âu về thẻ vàng IUU mà EU áp dụng cho Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thực hiện theo các yêu cầu kỹ thuật của EU, Việt Nam đã hoàn thiện thể chế kinh tế, ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn.

Ngoại giao vaccine là một trong những ưu tiên

Trong bối cảnh Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp về đại dịch Cobid-19, phương châm “vaccine tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm nhất”. Vì lẽ đó, ngoại giao vaccine là một trong những mục tiêu được đặt lên hàng đầu.

Ngay trước chuyến thăm làm việc tại châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã gửi thư cho lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng như lãnh đạo của Nghị viện của 27 nước thành viên đề nghị ủng hộ hỗ trợ cho Việt Nam trong việc cung cấp các nguồn vaccine còn dôi dư, cũng như hỗ trợ Việt Nam thuốc điều Covid-19, trang thiết bị y tế và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Trong các buổi gặp với các đại sứ Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã giao nhiệm vụ cho các đại sứ, cần tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc vận động công tác ngoại giao Vaccine. Kết quả, lãnh đạo của Liên minh châu Âu, Nghị viện châu Âu nhất trí với đề xuất của Việt Nam và cho biết, sẽ thúc đẩy lãnh đạo cũng như vận động lãnh đạo các nước trong Liên minh châu Âu tăng cường hỗ trợ, giúp Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn cung vaccine còn dư của các nước trong Liên minh châu Âu, đồng thời hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine.

Đại sứ Việt Nam tại Áo Phạm Quang Vinh cho biết, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội với tâm thế mang hành trang nhẹ nhất để có thể mang vaccine nhiều nhất về cho đất nước để chống dịch Covid-19. Tại Áo, các doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài, doanh nghiệp người nước ngoài đóng góp cho Chính phủ khoảng 1,5 triệu kít thử vaccine trị giá nhiều triệu USD. Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế đã quyết định tặng cho Chính phủ Việt Nam ba bộ trang thiết bị dùng để xem xét nghiệm covid-19 với công nghệ đặc biệt, giá trị gần 500.000 USD.

Tại chuyến thăm này, Chính phủ Bỉ trực tiếp trao cho đoàn công tác 100.000 liều vaccine. Chính phủ Slovakia tặng 100.000 liều vaccine, một số các nước khác cũng đang có những xem xét rất tích cực về việc hỗ trợ hoặc là nhượng lại cho Việt Nam là số lượng vaccine nhất định, hỗ trợ trong việc cung cấp trang thiết bị phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, một số các tổ chức, cơ quan nước ngoài, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng như kiều bào ta ở nước ngoài cũng đã mua tặng các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 để ủng hộ cho Việt Nam.

Điều này thể hiện ân tình, sự hỗ trợ, giúp đỡ hết sức kịp thời, quý báu của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn doanh nghiệp trong nước cũng như bà con kiều bào của Việt Nam đang sinh sống tại châu Âu trong bối cảnh hiện nay.

Bà con Việt kiều là một cộng đồng không thể tách rời

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến châu Âu diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành kết luận 12 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Ví như một cuộc tiếp xúc cử tri ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp gỡ cởi mở, chân tình với cộng đồng người Việt ở nước ngoài để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con; đồng thời trao đổi về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước theo kết luận 12.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và mong muốn bà con tiếp tục đoàn kết, yêu thương hỗ trợ nhau.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã cám ơn những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã luôn hướng về quê hương bằng những hoạt động thiết thực nhất nhằm ủng hộ bằng vật chất cho người dân gặp khó khăn trong thiên tai, bão lũ và dịch bệnh.

Có thể khẳng định, chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan đã thành công hết sức tốt đẹp, vượt dự kiến, có nhiều kết quả thiết thực, ý nghĩa đóng góp cho việc tăng cường thêm mối quan hệ đa phương cũng như quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước./.

Theo Lê Tuyết

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên